PTT Vương Đình Huệ: Phổ cập thanh toán không tiền mặt cần chiến lược tài chính toàn diện

00:00 12/10/2020

Thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính.

Thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ và một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến lâu dài của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, nhất là ở các đô thị lớn, xu hướng tiêu dùng không tiền mặt đã có sự chuyển biến tích cực, đồng thời, các tổ chức tín dụng đang đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến cùng doanh nghiệp và các đơn vị thực hiện chi tiêu công không dùng tiền mặt. Điều này được khẳng định là một trong những xu hướng tất yếu của thị trường tài chính, tiền tệ.

Vài năm trở lại đây, ví điện tử dần trở nên quen thuộc với người dân thành thị, nhất là các bạn trẻ. Người tiêu dùng trẻ dùng ví điện tử để thanh toán hầu hết các khoản chi tiêu, từ gọi xe di chuyển đến mua sắm, uống cà phê. Doanh nghiệp làm ví điện tử tăng lượng khách hàng bằng cách hợp tác với ngân hàng để có nguồn tiền vào ví, tạo ra nhiều điểm chấp nhận thanh toán để khách hàng có thể sử dụng bất cứ lúc nào, offline và online, tất cả các dịch vụ đáp ứng những nhu cầu cơ bản của khách hàng. 

“Thay đổi thói quen của người tiêu dùng không phải là dễ và chúng tôi rất mừng là hiện nay đã có nhiều đơn vị cung cấp ví điện tử và Chính phủ cũng đang hỗ trợ việc này” - ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Ví MoMo cho biết.

Thanh toán không tiền mặt cần cả tổ chức tín dụng và người dân vào cuộc.

Còn ở lĩnh vực rộng hơn, cần tiềm lực tài chính mạnh hơn, các tổ chức tín dụng cũng vào cuộc mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử. Một số ngân hàng thương mại ngoài việc mở rộng lượng người dùng thẻ thì còn có sản phẩm thẻ dành cho doanh nghiệp. Một số ngân hàng xác định phục vụ khách hàng theo các luồng thanh toán, như “C to B”- tức là từ khách hàng- người dùng cuối tới doanh nghiệp, “B to B” hỗ trợ thanh toán từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp, hoàn toàn không dùng tiền mặt, sử dụng nguồn vốn của ngân hàng. 

“Thực tế đối với doanh nghiệp hiện nay, việc quản lý tiền mặt tốn chi phí từ 4,7-15% trong chi phí doanh nghiệp, việc đặt hàng, mua hàng của doanh nghiệp thì 92% xử lý thủ công và chi phí khoảng 5%. Trên cơ sở phân tích yêu cầu, khó khăn, thách thức của doanh nghiệp như vậy, chúng tôi đưa ra Bizpay, giải pháp giúp người mua trả tiền chậm nhất có thể, người bán thu tiền nhanh nhất có thể” - bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc cấp cao Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của VPBank nói.

Năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Việt Nam đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2017; giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017. Khảo sát của Công ty TNHH PwC ở 27 nước đã cho thấy Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động tăng từ 37% lên 61%.

PTT Vương Đình Huệ sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung và chia sẻ kết nối để thanh toán dịch vụ công.

Nếu thanh toán không tiền mặt được sử dụng trong các dịch vụ công như y tế, giáo dục nhiều hơn, không chỉ đơn giản là thanh toán tiền điện, tiền nước như hiện nay, thì chắc chắn tỷ lệ không dùng tiền mặt sẽ tăng lên. 

“Chúng tôi đề xuất Chính phủ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung và chia sẻ kết nối để thanh toán dịch vụ công. Các bộ ngành tập trung chỉ đạo hệ thống công nghệ thông tin từ phía cung ứng dịch vụ công để làm việc này. Tích hợp và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin các đơn vị dịch vụ công để tương thích và kết nối với giải pháp thanh toán” - ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị. 

Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam bởi rất nhiều thuận lợi. Để thúc đẩy phát triển thanh toán qua các kênh này, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đẩy mạnh truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán, lấy việc cung ứng dịch vụ trên thiết bị di động làm mục tiêu chính, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này với hệ thống thanh toán của ngành ngân hàng...

Không chỉ ở Việt Nam, chính phủ các nước đều rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán điện tử, bởi những lợi ích cơ bản như: tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn. Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế, thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm, cùng với đó là mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng - tài chính tới mọi người dân.

“Đối với thanh toán không tiền mặt thì mục tiêu của chúng ta là đẩy mạnh. Có tăng trưởng nhanh thì mới rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và điều này đóng góp cho phát triển dịch vụ rất cao. Quan điểm và yêu cầu thứ hai là phải phổ cập. Phổ cập là định hướng với chiến lược tài chính toàn diện, cho mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ này, không bỏ ai lại phía sau và không ai bị lãng quên” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo.

Như vậy, có thể thấy thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính./.

Minh Hạnh/VOV-TPHCM