Quảng Ninh:Định hướng nào cho du lịch biển phát triển?

00:00 12/10/2020

Hàng trăm doanh nghiệp đang mong  muốn nỗ lực, bứt phá để phát triển mạnh loại hình kinh doanh du lịch bằng tàu chở khách trên vùng vịnh Hạ Long. Chính phủ thì ban hành hàng loạt chính sách hướng dẫn  cho hoạt động du lịch bằng tàu thủy nội địa. Địa phương đang ráo rốt điều chỉnh loại hình hoạt động này theo cách quản lý của mình theo tính đặc thù của vùng biển vịnh Hạ Long… Vấn đề đặt ra là, cần có “ tiếng nói chung” để thúc đẩy “ cỗ xe” du lịch biển tại Quảng Ninh ngày càng phát triển?!

nhung-con-tau-nam-cho-cap-phep

               Những con tàu nằm chờ…cấp phép?!

 Nếu như năm 1996 vịnh Hạ Long mới chỉ đón vỏn vẹn khoảng 326 lượt khách đến tham quan thì nay du khách bốn biển, năm châu đã về đây hội tụ tới khoảng hơn 10.000 khách/ngày. Lèo tèo từ mấy con tàu hoạt động theo lối tự phát từ những năm 90, nay vịnh Hạ Long đã đón nhận hơn 500 con tàu du lịch hoành tráng. Tiếc thay, sự phát triển này đã vượt ra khỏi tầm do luật kiểm soát, khiến cho cơ quan Nhà nước tại địa phương toát mồ hôi quản lý ( Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2005 không có hướng dẫn cho loại tàu lưu trú khách hoạt động, nhưng thực tế Quảng Ninh đã phát triển “ trước một bước” do doanh nghiệp được phép kinh doanh những ngành nghề luật không cấm). Chính vì luật không cấm và không hướng dẫn khiến cho loại hình kinh doanh du lịch bằng tàu khách lưu trú tại Quảng Ninh càng phát triển nhanh bao nhiêu thì cơ quan quản lý càng “ chạy theo” để quản bấy nhiêu, lấy đâu ra thời gian để định hướng lâu dài. Về nguyên tắc thì tất cả mọi hoạt động kinh doanh đều phải được Nhà nước quản lý. Do vậy trong khi chưa có hướng dẫn từ Chính phủ thì UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành ngay Quyết định 716/2011/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 về việc: “Quản lý hoạt động tàu vận chuyển khách tham quan, du lịch và lưu trú khách du lịch trên vịnh Hạ Long”để chờ đến ngày 23/10/2012, Bộ GTVT mới cho ra đời Thông tư 43 quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi. Thôi thì muộn còn hơn không, Thông tư 43 ra đời tuy chưa hướng dẫn đầy đủ các góc độ quản lý Nhà nước trong vấn đề hoạt động của tàu ngủ đêm ( tàu lưu trú), nhưng phần nào địa phương cũng đã có nhiều cố gắng để, quản lý. Tiếp đến ngày 20/11/2014 Chính phủ ban hành Nghị định 111 quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn của phương tiện thủy được phép nhập khẩu. Đúng là “ được lời như cởi tấm lòng” hàng trăm doanh nghiệp đang sở hữu hơn 500 con tàu du lịch tại Quảng Ninh mừng rơn vì không phải dò dẫm theo các hướng dẫn địa phương trước đó nữa ... Nào ngờ, UBND Tỉnh ra ngay Quyết định 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Quyết định 4088 đã khiến tất cả các chủ tàu thất vọng bởi niên hạn sử dụng tàu mà Tỉnh quy định đã thấp hơn niên hạn sử dụng tàu của Nghị định 111 rất nhiều ( ví dụ: Nghị định 111  quy định niên hạn sử dụng tàu lưu trú vỏ gỗ  là 20 năm, vỏ thép là 35 năm; tàu khách khác  là 25 năm. Trong khi đó Quyết định 4088 của Tỉnh quy định điều kiện hoạt động đối với tàu vỏ gỗ chỉ có 15 năm? Điều này đã rút ngắn niên hạn sử dụng tàu vỏ gỗ so với Nghị định 111 từ 5 – 10 năm mà không hề tính đến sự thiệt hại của chủ tàu khi kế hoạch thu hồi vốn, kế hoạch kinh doanh có thể bị phá vỡ. Cũng theo Thông báo số: 119,  ngày 10/3/2016  của Cục Kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp cũng liệt kê  hàng loạt văn bản mà Quảng Ninh ban hành từ năm 2011 đến nay xung quanh lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đều không đúng thẩm quyền, không đúng luật. Theo Hiến pháp, thì tàu thuyền cũng là một loại tài sản công dân có quyền được sở hữu. Trong khi hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu là một trong những loại hình không bị cấm. Mặt khác, xét về quy hoạch thì các cơ quan chức năng đã cấp phép cho Tập đoàn Tuần Châu xây dựng Cảng khách Du lịch Quốc tế Tuần Châu với công suất chứa được cùng lúc 2000 con tàu du lịch; tại Hòn Gai đang xây dựng tiếp Cảng tàu Du lịch với 4 cầu tàu…Một số tập đoàn lớn như Sungroup, Vingroup, FLC đang đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng vào các lĩnh vực du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ… tại  thành phố Hạ Long sẽ tạo sức hút lớn khách tới tham quan trong nay, mai. Quản lý Nhà nước – hoạt động kinh doanh – và vấn đề trật tự, an toàn đang là “bài toán” khó! Như vậy, “ mưu cầu hạnh phúc” hay nói cách khác, mong muốn được đầu tư kinh doanh bằng tàu du lịch của người dân, của doanh nghiệp là chính đáng, là ích nước, lợi dân là phù hợp với pháp luật và quy hoạch của địa phương. Vậy thì căn cớ gì những tàu du lịch xin được hoán cải từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép, hoặc đóng mới đang trở thành vấn đề…khó khăn khi xin cấp phép?!

Được biết, các nghị quyết của tỉnh Quảng Ninh đều nhấn mạnh đến mục tiêu đưa ngành du lịch và dịch vụ lên thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, từ khi vịnh Hạ Long trở thành Di sản Thiên nhiên, Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới thì vùng Vịnh này càng trở lên sôi động. Mong muốn, mong muốn tột cùng của doanh nghiệp là được tự do kinh doanh du lịch trên Vịnh theo pháp luật quy định. Tránh những văn bản dưới luật mang tính “ tạm thời” của địa phương khiến họ khó có định hướng phát triển - một yếu tố vô cùng quan trọng./. PV: Văn Nguyễn