Quế Phong (Nghệ An): Cần quyết liệt ngăn chặn nạn "quặng tặc" tại Tri Lễ

00:00 12/10/2020

Từ đầu tháng 10 đến nay, tại khu vực hai bản Na Lịt và Tà Pàn (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) đã rộ lên tình trạng khai thác quặng thiếc trái phép. Điều này không chỉ gây thất thoát tài nguyên mà việc nhiều người dân từ nơi khác đến để tìm “vận may” gây nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn xã biên giới này.

Theo tìm hiểu của PV, khu vực bị khai thác trái phép trước đây là đất mỏ của Công ty TNHH Ngọc Sáng (trụ sở tại Thanh Hóa). Tuy nhiên, do làm ăn không hiệu quả nên tạm dừng hoạt động và đến cuối năm 2015 thì đơn vị này hết hạn giấy phép khai thác. Vì thế, việc khai thác đang bị ngừng trệ. Toàn bộ hệ thống tuyển quặng cũng như máy móc, thiết bị và nhiều xe ô tô cũ đang nằm la liệt tại công trường. Các nhà xưởng, nhà bảo vệ, nhà công nhân, nhà điều hành cũng đang bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Những vết đào còn mới tinh
Những vết đào còn mới tinh
Theo phản ánh, sau khi Công ty TNHH Ngọc Sáng “rút” thì công trường khai thác quặng sắt này đã bị bỏ hoang từ khoảng hơn 1 năm nay. Tuy nhiên, sau trận lụt hồi tháng 9/2016 vừa qua thì một số người phát hiện có ít quặng thiếc lộ thiên lẫn với đất đá thải xuất hiện tại một bãi thải trước đây của Công ty TNHH Ngọc Sáng. Vì thế, người dân truyền tai nhau là có quặng thiếc khối lượng lớn. Từ đồn 1 lên 5 rồi “tam sao thất bản” thành 10 nên người dân hai bản Na Lịt và Tà Pàn đã ồ ạt đưa cuốc, xẻng cũng như các công cụ khai thác tấp nập vào đào đãi quặng tại khu vực mỏ của Công ty TNHH Ngọc Sáng bỏ hoang. Anh Vi Văn B, người dân ở bản Na Lịt, cho biết: “Chỉ mới rộ lên khai thác từ đầu tháng 10 ni thôi. Lúc đầu mấy người đi chăn trâu vào khu vực mỏ này, họ tò mò vào trong bãi thải của Công ty TNHH Ngọc Sáng trước đây dạo chơi, sau đó phát hiện có ít quặng lộ thiên do trận lụt hồi tháng 9 vừa qua. Sau đó, họ đào mang về bán được ít tiền, thấy thế nên những người này bỏ cả việc để đem công cụ vào khai thác. Thấy họ bán được nên nhiều người dân cũng vô làm theo, từ đó tin đồn rộ lên nên người dân ở tận xã Châu Thôn, thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong) và Quỳ Hợp… cũng mang dụng cụ lên để khai thác. Có lúc cao điểm lên đến hàng trăm người tranh giành nhau đào bới”.
Khi thấy người lạ xuất hiện các “quặng tặc” liền nhanh chân bỏ trốn
Khi thấy người lạ xuất hiện các “quặng tặc” liền nhanh chân bỏ trốn
Có mặt tại xã Tri Lễ vào những ngày giữa tháng 10 này để tìm hiểu thực tế. Theo quan sát của PV, khu mỏ quặng sắt của Công ty TNHH Ngọc Sáng là địa điểm vừa rộ lên hiện tượng hàng trăm người dân ồ ạt kéo nhau vào đào bới khai thác quặng trái phép thời gian qua. Khu mỏ này cách cầu Sông Quang khoảng 200m, từ trên cầu nhìn sang đã thấy nhấp nhô bóng dáng của một vài người vác những bao tải đựng đầy đất chạy tắt qua quả đồi phía sau khu mỏ để về nơi tập kết sơ tuyển quặng. Những quả đồi trước đây Công ty TNHH Ngọc Sáng khai thác đang nham nhở, nhấp nhô hầm hố cỏ vừa mọc lên sau một thời gian ngừng khai thác nay đã bị đào bới nham nhở thêm. Đi trong khu vực mỏ, cảnh tượng hoang tàn hiện ra trước mắt. Những bãi thải cũ của Công ty TNHH Ngọc Sáng trước đây cỏ đã mọc nhưng nay đã bị đào bới nham nhở. Có những hố sâu hoắm được đào thủ công, còn rất mới.
Biến cấm khai thác khoáng sản của UBND xã Tri Lễ
Biến cấm khai thác khoáng sản của UBND xã Tri Lễ
Phía dưới một bãi thải là một dãy hào được đào bằng máy múc cũng còn mới tinh. Số đất được đào bới lên đã được những “quặng tặc” chở đi nơi tập kết để bán cho những người thu mua. Đi sâu vào khu vực mỏ ở phía chân đồi, chúng tôi bắt gặp một nhóm người đang hì hục đào bới đất vào bao tải. Thấy người lạ ghi hình, nhóm người này vác từng bao đất và dùng cụ chạy ẩn khuất vào phía bìa rừng mất hút. Tiếp cận được với quả đồi cao phía trên, hướng mắt về phía bãi đất trống có con đường mòn để trở về bản Tà Pàn có một nhóm người đang lũ lượt vác những bao tảo đất chạy nhanh về phía dưới rồi biến mất phía sau những cái chồi nhỏ ở gần đó.
