Quyết liệt cải cách thể chế tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

00:00 12/10/2020

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (ACAPR) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam(EuroCham) vừa tổ chức hội nghị đối thoại cấp cao về đề tài cải thiện môi trường đầu tư và thương mại Việt Nam. 

Hàng trăm đại biểu, từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đến đại diện các Bộ Ban Ngành đã đến tham dự và thảo luận về những thách thức đối với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, cũng như các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuận lợi cho nhà đầu tư quốc tế tại Việt Nam.

quyet liet cai cach the che tao thuan loi cho nha dau tu

Theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới tháng 9 vừa qua, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam tăng 10 bậc, từ vị trí thứ 77 lên thứ 67/141 nền kinh tế và xếp thứ 7 trong khu vực ASEAN.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (ACAPR), ông Mai Tiến Dũng cho biết, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong đó, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Năm 2019, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, trong đó có đề xuất bãi bỏ, sửa đổi và bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chính phủ cũng đã ban hành 3 nghị định để tiếp tục cắt giảm thêm 106 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2018 đến nay lên tới 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh. Theo tính toán, việc cắt giảm này giúp tiết kiệm gần 6 triệu ngày công, tương đương hơn 893,9 tỷ đồng mỗi năm.

Chính phủ cũng đã chính thức cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, giúp tiết kiệm hơn 12 triệu ngày công, tương đương 5.442,8 tỷ đồng/năm. Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại qua biên giới.

Để tiếp tục cải cách toàn diện, thực chất hơn hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; thống nhất một đầu mối là cơ quan hải quan là thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham cho biết, các thành viên của EuroCham rất vinh dự được chia sẻ những khuyến nghị với Chính phủ và vui mừng nhận được những phản hồi trực tiếp từ các cấp lãnh đạo về các vấn đề họ gặp phải khi kinh doanh tại Việt Nam. Cuộc đối thoại này là một tín hiệu tích cực tại thời điểm quan trọng trong quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mai tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Điều này thể hiện rằng Việt Nam sẵn sàng mở cửa và hỗ trợ giải quyết những thách thức mà các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đang đối mặt là rất quan trọng, trong bối cảnh Nghị viện châu Âu dự kiến sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu ​​vào đầu năm tới.

Đặc biệt, chúng tôi hoan nghênh việc giới thiệu Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia - một nền tảng điện tử mới, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ với người dân và khối doanh nghiệp. Đây chỉ là một trong nhiều điểm tích cực trong nhiều hoạt động cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam gần đây và chúng tôi hy vọng những sự kiện tương tự trong tương lai sẽ tiếp tục hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ hơn nữa trong các hoạt động cải cách này” – Chủ tịch EuroCham chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề vướng mắc đã được đại diện các tiểu ban đến từ EuroCham đưa ra trong ba phiên của hội nghị, liên quan đến đăng ký sản phẩm, thủ tục xuất nhập khẩu, quy trình hải quan, những thách thức của việc lưu hành sản phẩm trên thị trường, cụ thể là bao bì, nhãn mác, quảng cáo và các thách thức đối với doanh nghiệp châu Âu trong hoạt động kinh doanh hàng ngày như thuế, hải quan và quy trình cấp phép.

Những khuyến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp EU sẽ được Chính phủ ghi nhận và cân nhắc khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Nguyễn Hường