Phức tạp nạn hàng giả, hàng nhái

14:07 27/11/2020

Sáng 27/11, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 13 năm "Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam" (29/11/2007 - 29/11/2020); tiếp nối thành công của chương trình "Tuần lễ phòng, chống hàng giả, hàng nhái năm 2019"; nhằm tuyên truyền để toàn thể xã hội đồng lòng cùng cơ quan chức năng đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường và tiếp tục an tâm sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, Trung tâm ứng dụng công nghệ khai thác quyền sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình "Diễn đàn phòng, chống hàng giả, hàng nhái" với chủ đề "Thách thức và giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp".

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã triển khai công tác đồng bộ, quyết liệt nên nhiều vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý, nhiều đường dây ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị triệt phá. Cụ thể, trong quý III/2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm (giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp nhà nước 4.386,9 tỷ đồng (giảm 30% so với cùng kỳ); đồng thời khởi tố 369 vụ (tăng 14% so với cùng kỳ), 454 đối tượng (tăng 25% so với cùng kỳ).

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm: đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng do nước ngoài sản xuất.

"Một đồng hồ Rolex có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng trên môi trường mạng vẫn có những đồng hồ Rolex giả với giá vài triệu đồng, đó là ví dụ điển hình cho hàng giả trên môi trường thương mại điện tử", bà Huyền nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trên môi trường thương mại điện tử còn xuất hiện hiện tượng giả mạo tên miền, website, giả mạo thông qua hình thức quảng cáo trực tuyến (các đối tượng lợi dụng hình ảnh của những KOL/người nổi tiếng để quảng cáo và bán hàng giả).

Ngoài ra, hàng giả liên quan đến vi phạm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giả mạo tem nhãn, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền tác giả cũng khá phổ biến, nhất là đối với các mặt hàng giày dép, thực phẩm chức năng, điện thoại thông minh…

Theo đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã và đang chịu tác động bởi các Hiệp định thương mai tự do, do đó hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng.

Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đến thời điểm hiện tại, cơ quan Hải quan đã kiểm tra 78 doanh nghiệp, tổng số trị giá hàng xuất khẩu là 647 tỷ đồng, phát hiện 391 C/O giả và 1.894 C/O không đủ điều kiện. Đặc biệt, cuối năm 2019 đã phát hiện một công ty cổ phần có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu cho 33 doanh nghiệp, với trị giá hàng vi phạm khoảng 600 tỷ đồng.

Đại diện cơ quan Hải quan cho biết, đây là một thủ đoạn gian lận mới, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Vụ việc đã được Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố điều tra làm rõ về tội "Giả mạo trong công tác" theo Bộ luật hình sự. Trong thời gian tới, để công tác kiểm soát xuất xứ đối với hàng hóa XNK, cơ quan Hải quan đề nghị:

Một là: Bộ Tài chính (cơ quan Hải quan) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu), Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội ngành hàng... để thực hiện kiểm tra, đối chiếu nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ theo từng lô hàng; phối hợp với các Hiệp hội để thực hiện đánh giá năng lực sản xuất, xuất khẩu của từng ngành hàng, xác định các mặt hàng xuất nhập khẩu có hiện tượng tăng đột biến, xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp.

Hai là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận cho cán bộ, công chức hải quan; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng DN XNK.

Ba là: Phối hợp tốt trong hoạt động hợp tác Quốc tế, chủ động sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ với cơ quan Hải quan các nước và Văn phòng liên lạc tình báo khu vực Châu Á Thái Bình Dương để kịp thời thu thập thông tin và phối hợp xác minh C/O có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng. 

Ngọc Thái