Reed Hastings - tỷ phú đứng đằng sau đế chế Netflix

08:41 03/11/2020

Reed Hastings, tỷ phú đã biến Netflix - dịch vụ cho thuê DVD từng bị Blockbuster từ chối - thành một gã khổng lồ công nghệ nổi tiếng toàn cầu. Đi lên từ một dịch vụ cho thuê DVD qua email, giờ đây tỷ phú truyền thông Hastings đã sở hữu khối tài sản 4,8 tỷ USD.

 

Reed Hastings Người sáng lập Netflix

Thế hệ cùng Gates và Bezos

Tờ Financial Times cho biết: Hastings, 59 tuổi, có thể coi là một trong những người sống sót không thể tin được của Thung lũng Silicon. Ông là một chuyên gia công nghệ nhìn thế giới bằng “những con số và thuật toán”, anh ta thuộc thế hệ của Bill Gates và Jeff Bezos.

Hastings, người lớn lên ở một vùng ngoại ô giàu có của Boston. Ông cũng như những đứa trẻ bình thường và không có một tài năng nào đặc biệt. Nhưng ông xuất thân từ một gia đình thành đạt. Sau khi tốt nghiệp trung học, thay vì học thẳng lên đại học, Hastings đã làm nhân viên bán máy hút bụi trong suốt một năm dài. Sau đó, ông đã chọn học chuyên ngành toán ở đại học vì cho rằng tính trừu tượng trong toán học làm cho ông cảm thấy vô cùng lôi cuốn. 

Hastings tốt nghiệp Đại học Bowdoin năm 1983 với bằng toán, sau đó phục vụ trong Quân đoàn hòa bình ở Swaziland. Khi trở về, mục tiêu đầu tiên của Hastings là MIT. Nhưng do không được chọn vào, cuối cùng ông đã dừng chân tại Đại học Stanford và tốt nghiệp ở đây, ông đã lấy được bằng Thạc sĩ về trí tuệ nhân tạo tại Stanford.

Sự ra đời của đế chế Netflix

Marc Randolph, người đồng sáng lập Netflix, từng so sánh Hasting với nhân vật Spock từ bộ phim Star Trek vì sự phi thường của ông ấy. Năm 1991, ông thành lập công ty liên doanh thành công đầu tiên mang tên Pure Software, chuyên làm về các chương trình đo chất lượng phần mềm. Ông đã kiếm được một khoản nhỏ khi bán Pure cho Rational Software vào năm 1996. Sau đó, ông bắt đầu Netflix vào năm 1997.

Ý tưởng thành lập Netflix đã đến vào năm 1997, sau khi Hastings nhận được thông báo về khoản trả phí 40 đô la vì quá hạn thuê DVD từ hệ thống cửa hàng Blockbuster. Sau đó ông cùng người bạn là Marc Randdolph – đồng sáng lập Netflix ngay sau đó đã cùng nhau nuôi ý tưởng thành lập một công ty cho thuê DVD qua email. Và đó cũng chính là dấu mốc để dẫn đến sự ra đời của đế chế truyền thông Netflix.

 Netflix từng làm về mảng dịch vụ cho thuê DVD qua email

Netflix được ra mắt vào năm 1997 và gây chú ý ngay lập tức - nhưng khi Hastings cố gắng bán cho Blockbuster với giá 50 triệu đô la vào năm 2000, ông đã bị từ chối. Hastings cho biết vào năm 2007, Netflix đã phát hành đĩa DVD thứ một tỷ.

Tuy nhiên, khó khăn xuất hiện khi sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực công nghệ ở đầu thế kỷ XX, đặc biệt là sự tiếp cận của Internet ngày càng gia tăng và ảnh hưởng rất nhiều đến lĩnh vực mà ban đầu Netflix hướng đến đó là cho thuê DVD qua email. Nắm bắt được xu thế đó, Hasting đã quyết định chuyển hướng hoạt động của Netflix từ ngành kinh doanh chủ chốt là DVD thành dịch vụ truyền hình trực tuyến và sản xuất phim, chương trình truyền hình. 