Ông Lữ Văn Cương – Phó chủ tịch UBND xã Tri Lễ trao đổi với PV
Ông Lữ Văn Cương – Phó chủ tịch UBND xã Tri Lễ trao đổi với PV
Có một vài khu vực quanh khu mỏ của Công ty TNHH Ngọc Sáng còn có một vài lán trại của những người đào quặng tự ý dựng lên để “túc trực” khai thác vào ban đêm. Phía vên đồi sát với những bãi sắn, vườn ngô của người dân còn có những hầm hố được đào sâu xuống để lấy quặng. Khi chúng tôi có mặt, những người đang đào hấm nhanh chóng lẩn xuống dưới hố, số còn lại vác cuốc xẻng chảy khuất vào những cánh rừng gần đó… Đi về phía nhà điều hành trước đây của Công ty TNHH Ngọc Sáng, chúng tôi thấy có 2 người mặc thường phục và 2 người mặc đồng phục của công an xã Tri Lễ. Sau khi hỏi chuyện được biết những người này được UBND xã Tri Lễ cử đến để túc trực, đẩy đuổi người dân vào khu vực mỏ khai thác quặng trái phép. Chỉ những hầm hố đào bới nham nhở còn mới tình, một người trong nhóm cho biết: “Mấy hố này chỉ mới được đào trộm lúc 2 đến 3h sáng ni thôi. Dù chúng tôi túc trực cả ngày lẫn đêm nhưng không xuể. Người dân vẫn thường lén lút vào lấy trộm đất quặng rồi mang đi bán”.
Khi thấy người lạ xuất hiện các “quặng tặc” liền nhanh chân bỏ trốn
Khi thấy người lạ xuất hiện các “quặng tặc” liền nhanh chân bỏ trốn
Theo quan sát của PV, dù UBND xã Tri Lễ cũng đã có biển báo cấm khai thác quặng dưới mọi hình thức đặt ở nhiều nơi tại khu vực mỏ cũng như một băng rôn to ngay đầu đường vào mỏ ở đầu cầu Sông Quang nhưng nhiều người vẫn bất chấp túc trực gần khu mỏ để sẵn sàng lẻn vào khu vực đào trộm đất quặng mang đi tiêu thụ. Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Lữ Văn Cương – Phó chủ tịch UBND xã Tri Lễ, cho biết: “Hiện tượng khai thác quặng trái phép trên địa bàn là có thật. Khi rộ lên tình trạng này vào những ngày vừa qua thì xã cũng đã báo cáo với huyện cũng như tổ chức tuyên truyền, đẩy đuổi người dân cũng như cử Ban công an xã túc trực 4 người trên khu vực mỏ nhưng xem ra tình hình vẫn rất phức tạp. Lúc cao điểm rộ lên là có quặng thiếc thì có đến hàng trăm người chủ yếu từ hai bản Na Lịt và Tà Pàn vào khai thác, những ngày sau đó do hiếu kỳ nên có cả người ở xã lân cận như Châu Thôn vào để tìm hiểu, khai thác”.
Xưởng tuyển quặng của Công ty TNHH Ngọc Sáng để hoang đã lâu
Xưởng tuyển quặng của Công ty TNHH Ngọc Sáng để hoang đã lâu
Cũng theo ông Cương, mỏ của Công ty TNHH Ngọc Sáng đã hết giấy phép khai thác từ cuối năm 2015 nhưng hiện nay chưa tiến hành cải tạo phục hồi môi trường để bàn giao mặt bằng “sạch” cho xã nên khi xẩy ra vụ việc vừa qua cũng khiến cho chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: “Huyện đã nắm được thông tin từ xã báo cáo. Chúng tôi đã chỉ đạo phòng TN&MT cũng như Công an huyện vào kiểm tra, phối hợp với xã để giải quyết tình hình. Theo tôi nắm được thì đến nay tình hình đã cơ bản ổn định”.
Một hầm khai thác quặng người dân tự ý đào
Một hầm khai thác quặng người dân tự ý đào
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV cũng như phản ánh của người dân thì việc khai thác vẫn đang diễn ra, hàng ngày vẫn có hàng chục người túc trực sẵn sàng vào khai thác trộm khi lực lượng bảo vệ có sơ hở. Hơn nữa, dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền nhưng nhiều người dân vẫn cho rằng hàm lượng quặng thiếc dưới đất rất lớn nên nhiều người vẫn sẵn sàng đột nhập để tiến hành hành khai thác. Trước thực trạng trên, đề nghị chính quyền xã Tri Lễ, Đồn Biên phòng Tri Lễ cũng như UBND huyện Quế Phong phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vấn đề cũng như có biện pháp xử lý mạnh tay những đối tượng cố tình xúi giục, kích động người dân vào đào bới, khai thác quặng trái phép gây mất an ninh trật tự, làm phức tạp địa bàn xã vùng cao biên giới này. (Theo baotainguyenmoitruong.vn)