Phòng vệ thương mại: Công cụ bảo vệ sản xuất nội địa

00:00 12/10/2020

Hiện nay, trên thế giới, các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là công cụ hiệu quả nhằm giảm áp lực hàng nhập khẩu đối với các ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế, tạo cơ hội cho các ngành sản xuất trong nước trưởng thành, đủ sức cạnh tranh với hàng hoá quốc tế.

dui ga
Gà giá rẻ nhập từ Mỹ đã khiến các nhà sản xuất Việt Nam “bừng tỉnh” về môi trường cạnh tranh khốc liệt của thương mại toàn cầu và giá trị của các biện pháp phòng vệ thương mại. (Ảnh Internet)

PGS.TS Phạm Tất Thắng – Nghiên cứu viên cao cấp – Bộ Công Thương cho rằng: Trong bối cảnh hội nhâp, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bản địa và các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng khăng khít, có nhiều trường hợp thậm chí đã thực sự hoà quyện lẫn nhau.

Một khi hiệp định TPP có hiệu lực, giá trị vốn đầu tư nước ngoài, theo dự đoán có thể tăng lên tới 25-35%/năm và quan hệ hợp tác nội ngoại ở đây càng khăng khít, sự phân biệt giữa doanh nghiệp nội và ngoại sẽ càng khó khăn.

“Trong trường hợp này nhà nhập khẩu rất dễ nấp dưới hình thức nhập nguyên liệu, thậm chí chuyển toàn bộ quá trình sản xuất vào Việt Nam để gia công và bán hàng hoá đó trên thị trường Việt Nam nhằm trốn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam. Đặc biệt, các nhà xuất khẩu đồng thời cũng là người nhập khẩu có thể vận dụng “trường hợp ngoại trừ” bởi họ dễ dàng chứng minh được sự liên kết của mình với các nhà sản xuất trong nước. Đây là tình huống doanh nghiệp Việt Nam phải đặc biệt lưu ý để tránh lúng túng khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trên thực tế”, ông Thắng cho biết.

Trong bối cảnh khác, ở cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng một thị trường đơn nhất và một không gian sản xuất chung. Theo mục tiêu này cả ASEAN sẽ là một thị trường. Khi đó có thể sẽ không phân biệt được thị trường nội địa Việt Nam và thị trường nước ngoài trong phạm vi 10 quốc gia ASEAN.

Theo ông Thắng, đây chính là điều kiện rất thuận lợi để các nhà sản xuất, phân phối lớn của Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonexia… thể hiện sức mạnh của mình trong việc chiếm lĩnh thị trường hơn 640 triệu dân này. Khi đó, nếu như có sự xuất hiện hành động bán phá giá thì rất khó khăn trong việc xác định sự thiệt hại của các ngành sản xuất trong nước để đi tới áp dụng biện pháp phòng vệ.

Một thực trạng mà các doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng phải lưu tâm là gần đây trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi gian lận đưa hàng hoá của các thương hiệu đã thành danh của Việt Nam ra gia công ở nước ngoài, sản phẩm hàng hoá của Trung Quốc được phù phép thành hàng “Made in Viet Nam”, hầu hết các nguyên liệu phụ tùng là của Trung Quốc chỉ có khâu lắp ráp cuối cùng được thực hiện ở Việt Nam…

“Những sản phẩm này vừa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vừa dễ dàng bán phá giá trên thị trường Việt Nam, gây thiệt hại cho nền sản xuất nội địa. Vì vậy, rất cần phải chú ý đến hiện tượng này để ngăn chặn bằng các biện pháp phòng vệ thương mại của chúng ta”, ông Thắng nhận định.

Đó là những tác động đến từ bên ngoài, còn ở trong nước, ông Thắng cho biết, hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) được cơ quan Nhà nước giao cho điều tra các vụ việc có liên quan tới phòng vệ thương mại như: chống bán phá giá, tự vệ và trợ cấp. Trên thực tế Cục QLCT còn đang được giao thêm những nhiệm vụ lớn khác như: cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng cùng với nhiệm vụ đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại. Theo tôi cách giao việc như vậy cho Cục QLCT là quá sức so với năng lực hiện nay.

“Với nguồn nhân lực như bây giờ, riêng việc tổ chức điều tra để đưa ra các quyết định phòng vệ thương mại cũng là một nhiệm vụ nặng nề chưa nói tới phải thực hiện nhiệm vụ khác. Nên chăng Cục QLCT chỉ cần tập trung vào một chức năng chủ yếu là quản lý Nhà nước để cạnh tranh và là cơ quan điều tra độc lập trực thuộc Bộ Công Thương để đưa ra những quyết định cần thiết trong phòng vệ thương mại, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho quốc gia”, ông Thắng chia sẻ.

Việt Nam đã và đang thiết lập ngày càng sâu rộng các mối quan hệ quốc tế song phương và đa phương trên phạm vi toàn cầu. Trong tiến trình này “tự do hoá thương mại” ngày càng được tôn vinh và là mục tiêu hướng tới của tất cả quốc gia. Tuy nhên, sự “tự do thương mại thật sự” không phải tự nhiên xuất hiện mà nó đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của các bên, đồng thời mỗi quốc gia cũng cần có biện pháp để phòng chống các hành vi lạm dụng nó.

Giang Phan/Congluan.vn