Phố trần phú

00:00 12/10/2020

DNHN: Khi còn tòa thành Thăng Long đời Nguyễn, phố Trần Phú ngày nay là con đường nằm trong thành nội đi từ Đông sang Tây, chạy dọc theo bức tường phía Nam của Hoàng thành. Trên con đường có hai cửa ra vào. Cửa Đông Nam nằm ở chỗ phố Tôn Thất Thuyết gặp phố Trần Phú ngày nay. Cửa Tây Nam nằm trên phố Chu Văn An ra phố Trần Phú ngày nay.

Ngày 23/7/1893 chính quyền Pháp quyết định dỡ bỏ bốn bức tường Hoàng thành. Năm 1894, tường thành bị phá bỏ hoàn toàn chỉ còn để lại cửa chính Bắc. Khu nam Hoàng thành là một vùng đất trống vắng, nhiều hồ ao, rất ít nhà cửa. Con đường dọc tường thành phía Nam trở thành một con phố. Năm 1897 Pháp đặt tên: đại lộ Phêlit Pô (boulevard Félix Paure). Nhũng năm 1927 - 1930 Pháp mở mang vùng đất ven nội phía Nam. Hồ ao được san lấp. Con đường Phêlít Pô mở rộng, trải nhựa, có cống thoát nước, vỉa hè trồng cây tạo bóng mát. Đất hai bên đường chia từng lộ rộng rãi để bán giá rẻ chỉ bằng 1/10 đất nội đô. Chủ đất phải xây nhà theo thiết kế và thi công nhanh chóng, đúng kế hoạch. Hố Voi nằm phía trước Cột cờ là nơi quân lính trong “Trại Tượng binh” cũ (trại voi) thời Nguyễn thường mang voi ra hồ này tắm nên có tên: Hồ Voi. Sau khi san lấp, năm 1927 Pháp sửa sang làm một vườn hoa rộng rãi trồng các bồn hoa, thảm cỏ cùng nhiều cây cổ thụ bên các lối đi. Nơi đây, phía trước Cột cờ, Pháp dựng một bức tượng cao lớn với các hình tượng: Sỹ, Nông, Công, Thương. Pháp đặt tên Vườn hoa Pigimê (Pigimer). Người dân Hà Nội gọi là Vườn hoa Canh nông (trước đó còn gọi vườn hoa Bãi Sậy). Đối diện với vườn hoa Canh nông là khu dân cư. Gần hai chục ngôi nhà với những vila nhỏ, hai tầng xinh xắn giữa khu vườn rợp mát bóng cây. Chủ các ngôi nhà này hầu hết là người Pháp. Đoạn cuối đại lộ Phêlít Pô sau vườn hoa Canh nông đến phố Ông Ích Khiêm ngày nay, nơi đây không có nhà cửa tư nhân. Bên dãy nhà lẻ là bức tường dài của Tu viện Cácmen, Bệnh viện Xanh Pôn, Xưởng cơ khí Bưu điện và dãy nhà kho của xưởng cơ khí. Bên kia đường là Trường nữ học Pháp. Phía Đông phố Trần Phú ngày nay là đoạn đường từ phố Phùng Hưng qua đoạn chắn xe hỏa đến vườn hoa Canh nông. Đoạn phố này Pháp đặt tên: đại lộ Galơni (boulevard Galheni). Suốt dọc dãy bên phải đại lộ Galieni là bức tường dài hoặc hàng rào bảo vệ. Bên trong là trại lính khố xanh cùng bãi đất hoang. Năm 1942, một ngôi nhà lớn được xây lên khá đẹp, mặt ngoài quay ra ngoài phố với bức tường hoa thấp. Trong sân là một vườn cây cảnh. Khu nhà này là căng tin của hạ sĩ quan Pháp. Đối diện với khu quân sự bên này đường, dãy số nhà lẻ là khu cư dân. Hàng chục ngôi nhà xây theo kiểu vi la có sân vườn chung quanh. Chủ nhà và người thuê nhà hầu hết là người Pháp - Nhà số 7. Một ngôi nhà to lớn chiếm một khu đất rộng là trụ sở của hãng buôn lớn người Đức. Sau Cách mạng tháng Tám, ta sáp nhập hai phố Gallier và Félix Paure làm một với tên gọi phố Tôn Thất Thuyết. Thời tạm chiếm, chính quyền bù nhìn đổi tên đại lộ Hàm Nghi. Năm 1954 thành phố quyết định đặt tên phố Trần Phú.

