Quy hoạch bảo vệ môi trường: Tầm nhìn chiến lược

00:00 12/10/2020

Quy hoạch bảo vệ môi trường có vai trò chủ đạo trong việc định hướng các giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, bảo tồn và bố trí hạ tầng xử lý môi trường phù hợp với quá trình thực hiện các phương án phát triển, đảm bảo phát triển bền vững. Nhận rõ tầm quan trọng và cấp thiết của vấn đề này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường (ngày 23/8), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh phải khẩn trương xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) quốc gia làm căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của từng vùng phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng ưu tiên lĩnh vực, công nghệ đầu tư phù hợp với quy hoạch môi trường.
Quy hoạch BVMT để đảm bảo phát triển hài hòa trên 3 trụ cột KT - XH – MT
Quy hoạch BVMT để đảm bảo phát triển hài hòa trên 3 trụ cột KT - XH – MT
Cơ sở để hài hòa giữa phát triển và BVMT Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật BVMT năm 2014, trong đó, có đưa nội dung về Quy hoạch BVMT. Bộ TN&MT nhận thấy sự cấp bách cần thực hiện Quy hoạch BVMT để đảm bảo phát triển hài hòa trên 3 trụ cột KT - XH - MT và đây cũng là thời điển chín muồi để luật hóa các nội dung liên quan đến Quy hoạch BVMT. Quy hoạch BVMT cần được thực hiện thống nhất trong cả nước do cơ quan được giao trọng trách quản lý môi trường là Bộ TN&MT chủ trì có sự tham gia và đồng thuận của các Bộ, ngành, địa phương liên quan làm cơ sở để hài hòa giữa các mục tiêu phát triển và mục tiêu quản lý và BVMT. Trên thực tế, trong quá trình xây dựng Luật BVMT năm 1993 và Luật BVMT năm 2005, các nhà quản lý môi trường đã xây dựng ý tưởng về Quy hoạch môi trường. Tuy vậy, phương pháp luận và sự đồng thuận trong việc lập quy hoạch chưa cho phép xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch về môi trường. Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của quy hoạch về môi trường, đã có rất nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương tiến hành lập Quy hoạch môi trường hoặc Quy hoạch BVMT. Các quy hoạch về môi trường này đã đóng góp hữu hiệu trong quản lý và là nền tảng để Bộ TN&MT xây dựng phương pháp luận về Quy hoạch BVMT phù hợp với điều kiện phát triển trong giai đoạn tới của Việt Nam. Các chuyên gia môi trường khẳng định, việc đưa Quy hoạch BVMT vào Luật BVMT năm 2014 có vai trò chủ đạo trong việc thực hiện quản lý, giám sát, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường gắn kết chặt chẽ với thực trạng môi trường và các hoạt động phát triển trong vùng quy hoạch. Quy hoạch bảo vệ môi trường theo luật định là việc phân vùng môi trường để bảo tồn, bảo vệ, phát triển và thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật gắn với hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường trong sự liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Có thể thấy, quy hoạch bảo vệ môi trường cần được tiến hành song song với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trong từng công đoạn và là một quy trình không đảo ngược. Quy hoạch bảo vệ môi trường là một phương thức phòng ngừa ô nhiễm và sự cố môi trường một cách tích cực nhất, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư xử lý môi trường và khắc phục sự cố môi trường. Theo đó, việc phân tích hiện trạng môi trường, điều kiện địa lý, tự nhiên, xã hội và sinh thái trong vùng quy hoạch, phân vùng môi trường sẽ đưa ra các định hướng về quản lý và BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử trong vùng quy hoạch. Đồng thời, xác lập các tiêu chí chung nhằm quản lý thống nhất về môi trường, tạo hành lang để các quy hoạch phát triển phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, sinh thái, đảm bảo hài hòa giữa các định hướng và giải pháp thực hiện dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Việc thực hiện quy hoạch BVMT sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả của đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) trong vai trò là công cụ phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của các quy hoạch phát triển trong quá trình lập quy hoạch và đánh giá mức độ phù hợp của các định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển với các yêu cầu về quản lý và BVMT nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Quyết sách mới - tầm nhìn mới Theo Khoản 1, Điều 13, Luật BVMT năm 2014, đối tượng phải thực hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) bao gồm 6 loại hình chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển có khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tác động đến các thành phần môi trường trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy vậy, việc thực hiện ĐMC đối với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực gặp không ít khó khăn và vướng mắc do cơ quan thực hiện quy hoạch không có sự chuyên sâu trong công tác quản lý và BVMT, không có công cụ, thông tin, cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá sự phù hợp của các quan điểm mục tiêu phát triển với các quan điểm, mục tiêu về quản lý và BVMT trong phạm vi vùng lãnh thổ thực hiện quy hoạch. Mặt khác, hiện nay, rất nhiều quy hoạch phát triển trên cùng một vùng lãnh thổ có sự mâu thuẫn, chồng chéo về phạm vi, định hướng và giải pháp thực hiện dẫn đến thiếu khả thi khi triển khai thực tế và thường phải điều chỉnh phương án quy hoạch do không đáp ứng các tiêu chí phát triển được đề xuất khi lập quy hoạch. Để khắc phục những tồn tại trên, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường đã được ban hành. Theo đó, đây sẽ là Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014 trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nghị định quy định, quy hoạch bảo vệ môi trường được lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với kỳ đầu cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo 2 cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm những nội dung chính: Diễn biến, mục tiêu quản lý môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; thực trạng môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông; mục tiêu và các giải pháp bảo tồn, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông; thực trạng phát thải khí và chất lượng môi trường không khí; mục tiêu và giải pháp quy hoạch đối với các hoạt động phát triển có nguồn phát thải khí lớn; thực trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường đất; mục tiêu và các giải pháp phòng ngừa suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, phục hồi các vùng đất đã ô nhiễm, suy thoái; thực trạng ô nhiễm môi trường nước; mục tiêu và các giải pháp quản lý nước thải và bảo vệ môi trường nước... Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được lập dưới hình thức báo cáo riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng phải thể hiện được các nội dung chính giống như quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia với yêu cầu chi tiết hơn gắn với vị trí địa lý, điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương lập quy hoạch. Trong đó, các nội dung về nguồn lực thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường, trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường được lồng ghép vào các nội dung tương ứng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.   (theo tn&mt.vn)