Phố Trọng Tấn xưa và nay có gì khác lạ ?

00:00 12/10/2020

Phố Lê Trọng Tấn bắt đầu từ giữa phố Trường Chinh kề bên Bảo tàng Không quân, chạy suốt theo sân bay Bạch Mai đến tận bờ sông Lừ, phố dài 1511m. Đây vốn là đất của làng Khương Trung (đoạn đầu) và làng Định Công (đoạn cuối) thuộc tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông cũ.

pho-le-trong-tan-ngay-nay

Trước năm 1975, đây là con đường mòn men theo sân bay Bạch Mai, thuộc khu phi quân sự không có nhà dân ở. Sau năm 1975 một số ngôi nhà nhỏ hẹp, sơ sài của người dân trong làng dựng lên bên phải con đường làm quán bán nước chè, thuốc lá, thuốc lào, kẹo bánh nhì nhằng, cửa hàng sửa chữa xe đạp, hiệu cắt tóc, hiệu may vá quần áo phục vụ khách qua đường.

Cùng với sự phát triển của thành phố, con đường mòn được trải đá, lòng đường mở rộng gần 10m. Hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế của Ủy ban hành chính thôn xã, nhiều hộ gia đình ở các ngõ xóm ra mặt đường mở các cửa hàng thương mại dịch vụ, các xưởng sản xuất quy mô nhỏ để tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm nâng cao đời sống kinh tế xã hội. Các khu nhà lớn, trụ sở của quân đội và các công ty mọc lên.

Ban Quản lý nhà Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Quân đội (số nhà 86), Xí nghiệp Xây dựng 244, Quân chủng Phòng không không quân (số nhà 164), Tổng Công ty Thành An (Binh đoàn 11), Công ty Xây dựng công trình 56 (số nhà 326), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Việt Thủy (số nhà 328), Công ty cổ phần thương mại Tam Sơn (số nhà 306), Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng (số nhà 310), Trường phổ thông Trung học dân lập Ngô Gia Tự (số nhà 82). Con đường mòn không còn cảnh vắng vẻ như xưa. Xe cộ đi lại tấp nập, phố xá hình thành. Năm 1998, thành phố quyết định con đường cửa ngõ phía Đông Nam của Thủ đô mang tên phố Lê Trọng Tấn.

Đại tướng Lê Trọng Tấn là nhà quân sự đức độ, mưu lược, luôn có mặt ở nơi tuyến đầu, vị tướng của những mốc son lịch sử. Ông trực tiếp chỉ huy đánh phía đông Mường Thanh bắt tướng De Castris của Pháp ở trận Điện Biên Phủ. Trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1975 ông làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ huy các binh đoàn đánh vào Dinh Độc lập bắt sống tướng Dương Văn Minh. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đại tướng Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần anh hùng.

Phố Lê Trọng Tấn ngày càng đông, nhộn nhịp. Lòng đường mặt cắt chỉ gần 10m. Vỉa hè quá chật hẹp. Vào những giờ cao điểm chuyện ách tắc giao thông xảy ra thường xuyên. Ngày 9/1/2016, dự án mở rộng đường Lê Trọng Tấn - dự án trọng điểm của thành phố với số vốn đầu tư 225 tỷ đồng chính thức khởi công. Chỉ sau 110 ngày (một tốc độ thi công kỷ lục), ngày 30/4/2016 con đường Lê Trọng Tấn được đưa vào sử dụng. Lòng đường rộng 30m, lưu thông 2 chiều với 4 làn xe giải quyết triệt để ùn tắc giao thông. Vỉa hè rộng 7,5m lát đá xanh tự nhiên. Đường dây cáp điện, thông tin liên lạc, viễn thông... được hạ ngầm. Các hộ sinh sống trên phố nhiệt tình tham gia chỉnh trang các cửa hàng, tháo dỡ mái che, mái vẩy. Vỉa hè quy củ ngăn nắp, không còn cảnh nhếch nhác, cái thò ra, cái thụt vào. Các tấm biển quảng cáo được lắp đồng bộ, kích thước kiểu dáng với 2 màu chủ đạo đỏ và xanh hòa bình.

Giờ đây phố Lê Trọng Tấn là một con phố kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội. Một con phố đẹp về cảnh quan, đẹp về mô hình mới, đẹp về sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân. [box]Lê Trọng Tấn (1914 - 1986 tên chính là Lê Trọng Tố, quê xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Năm 1944, ông tham gia Mặt trận Việt Minh, làm công tác binh vận ở Bạch Mai. Tháng 12 năm 1945 ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chỉ huy quân sự ở khu 14 Liên khu X đường số 4, Điện Biên Phủ. Năm 1961, ông được phong Thiếu tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng. Năm 1964 là Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang miền Nam. Năm 1975 ông làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ huy mũi tiến quân giải phóng Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, rồi thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1984 ông được phong Đại tướng. Ông mất ngày 5 /2/ 1986.[/box] PV: Lê Nhật Tăng