Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập

13:59 27/10/2020

Phòng vệ thương mại (PVTM) bao gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, hiện đang là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp, hiệp hội biết về các chính sách, pháp luật PVTM hay có kỹ năng sử dụng hiệu quả công cụ này. Do đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức Hội thảo "Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập" vào sáng 27/10, tại Hà Nội.

 Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khái quát bối cảnh hội nhập và các nguy cơ từ việc hàng hóa nhập khẩu ồ ạt vào Việt nam sẽ ảnh hưởng như thế nào với các ngành sản xuất nội địa.

Công cụ phòng vệ thương mại có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho hàng hóa Việt Nam; cũng như các ngành sản xuất ở Việt Nam.

Do đó, trước hiện trạng doanh nghiệp và các hiệp hội chưa thực sự biết cách vận dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại, việc đề ra các giải pháp hỗ trợ, đánh giá tính khả thi và hợp lý khi triển khai là rất quan trọng. 

Giới thiệu dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định EVFTA về phòng vệ thương mại, ông Dũng cho biết, thông tư này áp dụng biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp, biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp để thực thi Hiệp định EVFTA.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) 

Cùng với đó, quy định các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam có thẩm quyền điều tra, áp dụng và xử lý biện pháp phòng vệ thương mại để thực thi hiệp định.

Thương nhân Việt Nam, thương nhân của các vùng lãnh thổ thuộc Liên minh châu Âu và khu vực thuộc lãnh thổ hải quan của EU cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan đến điều tra, áp dụng và xử lý biện pháp phòng vệ thương mại để thực thi hiệp định.

Cũng tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho hay, với 13 Hiệp định thương mại tư do (FTA) hiện đang có; đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh mẽ thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác. Điều này giúp thị trường Việt Nam trở nên sôi động và cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, hiện tượng nhập khẩu ồ ạt gây cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài cũng xuất hiện, có khả năng gây thiệt hại đáng kể và đe dọa tới lợi ích trong lâu dài của một số ngành sản xuất trong nước. 

Việc tổ chức sự kiện này nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, các hiệp hội tìm hiểu kỹ càng hơn; hướng dẫn các kỹ năng cơ bản để sử dụng công cụ phòng vệ thương mại ở Việt Nam trong từng ngành, lĩnh vực sản xuất hàng hóa trong nước.

Toàn cảnh Hội thảo

Đồng thời, tham gia đóng góp ý kiến ngay từ đầu với các khung khổ chính sách pháp luật mới về phòng vệ thương mại ở Việt Nam như dự thảo Đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hay dự thảo Thông tư thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cùng các hướng dẫn chi tiết về quy trình nộp đơn kiện và tham gia các vụ kiện phòng vệ thương mại, bà Trang nhấn mạnh. 

Tại phiên thảo luận thứ nhất, nội dung chính được phân tích là cải thiện khung khổ chính sách, pháp luật về PVTM nội địa. Trong phiên thảo luận thứ hai, nội dung chính được đưa ra bàn luận là việc cải thiện năng lực sử dụng công cụ PVTM trong thực tế, đặc biệt là những điều doanh nghiệp cần biết để bảo đảm lợi ích trong những vụ kiện PVTM.

Kết thúc Hội thảo, các vị đại biểu cùng các khách mời đều nhất trí rằng PVTM là công cụ có ý nghĩa to lớn đối với các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập. Các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để doanh nghiệp Việt Nam không bị yếu thế trên chính sân chơi của mình.

Thu Giang

Tags: