Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu rất ấn tượng bởi vì bắt đúng trọng bệnh của nền hành chính: “Không để tình trạng như người ta nói là trên trải thảm đỏ nhưng dưới có đinh. Phải coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của tỉnh mình, đất nước mình”. Và như cộng đồng doanh nghiệp kêu than, 7.000 giấy phép con là một rừng đinh cần phải nhổ.

Rừng đinh đó tạo ra môi trường nhiều “sát thương” cho doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm Việt Nam có 100.000 doanh nghiệp được thành lập, và khoảng 60% trong số đó dẹp tiệm. Tất nhiên quy luật cạnh tranh sẽ đào thải những cá thể yếu, nhưng không ít trong số này tử nạn vì giẫm phải đinh. Mới đây thôi, chủ quán phở - cà phê “Xin Chào” ở TPHCM đã bị khởi tố, truy tố vì có hành vi “vi phạm pháp luật”, mà việc khởi tố và truy tố căn cứ vào những quy định phi lý. Chỉ quán phở - cà phê thôi mà đã mang vạ như thế, thử hỏi những doanh nghiệp làm ăn lớn còn phải chịu những sức ép như thế nào!

Người ta đã nặn ra những điều kiện kinh doanh bất hợp lý, trói buộc nhà đầu tư, nói trắng ra là hành hạ doanh nghiệp. Sự hành hạ bằng điều kiện kinh doanh như vậy là có mục đích, ai muốn đi êm ái trên thảm thì phải có thứ để lót đường. Doanh nghiệp kiệt sức vì chi phí lót đường nên khó có thể chiến thắng trên những đấu trường hàng hóa, khi mà đối thủ khỏe hơn nhiều.

Doanh nghiệp trong cuộc khổ sở vì giấy phép con, người có vốn liếng và khả năng muốn tham gia kinh doanh, gặp phải rừng đinh này sẽ chán nản. Người ta thấy quá nhiều rủi ro, đối mặt với lắm thứ bức xúc nên ngại không dám đầu tư. Chính những điều kiện kinh doanh vô lối đã kìm hãm và triệt tiêu các nguồn lực, nền kinh tế đất nước vẫn ở vị trí thấp bởi vì năng lượng của cộng đồng doanh nghiệp không được giải phóng, tài nguyên kinh doanh trong dân không được khai thác. Các doanh nghiệp nóng lòng được trao đổi trực tiếp với Thủ tướng, dâng “sớ” xin nhổ rừng đinh 7.000 giấy phép con tai họa. Nhổ rừng đinh thì doanh nghiệp mới đủ sức cạnh tranh, kinh doanh thành công. Nhổ rừng đinh thì công nhân lao động mới có thu nhập cao.

Doanh nghiệp và người lao động chưa chắc cần thảm đỏ, chỉ cần một con đường thẳng thắn đường hoàng để đi.

PV