Tuy vậy, Netflix không phải là bằng chứng đầu tiên về tài năng của Reed Hastings. Ông tốt nghiệp Trường Bodoin College, với tấm bằng cử nhân toán học và làm Chủ tịch Club Outing, nơi ông tự lên kế hoạch tổ chức các chuyến leo núi và trèo thuyền. Song song với tài năng được cộng đồng Thung lũng Silicon công nhận, Hastings cũng “ghi dấu ấn” với hình ảnh của một tài năng lập dị. Trang Business Insider đưa một câu chuyện về Hastings: Sau khi ra trường, ông dành hai năm trong một công ty start-up về công nghệ ở Thung lũng Silicon. Ngoài chiếc máy tính cá nhân đặt trên bàn làm việc được chăm chút sạch sẽ, thì giấy tờ, quần áo và cả cốc cà phê bẩn của Hastings hiện diện khắp nơi trong phòng của ông. Không hề chủ động dọn dẹp, thỉnh thoảng, ông thấy chúng được gọn gàng và các cốc cà phê tự sạch một cách bí ẩn. Ban đầu ông cho rằng do ai đó, người lao công hay một cô gái để ý tới ông trong chỗ làm, đã dành thời gian cho công việc này. Tuy nhiên, trong một lần đến chỗ làm sớm, Hastings thấy CEO của công ty đang rửa chiếc cốc cà phê của ông trong phòng tắm. Vị CEO cho rằng đây là điều vị này có thể làm để hỗ trợ cho ông vì ông đã đóng góp và làm được rất nhiều cho công ty.

Câu trả lời của vị CEO đã cho Hastings một bài học về cách quản trị nhân viên và doanh nghiệp của mình. Và chính điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến văn hóa doanh nghiệp của Netflix

 

Netflix hiện có măt tại 130 nước trên thế giới

Văn hóa doanh nghiệp trái ngược với Apple

Trang tin Business Insider đã dẫn lời Reed Hastings trong một lần phỏng vấn về văn hóa Netflix: “Mô hình tương lai của chúng tôi là tăng quyền tự do cho nhân viên chứ không hạn chế bất cứ điều gì, điều này giúp chúng tôi có thể tiếp tục thu hút nhân tài và nuôi dưỡng sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Chúng tôi nhận thấy sẽ có cơ hội thành công cao hơn nếu theo đuổi chiến lược này”.

Để thu hút và giữ chân những nhân viên tiềm năng, Hastings sẵn sàng trao cho họ những quyền lợi và sự hỗ trợ tốt nhất mà ông có thể làm cho họ. Khi một nhân viên nữ trong Netflix lên chức mẹ, Hastings sẽ cung cấp chính sách nghỉ phép “không giới hạn” trong vòng một năm sau khi sinh mà vẫn giữ nguyên mức lương cho họ. Một nhân viên lên chức cha cũng có thể nghỉ tùy thích trong vòng một năm và vẫn nhận lương thưởng đầy đủ. Điều mà không ít công ty có thể làm được. 

Ngoài ra, Netflix cũng không giới hạn ngày nghỉ phép cho nhân viên của mình. Công ty sẽ không gò bó và không theo dõi ngày nghỉ của nhân viên. Thay vào đó, nhân viên và người quản lý của họ sẽ cần có những cuộc trò chuyện về những gì là thích hợp cho sự phát triển và đảm bảo đặc quyền này sẽ không bị lạm dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.

“Tại Netflix, chúng tôi cho rằng các nhân viên có thể tự mình xây dựng ý thức trách nhiệm khi họ thực sự cảm thấy yêu công việc của họ làm. Điều chúng tôi thấy cần thiết là hiệu suất công việc chứ không cần để tâm nhiều đến thời gian nhân viên có mặt tại công ty. Vì thế Netflix sẵn sàng tạo mọi điều kiện để tài năng của nhân viên được ươm mầm, phát triển và khiến họ cảm thấy vui vẻ để gắn bó lâu dài với công ty”, Hastings chia sẻ trên Business Insider.

