Quảng Ninh: Người lao động bị "treo" quyền lợi

00:00 12/10/2020

Vẫn nộp tiền BHXH hàng tháng, thế nhưng người lao động (NLĐ) lại bị “treo” quyền lợi về bhxh. Đó là nghịch lý của tình trạng: Doanh nghiệp nợ BHXH - NLĐ chịu thiệt đang diễn ra ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến ngày 30-6, toàn tỉnh có 132 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH trên 3 tháng với số tiền 77,1 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 5.694 lao động.

Trả nợ lương cho công nhân bằng... gạch

Đúng hẹn, 9h sáng một ngày cuối tháng 7, hơn chục CNLĐ đã chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn chờ chúng tôi ở cổng Công ty. Không nén nổi bức xúc, hai chị Vũ Thị Luyến, Đồng Thị Hương bày tỏ: Chúng tôi làm ở công ty đã nhiều năm, đến tháng 10-2013 thì chấm dứt hợp đồng lao động. Năm 2014, chúng tôi đi giám định y khoa và được xác định suy giảm 65% khả năng lao động, đồng thời cũng đủ năm đóng BHXH để nghỉ chế độ. Nhưng từ khi nghỉ hưu đã 2 năm chúng tôi vẫn chưa được nhận lương hưu bởi Công ty nợ BHXH. Tìm gặp giám đốc nhiều lần, ông ấy hứa sẽ trả chúng tôi mỗi tháng 2 triệu đồng tiền lương hưu trước, nhưng 2 năm qua tôi chỉ nhận được một lần duy nhất vào tháng 5-2016.

Rất nhiều CNLĐ đã chấm dứt hợp đồng lao động tại Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn bức xúc về việc Công ty nợ BHXH 6 năm qua khiến quyền lợi của họ bị “treo”.
Rất nhiều CNLĐ đã chấm dứt hợp đồng lao động tại Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn bức xúc về việc Công ty nợ BHXH 6 năm qua khiến quyền lợi của họ bị “treo”.

Tương tự, hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Thanh bị tai nạn lao động từ năm 2012, suy giảm 35% khả năng lao động cũng bị “nợ” chế độ. 19 tháng qua, các chị lặn lội đi hết các cơ quan chức năng từ thị xã đến tỉnh gửi đơn khiếu nại thì đến tháng 7 vừa qua chị Luyến, Hương, Thanh mới được chốt sổ BHXH. Theo các chị, năm 2013, 6 CNLĐ nghỉ chế độ cũng được chốt sổ BHXH. Khi đó Công ty cam kết với BHXH Đông Triều trả 2 tỷ đồng nợ đọng BHXH cũ theo lộ trình. Đồng thời, 6 công nhân này phải đi bán gạch cho Công ty để lấy tiền đóng BHXH, nhưng khi BHXH Đông Triều chốt sổ xong cho 6 công nhân thì Công ty cũng quên luôn cam kết.

Anh Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho hay: Tình trạng nợ BHXH của doanh nghiệp diễn ra từ tháng 10-2010. Không chỉ 188 công nhân đã chấm dứt hợp đồng lao động mà 66 lao động thuộc diện được đóng BHXH đang làm việc tại Công ty cũng bị “treo” quyền lợi; Công ty còn nợ lương NLĐ trên 1 tỷ đồng. Điều này khiến nhiều công nhân lao đao. Tiếp lời anh Sơn, chị Nguyễn Thị Phượng bộc bạch: Năm 2014 tôi đi khám, phát hiện mình bị ung thư vú, gia đình chạy vạy khắp nơi mượn tiền chữa bệnh cho tôi. Lãnh đạo Công ty hứa sẽ chi trả toàn bộ số tiền viện phí khi tôi ra viện. Nhưng từ tháng 6-2014 đến nay, Công ty mới thanh toán cho tôi 20/48 triệu đồng tiền viện phí, mỗi lần trả được 1-2 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Thu, từng làm ở Công ty 22 năm kể: Doanh nghiệp nợ BHXH khiến tôi phải nghỉ việc, đóng BHXH tự nguyện. Với số tiền nợ lương 10 triệu đồng, tôi đã nhiều lần yêu cầu Công ty thanh toán, tuy nhiên, giám đốc chỉ trả được hai lần, mỗi lần 500.000 đồng. Vừa rồi thì trả bằng... gạch. Tôi mới nhận được 3.000 viên gạch, tương đương 2,4 triệu đồng, số còn lại, giám đốc hứa mỗi tuần trả 1 chuyến…

Tiếp cận Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh, đơn vị nợ đọng BHXH với số tiền tương đối lớn ở TP Hạ Long (trên 18 tháng, với số tiền 8,1 tỷ đồng, ảnh hưởng quyền lợi của 385 lao động), chúng tôi gặp gỡ nhóm công nhân tổ Môi trường - Cây cảnh. Vừa chuẩn bị cho ca làm việc buổi chiều, chị Lê Thị Nguyệt vừa nói: Vừa qua, tôi đi khám hai lần, cả tiền khám và thuốc men mất hơn 2 triệu đồng. Dù Công ty thông báo sẽ thanh toán hoá đơn khám chữa bệnh, nhưng tiền khám thì ít mà tiền thuốc thì nhiều nên đành tự chi trả. Nhiều chị em khám bệnh phụ nữ cũng tự bỏ tiền túi đi khám vì lên cơ quan thanh toán thì ngại. Hầu hết, các chị em trong tổ đã phải mua BHXH tự nguyện.

