Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, giải quyết ùn tắc giao thông không chỉ đem lại thuận lợi cho người dân mà còn tiết kiệm rất lớn cho ngân sách. Ảnh: TTXVN.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, giải quyết ùn tắc giao thông không chỉ đem lại thuận lợi cho người dân mà còn tiết kiệm rất lớn cho ngân sách. Ảnh: TTXVN.
Có lộ trình giảm dần xe cá nhân Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATTG Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng CSGT toàn quốc đăng ký mới hơn 141 nghìn ô tô, hơn 1,2 triệu mô tô, gần 40 nghìn xe máy điện. Như vậy tổng số phương tiện đang quản lý đã nâng lên hơn 3 triệu ô tô, 48 triệu mô tô và hơn 541 nghìn xe máy điện. Chính sự tăng trưởng của phương tiện cá nhân càng gây áp lực cho giao thông đô thị, ùn tắc giao thông tại thành phố lớn, như Hà Nội, TPHCM còn diễn ra nghiêm trọng. Khắc phục tình trạng này, tới đây ngành giao thông sẽ xây dựng và thực hiện đề án nâng cao năng lực và chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt gắn với quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Trên cơ sở đó sẽ xác định đối tượng, lộ trình và khu vực áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu phương tiện, đặc biệt là người nghèo và cận nghèo. Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, trong 37 điểm ùn tắc trên địa bàn, hiện đã có 25 điểm có chuyển biến tích cực, 2 điểm ít chuyển biến, còn 10 điểm ùn tắc giao thông phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm, có 5 công trình cầu vượt ở những nơi ùn tắc được hoàn thành đưa vào sử dụng. Vừa qua, 2 nhánh cầu vượt ở điểm vào Tân Sơn Nhất đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, giải quyết cơ bản tình trạng ùn ứ ở đây, được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, theo ông Khoa, còn phải làm nhiều thứ để giải quyết nạn ùn tắc. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý Hà Nội, TPHCM cần làm tốt công tác trật tự lòng lề đường, tổ chức giao thông công cộng, hạ tầng thật tốt. Việc TPHCM khánh thành cầu vượt Tân Sơn Nhất, tạo thông thoáng cho cửa ngõ TP là điều rất mừng, nhưng theo Phó Thủ tướng, về lâu dài phải tính đến cảnh quan, không để cầu vượt chằng chịt. Đối với Hà Nội, cần có lộ trình giảm dần phương tiện cá nhân. Theo Phó Thủ tướng, nếu tổ chức phương tiện giao thông công cộng tốt thì đương nhiên giảm dần xe cá nhân. “Cố gắng làm đến cùng, đừng để làm phong trào, nhưng phải chú ý đến đời sống, kế sinh nhai của bà con”, Phó Thủ tướng lưu ý. “Ở Hà Nội, tôi nghe nói họp HĐND, đại biểu nói kẹt xe “đốt” của thành phố gần 13 nghìn tỷ đồng. TPHCM cũng tương tự hoặc lớn hơn. Vì vậy giải quyết ùn tắc giao thông không chỉ đem lại thuận lợi cho người dân đi lại thoải mái, đồng thời còn tiết kiệm rất lớn cho ngân sách nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Nâng cao năng lực và chất lượng vận tải công cộng Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, quý III và những tháng còn lại năm 2017, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện sẽ tiếp tục tăng nhanh, tạo áp lực lớn về trật tự ATGT. Đặc biệt là sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, nên phải thực hiện cho được mục tiêu kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương từ 5-10%, giảm số vụ ùn tắc giao thông trên các trục giao thông trọng điểm. Tại Hà Nội, TPHCM, trong 6 tháng cuối năm 2017, đòi hỏi sự quyết tâm, cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng chế tài, không để xảy ra tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng chết nhiều người do lỗi chủ quan. “Phải xác định rõ trách nhiệm để có chế tài xử lý. Chúng ta hô hào nhiều nhưng xử lý chế tài không được, chỉ xử lý chung chung”, Phó Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, ông Bình lưu ý đến việc quy định quản lý loại hình kinh doanh vận tải qua ứng dụng Uber, Grab, quản lý xe kinh doanh hợp đồng, quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông. Tiếp tục thực hiện và chỉ đạo địa phương xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng và thực hiện đề án nâng cao năng lực và chất lượng vận tải công cộng gắn với quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
“Ở Hà Nội, tôi nghe nói họp HĐND, đại biểu nói kẹt xe “đốt” của thành phố gần 13 nghìn tỷ đồng. TPHCM cũng tương tự hoặc lớn hơn. Vì vậy giải quyết ùn tắc giao thông không chỉ đem lại thuận lợi cho người dân đi lại thoải mái, đồng thời còn tiết kiệm rất lớn cho ngân sách nhà nước”.                                                                                                                          Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (Theo Thành Nam - Tienphong.vn)