CEO Reed Hasting của Netflix cũng là người tạo ra nền văn hóa làm việc độc lạ tại công ty, khi cho tất cả nhân viên tự do ngôn luận và chia sẻ tất cả thông tin với nhau. Điều đó khiến Netflix như một hãng "anti-Apple" với văn hóa công ty hoàn toàn trái ngược.

Trong một hội nghị, Hasting tiết lộ: “Chúng tôi khác hoàn toàn với Apple. Nếu như văn hóa của họ là ngăn cản thông tin ra bên ngoài thì với chúng tôi lại hoàn toàn ngược lại. Tại đây tất cả mọi người đều có thể chia sẻ thông tin với nhau. Bất cứ khi nào tôi định thực hiện một quyết định lớn nào, tôi sẽ không giấu diếm hay làm gì với chúng một cách bí mật”.

Apple - một trong những công ty công nghệ hàng đầu với nền văn hóa được cho là bảo mật nhất thế giới. Những thông tin nhạy cảm về các sản phẩm đều được nhân viên công ty hết sức giữ kín. Thậm chí còn có quy định, nếu họ không tuân thủ thì sẽ phải đối mặt với án phạt về pháp luật nếu làm rò rỉ thông tin ra bên ngoài.

Ngược lại với Netflix. Hasting cho rằng chiến lược chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy các cuộc tranh luận của các nhân viên để việc đưa ra quyết định cuối cùng được tốt nhất. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi Netflix là một dịch vụ phục vụ người xem phim và các chương trình truyền hình, việc thu nhập ý kiến đóng góp từ mọi người trong công ty có thể làm nội dung, ý tưởng trở nên phong phú hơn.

Ông chia sẻ thêm: “Chúng tôi mong muốn mọi người nói lên chính kiến của bản thân mình, vì việc phản đối trong âm thầm sẽ đồng nghĩa với việc không trung thành. Không nên để một quyết định được đưa ra mang tính cá nhân. Chúng tôi cho rằng việc càng nhiều ý kiến tranh luận sẽ khiến mọi thứ trở nên tốt hơn”.

 Năm 2020, tỷ phú truyền thông Hastings sở hữu khối tài sản 4,8 tỷ USD

Trong khi năm 2020 là một thảm họa đối với một số công ty truyền thông, Netflix đã phát triển mạnh mẽ khi mọi người dành nhiều thời gian hơn để xem các chương trình trực tuyến và phim khi ở nhà trong thời kỳ đại dịch. Theo Forbes, năm 2020, tỷ phú truyền thông Hastings sở hữu khối tài sản 4,8 tỷ USD, tăng 1,1 tỷ USD so với năm 2019. Ngoài thời gian dành cho cộng việc, ông còn dành hàng triệu đô la cho các hoạt động từ thiện, đặc biệt là về giáo dục. Vào năm 2012, Hastings và vợ là Quillin đã ký kết tham gia The Giving Pledge, quỹ từ thiện do Bill Gates và Warren Buffett sáng lập, yêu cầu những người ký kết phải cho đi phần lớn tài sản của họ. Chỉ riêng trong năm 2020, Hastings và Quillin đã trao 120 triệu đô la để tài trợ học bổng cho những sinh viên là người da đen, đồng thời tài trợ một trại huấn luyện cao cấp cho giáo viên ở Colorado. Tuy nhiên, theo đuổi của ông trong lĩnh vực giáo dục không chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ tài chính. Hastings gia nhập Hội đồng Giáo dục Bang California vào năm 2000 và đã trải qua ba năm với tư cách là chủ tịch.

Gần đây, Hastings cũng là một trong 137 tỷ phú quyên góp cho Joe Biden trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, với số tiền 2.800 đô la. Trước khi ủng hộ Biden, Hastings đã từng ủng hộ hàng nghìn đô la cho cuộc tranh cử tổng thống thất bại của cựu Thị trưởng Pete Buttigieg. Ngoài ra, ông cũng đã từng quyên góp 5.000 đô la cho chiến dịch tái đắc cử năm 2012 của cựu Tổng thống Barack Obama.

Bảo Trinh