Quyết tâm đưa huyện Quảng Ninh phát triển toàn diện và bền vững

00:00 12/10/2020

"Đưa huyện Quảng Ninh phát triển toàn diện và bền vững", đó là quyết tâm của đại biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) lần thứ XXIV đã xác định.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) lần thứ 24 đã xác định: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo động lực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, phát triển nghề mới ở nông thôn, phát triển toàn diện lĩnh vực văn hoá, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quyết tâm xây dựng huyện Quảng Ninh phát triển toàn diện và bền vững”.

Trụ sở UBND huyện

Ông Phạm Trung Đông, Phó Bí thư Huyện uỷ- Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh đã có cuộc ông trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập xung quanh nội dung này.

Huyện Quảng Ninh đã tập trung vào những giải pháp đột phá nào để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XXIV đã đề ra.

Ông Phạm Trung Đông: Nắm bắt thời cơ và xu thế hiện nay cũng như đảm bảo hiệu quả tính bền vững và tăng cường năng lực cạnh tranh trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, sự giám sát của HĐND huyện, UBND huyện Quảng Ninh luôn phát huy vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, đoàn kết, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước góp phần thực hiện thắng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra. Trong đó tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy sản xuất phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động theo hướng CNH-HĐH gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp, TTCN ngành nghề nông thôn cũng như nâng cao tỷ trọng thương mại-dịch vụ trong cơ cấu kinh tế để tạo điều kiện phát triển toàn diện gắn với bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác ứng dụng và tiếp thu công nghệ mới vào sản xuất, nhằm cải thiện trình độ công nghệ sản xuất theo hướng “Công nghệ sạch”.  Thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của tỉnh. Chủ động xây dựng các Dự án nhằm tranh thủ các nguồn vốn ODA , thu hút các Dự án đầu tư và khu công nghiệp Tây bắc Quán Hàu, vùng cát Hải Ninh - Gia Ninh, khu công nghiệp Áng Sơn, đầu tư xây dựng Dự án khu du lịch Biển Hải Ninh, khu sinh thái Núi Thần Đinh, Hồ Rào Đá, các chương trình mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống dân sinh, ưu tiên các Dự án có vốn đầu tư lớn xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, thu hút nhiều lao động. Tạo điều kiện về chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ hạ tầng kêu gọi thu hút đầu tư các Dự án trọng điểm, lựa chọn các nhà đầu tư thực sự tâm huyết, có năng lực, khả năng tài chính. Khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, nguồn lực, nhất là các xã vùng núi, vùng biển, vùng đồi, phát triển nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh các loại rau màu và cây thực phẩm sạch, có đủ sức cạnh tranh thị trường; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu; thí điểm mô hình sản xuất công nghệ cao trên vùng đất cát để rút kinh nghiệm nhân rộng. Chỉ đạo triển khai xây dựng các thôn, xã kiểu mẫu về Nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả sản xuất của các làng nghề, ngành nghề truyền thống trên địa bàn huyện. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, ưu tiên một số công trình trọng điểm trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, chú trọng bảo vệ môi trường, sinh thái của địa phương. Tăng cường các hoạt động tài chính, tín dụng, ngân hàng; thực hiện tốt nhiệm vụ thu - chi ngân sách, bằng mọi biện pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách trên địa bàn theo hướng bền vững.

Cơ giới hóa trên cánh đồng

Tăng cường các hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục thể thao, công tác quản lý đối với dịch vụ văn hóa, du lịch, lễ hội, phát triển văn hoá, xã hội đồng bộ với tăng trưởng kinh tế. Giảm nghèo nhanh, bền vững, kiềm chế gia tăng dân số, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo cơ hội bình đẳng để mọi người dân được tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, chính trị, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc” vậy, huyện Quảng Ninh đã chú trọng công tác cán bộ như thế nào nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao?

Ông Phạm Trung Đông: Huyện đang tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền. Chú trọng phân công quản lý, kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả bảo đảm sự điều hành tập trung, thống nhất thông suốt của bộ máy quản lý nhà nước, trong đó tập trung cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính ở mọi khâu, mọi lĩnh vực, kiên quyết loại bỏ những thủ tục, giấy tờ không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa và một cửa liên thông. Tăng cường sự giám sát, đánh giá hiệu quả, chất lượng công tác của nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp đối  với các cơ quan quản lý nhà nước.

Xưởng mộc mỹ nghệ

Để thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ, huyện đã từng bước hoàn thiện quản lý cán bộ, công chức, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và nghĩa vụ của công chức hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, điều hành, quản lý; phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cấp dưới trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công. Thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, công chức, nâng cao tính chuyên nghiệp và tinh thần phục vụ, xây dựng phong cách làm việc “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Tăng cường công tác dân vận của chính quyền; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xử lý nghiêm minh kịp thời cán bộ, công chức vi phạm. Phát huy vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân và nhân dân trong việc giám sát các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

 Quảng Ninh xưa nay vẫn được nhiều người biết đến là huyện thuần nông mà chưa biết nhiều về những di tích lịch sử, di tích danh thắng, là điều kiện để phát triển du lịch. Vậy, ông có thể cho biết những tiềm năng, thế mạnh để Quảng Ninh phát triển du lịch là gì?

Ông Phạm Trung Đông: Quảng Ninh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, mang đậm bản sắc văn hóa của dải đất hẹp miền Trung với tứ địa danh “Văn - Võ - Cổ - Kim” trong bát danh hương nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình. Với  nhiều di tích lịch sử và văn hoá đã được Nhà nước xếp hạng như: Núi Thần Đinh, Đền tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ Trường Sơn, Bến phà Long Đại; là quê hương của danh tướng Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật, thi nhân nổi tiếng Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào; Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người có công khai khẩn miền Nam nước Việt được nhân dân tôn thờ…

Cầu Long Đại

Bên cạnh đó, dù chưa thực sự trở thành thế mạnh của nền kinh tế, song với tiềm năng 19,6km đường bờ biển, trong đó có bãi biển đẹp Hải Ninh là tiềm năng để phát triển du lịch biển; hiện nay Công ty Cổ phần tập đoàn FLC đang triển khai dự án quần thể Resort, biệt thự nghĩ dưỡng và giải trí cao cấp sân golf tại Quảng Bình được kéo dài theo bờ biển từ thành phố Đồng Hới, qua huyện Quảng Ninh đến điểm cuối là xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, vì vậy mà bãi biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh sẽ hứa hẹn nhiều điều thú vị cho du khách. Nơi đây, ngoài bãi tắm sạch, còn nguyên vẻ hoang sơ, du khách còn được thưởng thức hải sản tươi ngon: sò huyết, mực tươi, cua ghẹ, hàu sông, cá biển, cùng các sản vật như nước mắm, cá khô, khoai deo, ruốc... Hoạt động du lịch ở Núi Thần Đinh được rất nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như một địa chỉ du lịch tâm linh của tỉnh Quảng Bình, hàng năm địa danh này đón hàng chục nghìn lượt khách đến hành hương, vãn cảnh. Cùng với đó là dòng Long Đại – nơi có cảnh quan kỳ vĩ, hoang sơ, văn hóa độc đáo, con người thân thiện , đã và đang hứa hẹn cho việc phát triển du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái trong tương lai. Tin rằng, với tiềm năng về phát triển du lịch cùng với việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện Quảng Ninh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” thì sẽ có nhiều nhà đầu tư đến với Quảng Ninh đánh thức tiềm năng du lịch, và nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn không chỉ cho du khách trong tỉnh mà cả du khách bốn phương.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trọng Lãnh (thực hiện)