Ngân hàng nào có tỷ lệ chi phí trên thu nhập cao nhất?

21:28 18/11/2020

Ngân hàng đang gần đi đến mục tiêu và bắt đầu hé lộ lợi nhuận quý III/2020. Nhưng theo thống kê từ 28 ngân hàng cho thấy, CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) giữa các nhóm ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt.

Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research đưa ra công bố ước tính lợi nhuận của một số ngân hàng trong quý III. Cụ thể, lãi trước thuế ACB ước tăng 23%, đạt 2.370 tỷ đồng trong quý III/2020. Trước đó, 2 quý đầu năm nay ACB báo lãi 3.819 tỷ đồng trước thuế. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm nay của ACB là 7.636 tỷ đồng.

Lợi nhuận Techcombank quý III/2020 ước đạt 3.260 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt tăng 5,5% và 10% so với đầu năm, đến từ trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay từ khách hàng doanh nghiệp lớn.

Tương tự, TPBank được SSI Research dự báo lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng trong quý III/2020, tăng 30% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, SSI Research dự báo lợi nhuận quý này của HDBank tăng 30%, đạt hơn 1.600 tỷ đồng; VietinBank được dự báo lợi nhuận trước thuế 3.240 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Trong quý III/2020, MB ghi nhận thu thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 6,1% so với cùng kỳ, đạt 6.735 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 10%, đạt 3.015 tỷ đồng. Tại VIB, quý III/2020 Ngân hàng đạt 1.668 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so với quý II/2020 và tăng 52% so với quý III/2019…

Quý III/2020 các ngân hàng báo lãi, đơn vị nào có tỷ lệ chi phí trên thu nhập cao nhất?. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, để đánh giá công bằng hơn về hiệu quả trong hoạt động của từng nhà băng còn có nhiều tiêu chí khác, trong đó có chỉ tiêu quan trọng là CIR.

Về cơ bản, CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) càng thấp cho thấy ngân hàng hoạt động hiệu quả, tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu. Thông thường, các ngân hàng càng lớn thì CIR sẽ thấp hơn các ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, CIR đôi khi cũng mang tính thời điểm. Ví dụ như ngân hàng gia tăng đầu tư cho công nghệ thời gian đầu sẽ khiến chi phí hoạt động gia tăng khiến CIR cao lên, song về dài hạn khi khoản đầu tư đó hiệu quả sẽ giảm bớt chi phí vận hành, giúp cải thiện CIR.

Thống kê từ 28 ngân hàng cho thấy CIR có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngân hàng, dao động từ 30% cho đến gần 80%. Thống kê cho thấy, có 8/28 ngân hàng có CIR dưới 40% khi kết thúc 9 tháng đầu năm 2020

Những ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất bao gồm BIDV (33%), Vietcombank (36%); VietinBank (32%), Techcombank (33%), VPBank (32%) và MBBank (37%); OCB (32%), VietABank (34%). Điều này cũng phản ánh một phần phản ứng "thắt lưng buộc bụng" của hệ thống trước tác động của Covid-19.

Tiếp đến những ngân hàng có tỷ lệ CIR ở mức trung bình từ 40 - 60% bao gồm VIB (40%), ACB (45%); TPBank (41%), SHB (40%); Sacombank (58%); HDBank (44%), ABBank (48%), MSB (47%),…

Trong khi đó, có những ngân hàng tỷ lệ CIR chiếm tới hơn 60% như Saigonbank (64%), Ngân hàng Bản Việt, NamABank và NCB (61%); hoặc lên tới gần 80% như KienLongBank (77%).

Như nhận xét ban đầu, có thể thấy, tỷ lệ CIR thấp chủ yếu ở các ngân hàng lớn. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ, chẳng hạn như SCB là một trong những ngân hàng tư nhân có quy mô lớn nhất với CIR đạt 54%.

Nam Anh