Theo anh Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty, vừa qua, Công đoàn đã tham gia ý kiến với Ban lãnh đạo Công ty trả nợ BHXH theo lộ trình và chia làm 3 đợt. Giám đốc Công ty cũng đã ký văn bản cam kết với Công đoàn thực hiện lộ trình đóng BHXH.

Không khó khăn vẫn chây ì

Thống kê của BHXH tỉnh cho thấy, đến 30-6, nợ BHXH toàn tỉnh từ 3 tháng trở lên có 132 đơn vị, doanh nghiệp với số tiền trên 77,1 tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của 5.694 lao động. Một số đơn vị có số nợ lớn như: TP Hạ Long có Chi nhánh Công ty CP Xây dựng công trình 507 tại Quảng Ninh nợ gần 1,7 tỷ đồng; Công ty CP Du lịch Quảng Ninh nợ 954 triệu đồng; Công ty CP Hương Phong nợ 1,1 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư xây dựng Thành Thắng nợ 2,8 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cán nóng thép tấm Cái Lân nợ gần 4 tỷ đồng… TX Đông Triều có Công ty CP Sông Hồng 12 nợ 1,437 tỷ đồng; Công ty CP Gạch ngói Đất Việt nợ gần 2 tỷ đồng. TX Quảng Yên có Công ty CP Công nghiệp tàu thuỷ sông Chanh nợ 2,6 tỷ đồng; Công ty CP Sửa chữa tàu biển Nosco-Vinalines nợ 2,5 tỷ đồng… Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng BHXH là do nhiều doanh nghiệp vẫn đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều năm qua, không ít doanh nghiệp viện cớ khó khăn cố tình trốn tránh, vi phạm chính sách BHXH, khi lãi suất tiền phạt chậm đóng BHXH thấp, các chế tài xử phạt chưa cao… Cũng không ít công ty đột ngột “mất tích” khiến nhiều công nhân không biết bám víu vào đâu để đòi quyền lợi.

Quay trở lại vấn đề của Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn, tháng 5 vừa qua, khi các cơ quan chức năng của tỉnh làm việc với đơn vị, ông Nguyễn Thuỳ Dương, Giám đốc Công ty khẳng định, do kinh tế suy thoái, Công ty gặp nhiều khó khăn, bán hàng chậm, giá quá thấp, lãi suất ngân hàng năm trước tăng cao nên Công ty chưa thanh toán kịp thời số nợ với cơ quan BHXH Đông Triều. Hơn nữa Công ty vay nợ ngân hàng để đầu tư dây chuyền sản xuất với số nợ lên đến 30 tỷ đồng; từ năm 2012 mỗi năm Công ty lỗ hơn 1 tỷ đồng… Thế nhưng nhiều CNLĐ của Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn phản ánh, gạch của Công ty sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Chủ tịch Công đoàn Công ty và LĐLĐ thị xã Đông Triều cũng nhận định, không có tình trạng gạch tồn đọng nhưng không hiểu sao doanh nghiệp vẫn báo lỗ liên tục và không thanh toán BHXH cho NLĐ. Vậy doanh nghiệp chây ì, cố tình trốn đóng BHXH hay thực sự khó khăn?

Anh Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh thông tin đến công nhân tổ Môi trường - Cây cảnh về lộ trình trả nợ BHXH của Công ty.
Anh Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh thông tin đến công nhân tổ Môi trường - Cây cảnh về lộ trình trả nợ BHXH của Công ty.

Ông Vũ Văn Tiến, Giám đốc BHXH Đông Triều tỏ ra lo ngại: Với số nợ trên 7,3 tỷ đồng, chiếm 2/3 số nợ BHXH của huyện, chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu Công ty cam kết thanh toán. Nhưng cam kết vẫn chỉ ở trên giấy. Điều mà nhiều công nhân lo sợ là Công ty sẽ bán cho đơn vị khác. Nếu tình trạng này xảy ra công nhân không chỉ mất việc mà quyền lợi của hàng trăm lao động không biết sẽ ra sao.

