Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017

00:00 12/10/2020

Phương án thi THPT Quốc gia năm 2017 được Bộ GD&ĐT công bố chiều 28/9 có một số điều chỉnh khác với dự thảo đã công bố trước đó về đề thi, thời gian làm bài thi và phương thức xét tuyển ĐH.
Họp báo Chính thức công bố Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh: VGP/Nguyêt Hà
Trao đổi tại cuộc họp báo công bố Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết những sửa đổi trong phương án chính thức công bố hôm nay là kết quả của việc Bộ đã trưng cầu ý kiến rộng rãi. Phần lớn ý kiến cho rằng phương án thi này đã được cải tiến gọn nhẹ hơn (giảm xuống còn 2 ngày) và có nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh. Tăng câu hỏi và thời lượng làm bài thi Đề thi sẽ gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản đáp ứng mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT (thí sinh hoàn thành phần này là có thể đủ điểm tốt nghiệp) và các câu hỏi phân hóa (phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ). Đề thi cho mỗi môn thành phần trong tổ hợp môn của bài thi Khoa học Tự nhiên và bài thi Khoa học Xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm (dự thảo 90 câu); đề thi bài thi Toán và bài thi Ngoại ngữ có 50 câu (dự thảo 40 câu) hỏi trắc nghiệm mỗi bài. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm có 4 lựa chọn trả lời với 1 lựa chọn trả lời đúng. Đề thi bài thi Ngữ văn sẽ có thêm phần Đọc hiểu và phần Làm văn so với dự thảo. Đề thi các bài thi trắc nghiệm do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được cập nhật, bổ sung trên cơ sở ngân hàng đề thi đã được Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng nhiều năm qua. Thời gian làm bài mỗi môn thành phần trong tổ hợp môn của bài thi Khoa học Tự nhiên và bài thi Khoa học Xã hội: 50 phút (dự thảo 90 phút). Theo đó, đề thi cho mỗi  môn thành phần trong bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm (mỗi bài thi tổ hợp có 120 câu hỏi trắc nghiệm). Thời gian làm bài dành cho mỗi môn thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là 50 phút (150 phút/bài thi). Thời gian làm bài thi Toán là 90 phút, bài thi Ngoại ngữ là 60 phút. Đối với các môn thi trắc nghiệm, thí sinh sẽ có 4 lựa chọn với 1 phương án trả lời đúng. Riêng bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút. Phương án thi THPT 2017 cho phép thí sinh đã tốt nghiệp THPT chọn thi các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội, phù hợp với tổ hợp môn xét tuyển sinh vào ngành đào tạo theo quy định của các trường ĐH, CĐ có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào học. Thí sinh được sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017 theo quy định trong đề án tuyển sinh được các trường ĐH, CĐ công bố công khai. Quy định về xét tốt nghiệp, theo phương án chính thức, điểm liệt của mỗi bài thi (theo thang 10 điểm) và điểm liệt của mỗi môn thành phần (theo thang 10 điểm) trong bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội là 1,0 điểm. Sau khi có kết quả thi, các Sở GD&ĐT sẽ cập nhật kết quả thi lên hệ thống quản lý dữ liệu của Bộ GD&ĐT, công bố kết quả thi và cấp cho mỗi thí sinh 1 Giấy chứng nhận kết quả thi. Việc xét tốt nghiệp THPT sẽ kết hợp sử dụng kết quả điểm 4 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh Giáo dục THPT) hoặc 3 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh Giáo dục Thường xuyên) với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Phương thức tính điểm xét tốt nghiệp: Điểm các bài thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 có tỷ lệ tương ứng 50:50. Điểm liệt của mỗi bài thi độc lập (theo thang 10 điểm): 1,0 điểm. Điểm liệt của mỗi môn thành phần (theo thang 10 điểm) của các bài thi tổ hợp: 1,0 điểm. Dành ít nhất 25% chỉ tiêu xét tuyển theo các khối thi truyền thống Về cách thức, tuyển sinh ĐH, CĐ thực hiện 4 phương thức gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia;  Sơ tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT; Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh. Các trường công bố công khai chỉ tiêu dành cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau; trong đó, dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D). Trong thời hạn quy định của trường, thí sinh trúng tuyển phải khẳng định nhập học tại trường; trường có trách nhiệm cập nhật sớm nhất danh sách thí sinh đã khẳng định nhập học này lên hệ thống quản lý dữ liệu chung để các trường cùng biết. Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với 1 nguyện vọng phù hợp nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này được công khai để các trường tham khảo, làm căn cứ tuyển sinh. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức. Trong thời hạn quy định của trường, thí sinh trúng tuyển phải khẳng định nhập học tại trường; trường có trách nhiệm cập nhật sớm nhất danh sách thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống quản lý dữ liệu chung để các trường khác cùng biết. Đặc biệt, việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường. Nếu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở cấp THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp, đảm bảo không để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan.Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận) và cách tính điểm xét tuyển. Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT). Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường được quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh đã được công bố công khai. Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh; đồng thời, công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức tuyển sinh. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm, về bài thi tổ hợp, bộ có một số điều chỉnh sau khi lắng nhe, tiếp thu ý kiến đóng góp của dư luận. Bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; bài thi khoa học tự nhiên gồm ba môn Lý, Hóa, Sinh. Để bảo đảm sự công bằng với những thí sinh sử dụng các tổ hợp khác nhau trong xét tuyển ĐH, Bộ quy định rõ thời gian làm bài từng môn và theo đó, hết thời gian làm bài mỗi môn (50 phút), thí sinh phải chuyển sang làm bài môn khác, tạo công bằng cho thí sinh. Để tăng độ phân hoá, thuận lợi cho việc sử dụng kết quả thì vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa giúp các trường có căn cứ xét tuyển ĐH, Bộ cũng quyết định tăng cường số câu hỏi cũng như thời gian làm bài thi tổ hợp, từ 60 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 90 phút/bài thi như dự thảo tăng lên thành 120 câu hỏi với thời gian làm bài là 150 phút. Về những băn khoăn trong việc ngăn ngừa tiêu cực trong quá trình làm bài thi, Thứ trưởng cho biết: việc tổ chức thi trắc nghiệm khách quan, trong đó mỗi thí sinh có một mã đề thi là một trong những giải pháp ngăn ngừa tiêu cực. Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh cho hay, lực lượng tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi là các thầy cô giáo có kinh nghiệm về thi từ các trường THPT, giảng viên ĐH ở các trường ĐH, THPT và các chuyên gia từ các viện nghiên cứu. Ông Trinh cũng khẳng định: Về chuẩn bị đề thi, không phải bộ triển khai từ con số 0 mà trong các năm qua đã có một ngân hàng có hàng ngàn câu hỏi. Ngoài ra còn kế thừa ngân hàng câu hỏi của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trước đó, từ năm 2010 Bộ đã ban hành văn bản về xây dựng ma trận đề thi với các cấp độ: Nhận biết, thông hiểu vận dụng. Từ nay tới tháng 5/2017, Bộ sẽ tích cực đẩy mạnh quá trình xây dựng ngân hàng đề thi theo đúng quy trình. Do đây là năm đầu tiên thực hiện thi trắc nghiệm nên tỷ lệ đề trùng sẽ bảo đảm ở mức cho phép là 25%. Các năm sau tỷ lệ trùng lặp này sẽ giảm dần. Bộ cũng sẽ sử dụng ngân hàng đề thi đã có sẵn của ĐHQGHN. Tuy nhiên, ngân hàng đề thi của ĐHQGHN chỉ dùng cho 1 mục đích tuyển sinh, do đó Bộ sẽ phải bổ sung số lượng câu hỏi phục vụ cho đề thi 2 mục đích của kỳ thi THPT. Đề thi được xây dựng chủ yếu từ khối kiến thức cơ bản trong chương trình học. Để bảo đảm cho 2 mục đích, tỷ lệ kiến thức cơ bản sẽ chiếm 60%, kiến thức nâng cao từ 30-40%. Để phân hóa, ông Trinh cũng cho hay sẽ duy trì mức độ “đánh lừa” tối đa là 20%. Trong kì thi THPT quốc gia năm trước, tỷ lệ kiến thức kĩ năng cơ bản chiếm khoảng 60%, tỷ lệ câu hỏi phân hóa 40%. Năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc có thể tăng tỷ lệ câu hỏi phân hóa, nhưng sẽ không thay đổi lớn gây sốc cho thí sinh. Ông Trinh cũng cho biết đổi mới kỳ thi THPT quốc gia với sự xuất hiện của bài thi tổ hợp là nằm trong lộ trình đổi mới thi những năm tiếp theo. Cụ thể, từ năm 2017, bài thi sẽ chuyển đổi từ "tổ hợp" sang "tổng hợp" và tiến tới đến bài thi "tích hợp", phù hợp với đổi mới chương trình phổ thông.

(theo chinhphu.vn)