Quy định mới về ví điện tử: Mở hay siết?

00:00 12/10/2020

Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho dù đang ở giai đoạn lấy ý kiến song đã làm dấy lên những cuộc tranh luận về tính cần thiết hay không của những quy định dự kiến sẽ được thực thi thời gian tới.

Thời điểm sửa đổi cần được xem xét kỹ

Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã có chủ trương nhất quán là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Chủ trương đúng đắn này nhằm tạo thuận lợi cho các chủ thể trong nền kinh tế khi giao dịch thanh toán được thực hiện mà không dùng tiền mặt, trong khi vẫn phải bảo đảm an ninh, an toàn và phòng chống rửa tiền.

quy dinh moi ve vi dien tu mo hay siet

Hình thức thanh toán qua ví điện tử đang được ưa chuộng bởi tính tiện lợi và hiệu quả

Từ chủ trương này, đến nay đã có 29 đơn vị trung gian thanh toán (ví điện tử) được cấp phép, với khoảng gần 5 triệu ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng. Năm 2018, giá trị giao dịch của ví điện tử có doanh số khoảng hơn 91.000 tỷ đồng, con số được đánh giá là vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng thị trường. Từ những ví điện tử đầu tiên như Momo, Bankplus, Moca, Mobivi, Vimo cho tới những cái tên mới góp mặt sau này như AirPay, ZaloPay, Ví Việt, VINID, ViettelPay đều đang “chật vật” trong cuộc đua giành thị phần. Ngoài ra theo các chuyên gia, thực tế các ví điện tử chưa đóng góp nhiều vào thị trường thanh toán. Kỳ vọng vào ví thì rất lớn, nhưng đóng góp chưa được bao nhiêu. Số dư bình quân của ví ở mức rất thấp, chỉ trên dưới 100.000 đồng, doanh nghiệp hoạt động ví lớn nhất cả năm có khoảng 60 triệu giao dịch, giá trị giao dịch bình quân lớn nhất cũng chỉ 5 triệu đồng. Cá biệt có công ty ví rất lớn nhưng giao dịch bình quân chỉ xoay quanh 200.000 đồng, giao dịch qua ví điện tử rất nhỏ so với giao dịch của ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia nhìn nhận, thời điểm mà cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, đưa ra những quy định mới về dịch vụ trung gian thanh toán cần có sự tính toán kỹ hơn cũng như “liều lượng” các quy định dự kiến sẽ được áp dụng. Được biết trong Dự thảo có nhiều quy định cụ thể để quản lý hoạt động trung gian thanh toán và ví điện tử, trong đó đáng chú ý gồm việc áp dụng hạn mức giao dịch qua ví điện tử (tối đa không quá 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với tổ chức), yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin cá nhân khi mở ví và không được mở quá 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ. Đồng thời, Dự thảo cũng giữ nguyên quy định yêu cầu tất cả các giao dịch nạp – rút tiền của ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ cho phép NHNN theo dõi hệ thống và các số liệu giao dịch.

Gây cản trở cho người sử dụng ví điện tử

Hạn chế đầu tiên là hạn mức giao dịch. Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, quy định này là “nhằm ngăn chặn các hoạt động tài chính bất hợp pháp” song trên thực tế lại gây cản trở tương đối lớn cho người sử dụng ví điện tử.

Chị Hà Lê (30 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nội) cho biết do thích đi du lịch, chị thường tranh thủ các dịp khuyến mại để săn vé máy bay giá rẻ và đặt phòng cho gia đình cùng nhóm bạn bè trước hàng tháng, có khi là cả năm cho tiết kiệm. Bản tính lo xa nên để đủ vé đủ phòng cho tất cả, chị thường yêu cầu mọi người chuyển tiền thanh toán hết một lượt. Mỗi lần đặt vé và đặt phòng như vậy cho nhiều chuyến đi sơ sơ đã gần trăm triệu. Tính cả những giao dịch lặt vặt hay mua bán khác trong tháng, kiểu gì cũng vượt quá 100 triệu đồng.

“Tuy nhiên, nếu khuyến khích dùng ví mà lại áp hạn mức, không được giao dịch thoải mái thì tôi cũng không dùng” - chị Hà Lê chia sẻ.

Có thể thấy ngay rằng quy định về hạn mức giao dịch ví điện tử đã hạn chế khả năng chi tiêu chính đáng và hợp pháp của người dân. Với xu hướng thanh toán trực tuyến hiện nay, giá trị nhiều mặt hàng trên các trang thương mại điện tử như TV, iPhone, tủ lạnh, máy điều hòa, v.v. cũng như các giao dịch trực tuyến khác như mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch, đã có giá trị tới hàng chục triệu đồng.

