Quảng Bình: Xác định phát triển du lịch theo chiến lược bền vững

00:00 12/10/2020

Một buổi chiều cuối tuần nắng nhạt, tôi tìm gặp ông Hồ An Phong – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình. Sau ít phút xã giao, cả hai đã có chút thư giãn để đàm đạo về “bộ mặt” du lịch Quảng Bình, hiện tại và tương lai.

 Ông Hồ Quang Phong (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh kỷ niệm tại gian hàng du lịch Quảng Bình trong quảng bá du lịch Quảng Bình ở Hội chợ ITB Berlin 2018

PV: Thưa ông Hồ An Phong, nhiều ý kiến cho rằng sau sự cố môi trường biển, ngành du lịch Quảng Bình lại vươn lên mạnh mẽ. Và, dư luận nói rằng tỉnh Quảng Bình đã đúng khi thành lập Sở Du lịch, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Hồ An Phong:Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI về “phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, được sự cho phép của Chính phủ, Quảng Bình đã thành lập Sở Du lịch và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2016. Được thành lập trong bối cảnh du lịch chịu ảnh hưởng lớn của sự cố môi trường biển miền Trung, tuy nhiên với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, địa phương và sự nỗ lực, cố gắng, được tập trung cao về chuyên môn, ngành du lịch Quảng Bình đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2017, đồng thời tạo được các tiền đề cho sự phát triển trong thời gian tiếp theo. Tổng số lượt khách năm 2017 đạt 3,3 triệu lượt, tăng 65,83% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 130.000 lượt, tăng 160% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.706,3 tỷ đồng, tăng 64,7% so với cùng kỳ. Năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 3.900.000 lượt, tăng 18,2% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 200.000 lượt, tăng 53,8% so với cùng kỳ, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 4.485 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ.

Kết quả này cho thấy sự đúng đắn của tỉnh khi thành lập Sở Du lịch và sự hoạt động, tham mưu và phối hợp hiệu quả của Sở Du lịch với các sở, ban, ngành, địa phương.

Quảng Bình xác định tầm nhìn đến năm 2030 định vị Quảng Bình là trung tâm du lịch mạo hiểm của châu Á, thiên đường khám phá và trải nghiệm, điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ...

PV: Năm 2017 là một năm được xem là thành công của du lịch Quảng Bình, trong đó công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đóng vai trò quan trọng. Vậy năm 2018, công việc này vẫn được Sở quan tâm?

Ông Hồ An Phong:Công tác quảng bá, xúc tiến đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch của mỗi địa phương, khu vực và quốc gia. Năm 2017, được xem là năm thành công của công tác quảng bá xúc tiến du lịch Quảng Bình với nhiều sự kiện lớn, có tính bước ngoặt để đưa du lịch phục hồi sau sự cố môi trường biển. Năm 2018, Sở Du lịch tiếp tục thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch theo chiều sâu với các nội dung phong phú, phương thức tiếp cận chuyên biệt cho từng phân khúc thị trường:

Quảng bá hiệu quả du lịch Quảng Bình thông qua các hội chợ du lịch lớn trong nước quốc tế như VITM Hà Nội, ITE TP. Hồ Chí Minh, Travex 2018, Hội chợ du lịch lớn nhất thế giới ITB Berlin..Tổ chức và tham gia các chương trình, roadshow như trình diễn áo dài hang động tại Lễ hội Áo dài TP. Hồ Chí Minh 2018, roadshow “du lịch Quảng Bình, những trải nghiệm khác biệt” tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các nước châu Âu trong đó Quảng Bình đại diện cho Việt Nam giới thiệu tại Italia và Đức…Tổ chức các đoàn famtrip, presstrip lớn trong nước và quốc tế đến khảo sát du lịch Quảng Bình. Liên kết với các địa phương tổ chức các chương trình hợp tác phát triển liên vùng như 03 tỉnh Bình – Trị - Thiên, 04 tỉnh Bắc Trung Bộ, Quảng Bình với TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội. Phối hợp quảng bá và duy trì, nâng cao hiệu suất đường bay Đồng Hới – Chiang Mai…Cùng rất nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch khác. Trong năm 2018, một trong những hoạt động nổi bật là Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với đoàn làm phim Người bất tử để quảng bá rộng khắp du lịch Quảng Bình trong nước và các thị trường nước ngoài thông qua bộ phim được xem là bom tấn của phim Việt năm nay.