Trần Phú sinh ngày 01-5-1904, quê làng Tùng Ảnh thuộc xã Đức Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 1922, ông đỗ bằng thành chung ở Huế và dạy học ở Vinh. Năm 1926 ông cùng bạn bè, đồng nghiệp lập Hội Phục Hưng, sau đổi tên Hội Hưng Nam, cuối cùng Hội mang tên: Tân Việt Cách mạng Đảng. Tháng 7-1926, ông được cử sang Quảng Châu bàn việc hợp nhất với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Tại đây ông được Bác Hồ trực tiếp giảng về đường lối cách mạng. Năm 1927, ông được Bác Hồ cử sang Liên Xô học Trường đại học Phương Đông với bí danh Lý Quý, Lik vey (Lukgeu). Tháng 4/1930, ông về nước và được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Lúc này ông ở số 4 Hàng Rươi, sau chuyển đến 90 phố Thợ Nhuộm. Tại đây Trần Phú đã thảo “Luận cương chính trị” về vấn đề cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương. Tháng 10/1930 Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Hương Cảng đã thông qua bản “Luận Cương chính trị”, ông được bầu Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. 19/4/1931 ông bị thực dân Pháp bắt tại số nhà 60 đường Champagne (Sài Gòn). Chúng không từ thủ đoạn dã man, xảo quyệt nào để khuất phục ông. Nhưng với ý chí kiên cường, tuyệt đối tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng, ông không để lộ một chút bí mật nào của Đảng. Tháng 8/1931 ông bị ốm nặng. Thực dân Pháp đưa ông sang nhà thương Chợ Rẫy. Ngày 06/9/1931 Trần Phú từ trần, lúc ấy ông mới 27 tuổi. Phố Trần Phú giờ đây là con đường đẹp của Hà Nội. Phố dài 1230m, nối từ ngã tư Phùng Hưng, Hà Trung đến phố Kim Mã, phố Sơn Tây. Phố Trần Phú nằm trên hai phường của hai quận: 1-phường Hàng Bông thuộc quận Hoàn Kiếm, 2-phường Điện Biên thuộc quận Ba Đình. Đầu phố Trần Phú như một sự nối tiếp truyền thống sinh hoạt của người dân phố cổ. “Buôn có bạn, bán có phường”. Cả một dãy nhà đầu phố lấp lánh những dải dây đèn đủ màu sắc rực rỡ. Đây là chuỗi cửa hàng bán thiết bị chiếu sáng, đèn trang trí, vật liệu điện xây dựng. Qua đoạn chắn tàu hỏa là gần 20 cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang với những biển hiệu bắt mắt của những hãng may nổi tiếng. Dệt may 10, dệt may Việt Tiến, Nhà Bè, Đức Giang, Hanosimex, Owen, Cambodes… Nhà số 7 là trụ sở của Hãng phim hoạt hình cũng là rạp chiếu bóng Thánh Gióng. Bên kia đường trụ sở lớn của Ngân hàng VPbank, tiếp sau là trụ sở Tổng cục Thể dục Thể thao thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

Giữa phố Trần Phú là Vườn hoa Lênin (Vườn Canh Nông trước kia). Nơi đây trở thành địa điểm vui chơi, hấp dẫn của lớp trẻ. Nơi rèn luyện sức khỏe, nơi vui vẻ tâm sự của người cao tuổi. Suốt dọc dãy phố gần 40 ngôi nhà kiểu vila xinh xắn giữa những khu vườn rộng rãi, thoáng mát, yên tĩnh, giờ là trụ sở của các đại sứ quán Đức, Singapore, Iran… và cũng là trụ sở của các cơ quan: Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công an, Bộ Tư Pháp, Bệnh viện Xanh Pôn, Công ty cổ phần thiết bị Bưu Điện… Ngày 12/2/2015, đường Trần Phú được kéo dài hơn 400m (xuyên qua phố Lê Trực), chính thức đưa vào hoạt động, đã giảm tải ùn tắc giao thông hàng ngày trên đoạn đường Trần Phú đến Kim Mã, Sơn Tây. Giờ đây đi trên đường Trần Phú rợp bóng hàng cây sấu già, cành lá xum xuê, xanh tốt quanh năm, nhất là đến mùa hoa sấu nở, du khách qua đây cảm nhận hương thơm dịu nhẹ khiến tâm hồn thanh thản, thư thái giữa không gian thoáng mát trên con phố đẹp duyên dáng, dịu dàng của Hà Nội mến yêu. Lê Nhật Tăng