Rộn rã mùa rươi ven sông

00:00 12/10/2020

(DNHN): Không biết từ bao giờ, câu ca lưu truyền “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng 5” đã in sâu như lời nhắc nhở mỗi chúng ta rằng ngày ấy có rươi, ngày ấy rươi sẽ tự chui ra… và ngày ấy trong mâm cơm nhiều gia đình sẽ có món đặc sản nổi tiếng vùng quê ven sông của miền Duyên hải Bắc Bộ.

ron-ra-mua-ruoi-ven-song-3

Đặc sản bổ dưỡng an toàn... Con rươi hay còn gọi với một cái tên khác: “Rồng đất” là thực phẩm, nguyên liệu chế biến ra được khá nhiều món ăn và cũng là đặc sản nổi tiếng của người dân Việt Nam… Từ con rươi ta có thể làm nhiều món ăn, món nào cũng thơm ngon, hấp dẫn và giàu dinh dưỡng. Theo các chuyên gia, con rươi cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng và nhiều loại muối khoáng quan trọng giúp tăng cường sức khỏe. Trong 100g rươi có 81.9g nước, 12.4g protid, 4.4g lipid, cung cấp cho cơ thể được 92 calo, khi đó thịt bê non chỉ cung cấp được 87calo (trong 100g thịt bê nạc có 78.2g nước, 20g protid, 0.5g lipid). Ngoài ra, rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, photpho, sắt, kẽm… Vì vậy những món ăn từ rươi luôn được yêu thích không chỉ vì lạ miệng, thơm ngon mà còn vì đây là món ăn nhiều dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Rươi là sinh vật bí ẩn, quý hiếm mà chỉ số ít nơi mới có, mỗi năm rươi chỉ đứt lỗ chui lên một lần kéo dài từ 1 đến 2 tiếng. Chúng có thể lên ban ngày nhưng đa phần là vào ban đêm, khi có sao và trăng lên, khi thấy ánh điện sáng lại càng bơi ra nhiều  như để khoe sắc. Rươi có nhiều trên các đồng ruộng còn trơ gốc rạ, hay trên những con mương, con lạch vùng nước lợ. Có những mùa rươi nổi lên đỏ au cả mặt nước. Ngày nay rươi càng ngày càng hiếm nên giá rươi rất đắt đỏ, có thời điểm lên đến hơn một triệu đồng/kg. Vì thế có nhiều hộ gia đình đào đầm để khai thác rươi cho năng suất kinh tế cao.

ron-ra-mua-ruoi-ven-song-1

Cần được phổ biến nhân rộng Mùa rươi 2016, phóng viên Doanh nghiệp Hội nhập tìm về xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương (một trong những nơi có nhiều rươi nhất vùng Duyên hải Bắc Bộ) trong lúc chập choạng tối, chúng tôi được cùng gia đình ông Hát tại xã, hồi hộp đón chờ khai thác mẻ rươi đầu tiên. Không biết mẻ đầu thu hoạch được bao nhiêu? Cứ từng hồi chờ đợi, đứng soi đèn rồi vớt. Lúc 1 kg rồi đến 10 kg, niềm vui cứ nở rộ trên khuôn mặt người khai thác cho đến nửa đêm. Các thương lái cũng sắm sửa, chực chờ nhà ông Hát để lấy hàng vận chuyển mau đến các chợ đầu mối thành phố lớn. Không khí rất háo hức, vui vẻ tấp nập với “lộc trời cho” này của hàng trăm hộ nơi đây. Được biết, dựa vào thế mạnh của việc khai thác rươi, huyện Tứ Kỳ - Hải Dương đã chủ động các phương án tốt nhất nhằm tạo điều kiện hết sức cho người dân địa phương khai thác nguồn tài nguyên  này. Cụ thể xã An Thanh đã xây dựng con đường bê tông hóa dài hàng km đến các bãi triều để người dân khai thác tối đa, cộng thêm việc làm  thủy lợi hóa nguồn dẫn thuận lợi, giúp bà con phát triển kinh tế làm giàu trên mảnh đất quê hương. Tiếp đến huyện Vĩnh Bảo – Hải Phòng cũng là một trong những nơi có tiềm năng khai thác rươi hàng năm rất lớn. Mảnh đất nơi có đến 244 ha đang được sử dụng hàng năm để khai thác lấy rươi. Trong đó, 200 ha diện tích đang khai thác, còn lại 44ha đang cấy lúa chờ đón rươi. Hiện nay, huyện Vĩnh Bảo đã có kế hoạch quy hoạch, khoanh vùng toàn bộ diện 244ha này để khai thác rươi và nhằm giữ vùng rươi không bị ảnh hưởng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.

ron-ra-mua-ruoi-ven-song-2

công đoạn chuẩn bi lưới đi đánh bắt rươi

Bên cạnh đó, huyện cũng cho tập huấn các hộ kỹ thuật bón phân gây chuồng, phân gà để tăng năng suất rươi. Đồng thời, giới thiệu sản phẩm rươi để mọi người biết đến được đặc sản của Vĩnh Bảo nói riêng và Hải Phòng nói chung. Đây quả là hướng đầu tư đúng đắn trong phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống người dân trong vùng một cách hiệu quả nhất. Nhưng để đánh giá và xác định tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế con rươi này, không thể không kể đến những chính sách phát triển tạo điều kiện tối đa cho người dân trên mảnh đất thuần nông của lãnh đạo huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Với hàng ngàn m2 diện tích đất bãi triều trải dọc con sông Thái Bình và sông Văn Úc  có phù sa bồi đắp dinh dưỡng hàng năm, đây là điều kiện thuận lợi để khai thác rươi, thủy hải sản. Hiện nay, tổng diện tích đất cho tiềm năng khai thác rươi lên đến 665,24 ha. Trong đó 474.89 ha hoàn toàn cho nuôi trồng thủy sản, 190.35có thể mô hình xen canh lúa – cáy – rươi. Thôn Kinh Điền, xã Tân Viên, huyện An Lão cũng có thủy nhưỡng hợp với việc phát triển khai thác rươi. Tuy nhiên, nhiều năm qua việc tranh chấp đất đai 13 ha bãi đầm triều dọc sông Văn Úc vẫn để hoang, trồng cây mang lại nguồn lợi kinh tế thấp. Chính quyền địa phương nơi đây cũng  mong mỏi thành phố sẽ sớm có những biện pháp tạo điều kiện về mặt bằng và phổ biến nhân rộng cho người dân được phát triển khai thác nguồn lợi từ rươi, mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống. Tóm lại, về giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị kinh tế của con rươi là một điều hiển nhiên, không thể không thấy. Tuy nhiên, các địa phương có tiềm năng để phát triển nguồn lợi “trời cho” này, khai thác được triệt để hay không ở sự định hướng, tạo điều kiện từ chính quyền cho người dân phát triển kinh tế.

ron-ra-mua-ruoi-ven-song

đặc sản chả rươi được chế biến thơm nức lòng du khách

Hy vọng về sự “đổi đời” cho người nông dân một sương hai nắng cũng như tăng được nguồn thu ngân sách địa phương mà tăng được nhiều nguồn thực phẩm bổ  dưỡng an toàn đang là vấn đề cần đặt ra cho chính quyền địa phương ven sông vùng Duyên hải Bắc Bộ. Giang Lương