Trao giải đặc biệt cuộc thi Chinh phục Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất thế giới

Đặc biệt tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Bình năm 2018 đã thu hút được số vốn đăng ký đầu tư lên đến 7,34 tỷ USD, trong đó du lịch là một trong những ngành có tỷ trọng lớn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại Quảng Bình là làn gió đại phong mới cho du lịch Việt Nam và khẳng định Quảng Bình không đơn giản là một Việt Nam thu nhỏ hay là sự phản ánh sắc nét về vẻ đẹp tiềm ẩn, vẻ đẹp bất tận của Việt Nam mà Quảng Bình thực sự là “viên kim cương màu xanh” của châu Á. Năm 2018, Du lịch Quảng Bình tiếp tục năm trong top 3 điểm đến đáng trải nghiệm nhất Việt Nam do tạp chí hướng dẫn du lịch lớn nhất thế giới Lonely Planet bình chọn, Sơn Đoòng giữ vững danh hiệu là một trong điểm đến đáng mong đợi nhất trên thế giới. Quảng Bình được các hãng phim Hollywood rất quan tâm và có kế hoạch làm việc trực tiếp đầu năm 2019 để thực hiện những chương trình truyền thông, bộ phim lớn tại Quảng Bình.

PV: Quảng Bình được mệnh danh là “vương quốc hang động” và thực tế du lịch hang động đã góp phần rất lớn cho thương hiệu tỉnh nhà trong nhiều năm qua và đóng góp lớn cho ngân sách, tuy nhiên để phát triển du lịch bền vững chúng ta cần có chiến lược dài hơn cho việc đào tạo phát triển nhân lực, cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, khuyến khích các mô hình homestay, farmstay để giữ chân du khách…Ông có đồng tình về điều này không?

 Sơn Đoòng giữ vững danh hiệu là một trong điểm đến đáng mong đợi nhất trên thế giới

Ông Hồ An Phong: Với những tiềm năng và lợi thế hàng đầu về phát triển du lịch, Quảng Bình xác định dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng phát triển với chiến lược phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm, sử dụng tài nguyên phục vụ du lịch đi đôi với bảo tồn và không ngừng nâng cao giá trị tài nguyên; luôn gắn với nâng cao lợi ích cộng đồng và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Từ những lợi thế cạnh tranh và chiến lược phát triển đó, Quảng Bình xác định tầm nhìn đến năm 2030 “định vị Quảng Bình là trung tâm du lịch mạo hiểm của châu Á, thiên đường khám phá và trải nghiệm, điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, các giá trị văn hóa phong phú, điểm đến nghỉ dưỡng và giải trí thể thao cao cấp hàng đầu của Việt Nam gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển du lịch bền vững”.  

PV: Với những sự phục hồi nhanh chóng sau sự cố môi trường biển và kết quả đạt được năm 2018 vừa qua, ông có thể cho biết mục tiêu và kế hoạch của ngành du lịch Quảng Bình trong thời gian tới là gì?

Ông Hồ An Phong:Từ những kết quả đạt được năm 2018 và phân tích xu thế, tốc độ tăng trưởng phát triển của du lịch Quảng Bình trong bối cảnh cả nước và khu vưc, ngành du lịch xác định kế hoạch năm 2019 như sau: tổng lượt khách phấn đấu đạt 4,3 triệu lượt trong đó khách quốc tế từ 250.000 đến 300.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 4.950 tỷ đồng. Hệ số lưu trú ước đạt: 1,14 ngày/khách. Công suất sử dụng phòng trung bình năm ước đạt: 50%.

Năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 3.900.000 lượt, tăng 18,2% so với cùng kỳ

Về mục tiêu đến hết năm 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định “phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Xây dựng Quảng Bình trở thành điểm đến du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2020, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 5,5 triệu lượt người. Doanh thu dịch vụ du lịch tăng bình quân 9% - 10%/năm.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Trọng Lãnh