Còn ông Tô Hải Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh giải thích: Do đặc thù của đơn vị du lịch chỉ làm kinh doanh theo mùa nên doanh thu bị ảnh hưởng. Hơn nữa Công ty đang tập trung đầu tư nhiều dự án ở phía tây đảo Tuần Châu; đồng thời vừa dốc lực đầu tư cơ sở hạ tầng Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, miễn phí neo đậu 6 tháng đầu cho doanh nghiệp hoạt động tàu bè nên chưa thu được kinh phí đầu tư… Thế nhưng để đảm bảo quyền lợi cho công nhân, chúng tôi vẫn thanh toán hoá đơn khám chữa bệnh cho NLĐ và đưa ra lộ trình trả nợ BHXH làm 3 đợt từ nay đến tháng 2-2017. Bởi nếu tập trung tiền trả nợ BHXH ngay một lúc sẽ ảnh hưởng đến việc trả lương cho công nhân nên rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện.

Qua thực tế tại một số doanh nghiệp nhỏ như Công ty TNHH MTV Hoàn Thiện (TP Hạ Long), có số nợ BHXH gần 40 triệu đồng với trên 3 tháng. Chị Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Công ty không hề gặp khó khăn, nhưng theo thói quen cứ 3-4 tháng mới hoạch toán các khoản phí trong đó có tiền BHXH.

Đừng để người lao động trở thành nạn nhân

Rõ ràng doanh nghiệp nợ BHXH đã trở thành vấn nạn, nhưng giải quyết vấn đề này như thế nào vẫn là bài toán khó với ngành BHXH. Hiện để giải quyết tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, các cơ quan chức năng vẫn áp dụng biện pháp kiểm tra, nhắc nhở. Sau đó, doanh nghiệp không chấp hành sẽ chuyển qua thanh tra lao động thanh tra, xử lý và giải pháp cuối cùng là kiện ra toà. Tuy nhiên, trên thực tế thì những biện pháp này cũng chưa đạt hiệu quả cao. Năm 2014, BHXH huyện Hoành Bồ đã khởi kiện doanh nghiệp tư nhân Hưng Long ra toà vì nợ BHXH, dù toà án đã tuyên buộc đơn vị phải có trách nhiệm nộp số tiền nợ BHXH, nhưng đến nay vẫn chưa thi hành án được đối với doanh nghiệp này.

Ông Vũ Văn Tiến, Giám đốc BHXH Đông Triều nêu khó khăn: Cứ mỗi lần BHXH Đông Triều chuẩn bị khởi kiện Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn ra toà thì doanh nghiệp lại trả nợ một ít. Cuối năm 2015, chúng tôi đã kiên quyết khởi kiện đơn vị này ra toà. Tuy nhiên, vừa qua, TAND Tối cao có Công văn số 105 yêu cầu TAND các cấp triển khai một số quy định của Luật BHXH 2014, có hiệu lực từ 1-1-2016. Theo đó, toà án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT của NLĐ mà phải là công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, bước chuyển giao này đang gây lúng túng cho các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ do chưa có hướng dẫn, quy trình khởi kiện khi chuyển giao cho tổ chức công đoàn. Theo đó, công tác khởi kiện bị ách tắc, khó thu hồi nợ BHXH…

Để giải quyết bài toán nợ đọng BHXH, khi đối thoại với công nhân nhân dịp Tháng Công nhân, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ đã chỉ đạo: Tuyệt đối không để trường hợp NLĐ bị ảnh hưởng đến chế độ hưu trí, tai nạn lao động, nghỉ ốm đau, thai sản do doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Với những doanh nghiệp khó khăn thực sự chưa đóng được BHXH đề nghị trả tiền khám chữa bệnh cho NLĐ.

Là đơn vị đại diện bảo vệ quyền lợi của NLĐ, ông Trần Danh Chức, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện triệt để quan điểm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ. Đồng thời, đề xuất với BHXH triển khai kế hoạch liên tịch, đôn đốc việc trích nộp BHXH nhằm giảm tối đa tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH; đưa ra lộ trình giải quyết nợ đọng, giao 3 ngành BHXH, LĐ-TB&XH, LĐLĐ cấp địa phương phối hợp kiểm tra các doanh nghiệp cố tình nợ đọng, công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng. Năm 2016, Công đoàn sẽ khởi kiện khoảng 10 doanh nghiệp nợ đọng BHXH để tăng tính răn đe. Thêm nữa, pháp luật cũng quy định tăng lãi suất chậm nộp BHXH, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp hạn chế tình trạng lạm dụng tiền BHXH để kinh doanh.

Về phía cơ sở, anh Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Âu Lạc trăn trở: Nên chăng các cơ quan lập pháp cần đưa ra chế tài xử lý doanh nghiệp cũng như chính sách giải quyết giữa BHXH và doanh nghiệp, bởi thực tế NLĐ không hề nợ BHXH. Vì thế đừng đẩy rủi ro cho họ, đừng để họ trở thành nạn nhân. Đấy mới là cách giải quyết nhân văn nhất.

Thanh Hằng/Báo Quảng Ninh