Các hạn mức đưa ra hiện nay sẽ khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc sử dụng ví điện tử để thanh toán các giao dịch thương mại điện tử với giá trị tương đối lớn nói trên. Kể cả khi không áp dụng hạn mức giao dịch theo ngày thì hạn mức 100 triệu đồng / tháng như đề xuất tại Dự thảo cũng gây ra những hạn chế và phiền toái không đáng có cho người sử dụng của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến này.

Ngoài việc hạn chế nhu cầu chi tiêu chính đáng của người tiêu dùng, áp đặt hạn mức giao dịch ví điện tử cũng tác động cản trở việc doanh nghiệp ví điện tử cung cấp, mở rộng dịch vụ cho khách hàng. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, người tiêu dùng có quyền tự định đoạt đối với nhu cầu sử dụng tài sản hợp pháp của mình nếu họ có khả năng và nhu cầu chi tiêu cao hơn hạn mức được đề xuất trong Dự thảo hiện nay.

Việc siết hạn mức giao dịch như dự thảo quy định còn đồng thời đi ngược với định hướng chính sách. Theo giải trình về nội dung Dự thảo, việc áp dụng hạn mức giao dịch đối với ví điện tử là nhằm “giảm thiểu rủi ro trong việc lợi dụng Ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, và cũng phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ Ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ”.

Tuy nhiên, hiện nay không có quy định hay chính sách nào của Chính phủ giới hạn Ví điện tử chỉ phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ. Trên thực tế các giải trình này không nêu rõ thực tiễn thời gian qua đã có trường hợp nào thực hiện hành vi rửa tiền, hoạt động bất hợp pháp qua ví điện tử với giá trị giao dịch lớn, vượt hạn mức được nêu trong dự thảo. Ví dụ, theo thông tin từ các cơ quan tố tụng của Việt Nam, trong 20 năm qua mới chỉ có 2 vụ án rửa tiền được ghi nhận và chưa rõ mối quan hệ của các vụ việc này với các giao dịch vượt quá hạn mức qua ví điện tử. Hơn nữa, giải trình này cũng không rõ vì sao lại khoác chiếc mũ “phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ” cho ví điện tử.

Có thể nói, việc áp đặt hạn mức giao dịch cho ví điện tử chưa phù hợp với định hướng của Chính phủ nhằm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán điện tử, đa dạng hóa phương thức thanh toán trong thương mại điện tử, thúc đẩy việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo Quyết định 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Hạn chế thứ hai là liên quan đến quy định mỗi khách chỉ được mở một ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ. Giải trình của Ngân hàng Nhà nước về Dự thảo cho rằng, quy định như trên “nhằm tránh lãng phí, ngăn ngừa tình trạng khách hàng mở Ví tràn lan, dẫn đến dùng ví không thực chất”. Và rằng, còn “giúp ngăn chặn hành vi mở nhiều ví điện tử để thực hiện các hành vi rửa tiền, bất hợp pháp”.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn hoạt động ngân hàng, pháp luật không hạn chế một khách hàng được mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Thêm nữa là khách hàng hoàn toàn có thể có nhiều tài khoản ngân hàng và dùng tài khoản của mình để mở ví và quản lý chi phí cho người thân (bố mẹ, con cái, v.v.) phục vụ việc chi tiêu, mua sắm hàng hóa và dịch vụ.

Còn về chuyện lo không kiểm sát được hành vi rửa tiền thì bản thân các tổ chức cung cấp ví điện tử hẳn là không muốn “dính” chàm và vẫn phải tuân thủ các quy định hiện hành về phòng, chống rửa tiền (ví dụ nhận biết khách hàng, theo dõi giao dịch đáng ngờ, chế độ báo cáo, giám sát, v.v.).

Có thể nhận định rằng, các nội dung dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN rõ ràng cần được tính toán kỹ nhằm bảo đảm đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh là vừa tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, vừa bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước. Nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vừa được xếp thứ nhất trong số 18 bộ, cơ quan ngang bộ về Chỉ số cải cách hành chính – PAR Index trong Báo cáo năm 2018.

Một số chuyên gia đi xa hơn khi cho rằng, cần loại bỏ tư duy dùng “thuyết âm mưu” hay “không quản được thì cấm” trong thiết kế và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là những quy định có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Quang Lộc