Quyền của người lao động theo pháp luật Việt Nam tham chiếu với Hiệp định CPTPP

00:00 12/10/2020

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước ký kết và thông qua ngày 8/3/2018, tại Santiago (Chile). Mặc dù Hiệp định CPTPP không đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn những chuẩn mực chung về lao động so với các tiêu chuẩn của ILO, nhưng với tư cách là thành viên của ILO và của CPTPP thì việc nghiên cứu, rà soát các quyền của người lao động trong CPTPP để điều chỉnh, bổ sung nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật quốc tế là vấn đề quan trọng, cần thiết của Việt Nam.

 Quyền làm việc, tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của người lao động

Tất cả các nước là thành viên của CPTPP đều là thành viên của ILO. Bởi vậy, theo pháp luật quốc tế, đương nhiên các quốc gia đều phải có nghĩa vụ tận tâm và thiện chí thực hiện những cam kết của mình. Theo đó, pháp luật Việt Nam thống nhất ưu tiên áp dụng những quy định trong cam kết quốc tế trước khi vận dụng pháp luật trong nước, nếu không sẽ có sự xung đột với Hiến pháp Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam khẳng định công dân có quyền làm việc, được tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc (Khoản 1, Điều 35). Vì vậy, giải quyết việc làm, đảm bảo cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội làm việc là trách nhiệm của nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội. Trên tinh thần đó, Điều 57, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức cá nhân tạo việc làm cho người lao động. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Bộ luật Lao động quy định người lao động có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp. Đồng thời, Bộ luật Lao động nêu rõ chính sách của nhà nước là: Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động; tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động.

Như vậy, có thể nói từ Hiến pháp đến các đạo luật liên quan đến lao động đều quy định về quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm của người lao động. Các quy định này là hoàn toàn tương thích, phù hợp với Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948; các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và Hiệp định CPTPP mà Việt Nam là thành viên.

Cán bộ, công nhân viên nhiều công ty rất nhiệt huyết với những chương trình gắn kết của công đoàn (Ảnh minh họa)

Quyền tự do Công đoàn của Người lao động

CPTPP khẳng định lại quyền tự do công đoàn (quyền tự do lập hội của người lao động) theo quy định tại Công ước số 87 (năm 1948) của ILO và yêu cầu các thành viên của CPTPP phải cam kết thực hiện. Theo Chương 19 CPTPP, Việt Nam phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở có thể lựa chọn  gia nhập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động với tư cách là tổ chức độc lập so với hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Để đại diện, bảo vệ một cách hiệu quả quyền và lợi ích của người lao động, CPTPP cũng quy định các nội dung nhằm bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền lợi của người lao động; bảo đảm nghĩa vụ thương lượng thiện chí của người sử dụng lao động khi tiến hành thương lượng tập thể với tổ chức của người lao động về tiền lương và các điều kiện lao động khác cho người lao động.

Với tư cách là một trong những quyền cơ bản thuộc nhóm quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa - quyền của người lao động đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định giá trị và vai trò quan trọng trong pháp luật quốc tế nói chung cũng như pháp luật của mỗi quốc gia nói riêng.

Ở Việt Nam, Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền lập hội của công dân (trong đó có quyền tự do công đoàn của người lao động), đồng thời khẳng định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Quyền thành lập công đoàn theo Điều 5 Luật Công đoàn quy định: Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và họat động công đoàn. Về trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Như vậy, với tinh thần của CPTPP và các văn bản pháp luật quốc tế có liên quan, sự mâu thuẫn của Luật Công đoàn thể hiện ở chỗ: Những người có hai quốc tịch hoặc không có quốc tịch, theo Luật này, là không có quyền thành lập, gia nhập tổ chức công đoàn độc lập. Điều này đã làm hạn chế một số đối tượng thành lập, gia nhập công đoàn theo CPTPP mà theo đó, sẽ đến lúc, những người lao động có quốc tịch “lạ” đang làm việc tại một số dự án công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc những người nước ngoài đang làm việc tại các cơ quan tổ chức quốc tế hay nước ngoài tại Việt Nam sẽ thành lập công đoàn độc lập của mình.

Điều 6, Khoản 2 Luật Công đoàn quy định: “Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Điều 7: “Hệ thống tổ chức công đoàn gồm có Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam”. Tuy nhiên, theo CPTPP, người lao động có thể lựa chọn bất kỳ công đoàn độc lập nào có khả năng tốt nhất trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình và công đoàn độc lập không bị lệ thuộc vào điều lệ hay quy chế của bất kỳ tổ chưc công đoàn nào khác, nó có thể tham gia hay không tham gia vào cơ cấu của Tổng liên đoàn. Vì vậy, quyền công đoàn theo Luật công đoàn của ta vẫn tỏ ra “lạc hậu” so với CPTPP.

Quyền của người lao động trong việc chống lại lao động cưỡng bức hoặc ép buộc, chấm dứt phân biệt đối xử và lao động trẻ em

Các quyền cơ bản của người lao động gồm: Quyền làm việc, tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của người lao động; Quyền tự do công đoàn của người lao động; Quyền người lao động trong việc hưởng lương, được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện an toàn vệ sinh lao động, nghỉ ngơi và an sinh xã hội; Quyền của người lao động trong việc chống lại lao động cưỡng bức hoặc ép buộc, chấm dứt phân biệt đối xử và lao động trẻ em… được quy định trong Chương 19 của Hiệp định CPTPP, Hiến pháp, các đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật khác đã tạo hành lang pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động.

Quyền của người lao động là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của người lao động được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Quyền của người lao động là vấn đề có ý nghĩa rất lớn cả về lý luận và thực tiễn không chỉ đối với cá nhân con người, tập thể người lao động, mà còn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, dân tộc và toàn nhân loại.

Trong tương quan so sánh giữa pháp luật lao động quốc gia và cam kết tại CPTPP cho thấy, pháp luật Việt Nam đã hội luật hóa nhiều quy định trong các cam kết quốc tế tạo tiền để quan trọng cho nỗ lực hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực lao động cũng như bảo đảm quyền của người lao động. Về cơ bản, các quy định về quyền con người lao động trong pháp luật Việt Nam phù hợp với các quy định cũng như tinh thần của Hiệp định CPTPP và một số cam kết quốc tế khác như quyền tự do công đoàn của người lao động.

Trên cơ sở những căn cứ pháp lý quan trọng này, pháp luật về quyền của người lao động sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp các cam kết quốc tế và thực tiễn của Việt Nam để các quy định pháp luật về quyền của người lao động không chỉ dừng lại ở dạng “tuyên bố” hay “khẩu hiệu” mà còn đảm bảo tính khả thi trên thực tế và có các cơ chế đảm bảo thực hiện phù hợp với thực tiễn.

Đỗ Quang Sơn