Phương án thi THPT quốc gia Năm 2017: Giảm áp lực

00:00 12/10/2020

Tại buổi giao lưu trực tuyến về phương án tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, việc thi theo bài, hình thức trắc nghiệm, chấm trên máy rất thuận lợi.

Thi theo bài để học toàn diện Bộ GD&ĐT đang xây dựng phương án tổ chức thi để xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và lấy kết quả tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2017. Phương án này cơ bản như năm 2016, song có một số điều chỉnh về tổ chức cụm thi, bài thi, hình thức thi, đề thi, thời gian làm bài... Tuy nhiên, điều chỉnh đáng chú ý nhất là thi theo bài, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Có 4 bài trong đó được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm trên giấy, chấm bằng máy, chỉ có bài Ngữ văn thi tự luận. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhận định: “Ra bài thi tổng hợp nhiều môn sẽ khuyến khích các em học tập có kiến thức tổng quát giống các nước trên thế giới đang làm. Việc triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong chấm thi sẽ có kết quả tốt và nhanh. Vì thế các trường ĐH có thể tin tưởng vào kết quả của kỳ thi để xét tuyển ĐH”.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016 tại Đại học GTVT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016 tại Đại học GTVT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đồng quan điểm, TS Sái Công Hồng - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội còn cho rằng, chuyển từ môn thi sang bài thi sẽ tránh được tình trạng thí sinh học tủ, học lệch. 5 bài thi trong 2 ngày là giảm áp lực nhiều so với 4 ngày của kỳ thi năm 2016. Đặc biệt, thời lượng làm bài thi từ 180 phút/1 môn giảm còn 90 phút cho 1 bài trắc nghiệm cũng nhẹ nhàng cho thí sinh. Thực hiện cách thi này là Bộ GD&ĐT áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin mà các nước đang làm Cũng có người đặt vấn đề thi theo phương pháp trắc nghiệm, cách học cũng phải thay đổi. Như vậy, liệu thí sinh có kịp điều chỉnh cách học, đặc biệt học sinh ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được với công nghệ hiện đại như các em ở TP lớn để đăng ký thi? Song, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Do đó, kiến thức thi vẫn như trước, dù phương pháp thi thay đổi". Nghĩa là học sinh nông thôn và TP không có khoảng cách, bằng chứng là năm 2015 và 2016 rất nhiều em đỗ ĐH điểm cao. Nhiều cơ hội xét tuyển Thi theo hình thức trắc nghiệm, mỗi thí sinh có 1 mã đề thi riêng, chắc chắn sẽ cần ngân hàng câu hỏi lớn. TS Sái Công Hồng cho biết, cách đây 5 năm, ĐH Quốc gia Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT giao thí điểm đổi mới chương trình thi. Đến nay, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có gần 17.000 câu hỏi. Lượng câu hỏi đã được chuẩn hóa đó được cập nhật và bổ sung thêm, sẽ đảm bảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 mỗi thí sinh có 1 bài thi riêng được chọn ngẫu nhiên trên máy tính. Dễ nhận ra, việc điều chỉnh sang bài thi tổng hợp sẽ khiến học sinh lớp 12 lo lắng, song, Thứ trưởng Bùi Văn Ga trấn an: Bộ yêu cầu năm 2017 các trường ĐH đảm bảo dành 25% chỉ tiêu xét tuyển khối truyền thống, ngoài ra bổ sung thêm những tổ hợp mới đã thực hiện được 2 - 3 năm nay. Bây giờ nhà trường có thể xây dựng theo tổ hợp các bài thi hoặc các cấu phần của từng bài. Ví dụ, với bài thi Khoa học tự nhiên, có thể lấy cấu phần của môn Vật lý, Hóa học hay Sinh học. Như vậy, các em đã ôn tập theo khối yên tâm, em nào có kết quả điểm tổ hợp bài thi cao thì để xét tuyển ĐH, cơ hội đỗ nhiều hơn. Trong xét tuyển ĐH năm 2017, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng hơn năm 2016. Chắc chắn “ảo” sẽ lớn nhưng Bộ đã chuẩn bị phần mềm lọc ảo để hỗ trợ các trường.

(theo ktdt.vn)