Phó Thủ tướng sốt ruột vì dịch sốt xuất huyết bùng phát giữa thủ đô

00:00 12/10/2020

Chiều 28/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thị sát tại một số điểm nóng về dịch sốt xuất huyết (SXH) của quận Đống Đa, nơi có nhiều ổ dịch nhất Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đích thân vục nước kiểm tra bọ gậy, loăng quăng trong bể nước tại một công trường xây dựng ở phường Láng Thượng, thuộc quận Đống Đa, Hà Nội, chiều 28/7. Ảnh: Như Ý. Người dân vẫn chủ quan với dịch SXH Đoàn chọn điểm thị sát đầu tiên là công trường xây dựng tòa nhà căn hộ cao cấp Hồng Kông Tower ở 243 Đê La Thành. Phó Thủ tướng xuống thẳng khu vực hầm công trường, nơi cách đây chưa lâu các công nhân sinh hoạt. Khu hầm ẩm thấp, tối tăm, nền nhà đọng nước,bọ gậy và muỗi rất nhiều, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: “Trước khi xuống đây có ai tưởng tượng nổi công nhân lại sống như thế này ngay giữa vùng dịch SXH không”. Báo cáo với Phó Thủ tướng, đại diện Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, trước đó khi kiểm tra tại đây thấy mật độ bọ gậy dày đặc, rất nhiều muỗi, là môi trường lý tưởng để lây truyền, bùng phát SXH đã yêu cầu các công nhân phải chuyển lên trên sân công trường để sinh sống nhằm phòng tránh SXH, đồng thời rắc vôi bột, phun hóa chất diệt muỗi, khử bọ gậy. Tại khu vực sinh hoạt mới của công nhân ở phía trên tòa nhà, ông Đam trực tiếp trèo lên bể chứa nước của công trường để kiểm tra. Đoàn kiểm tra còn phát hiện rất nhiều ổ loăng quăng trên đường đi vào khu trọ ở phố Chùa Láng. Điều kiện vệ sinh của khu nhà trọ cũng rất hạn chế, đông người ngoại tỉnh thuê ở. Đây là khu vực thuộc phường đang bùng phát dịch SXH với tỷ lệ bệnh nhân cao thứ 4-5 của toàn quận Đống Đa nhưng trò chuyện với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, một người dân cho hay không biết dịch đang bùng phát tại nơi mình ở. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định các lán trại, vật dụng phế thải nhiều nên chống dịch hiện khó khăn hơn trước. Trực tiếp vào kiểm tra tại một phòng trọ khoảng 8m2 với 5 người sinh sống ở khu trọ trên phố Chùa Láng, đoàn thị sát ghi nhận trong phòng không để nước đọng lưu cữu qua ngày, không có ổ chứa loăng quăng, bọ gậy. “Tôi thấy sốt ruột vì không có biện pháp kiên quyết thì dịch sẽ phát triển nữa. Hà Nội mà trở thành vấn đề để mọi người quan tâm vì bùng phát dịch thì rất không nên”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hỏi từng thành viên trong hộ gia đình này những hiểu biết về phòng bệnh SXH. Bà Vũ Thị T (70 tuổi) cho biết: “Tôi từ Nam Định lên đây trông cháu nhỏ cho con. Ở Nam Định, tôi được chính quyền, cán bộ y tế tuyên truyền phải diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách lật úp các vật dụng chứa nước, nên ra Hà Nội tôi áp dụng ngay để phòng bệnh SXH”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với công nhân dưới tầng hầm tòa nhà Hồng Kông Tower ở số 243 Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội, chiều 28/7. Ảnh: Như Ý. Phó Thủ tướng sốt ruột vì dịch bùng phát giữa thủ đô Phát biểu tại cuộc họp với UBND quận Đống Đa và Bộ Y tế sau khi thị sát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận: “Tôi thấy sốt ruột vì không có biện pháp kiên quyết thì dịch sẽ phát triển nữa. Hà Nội mà trở thành vấn đề để mọi người quan tâm vì bùng phát dịch thì rất không nên, tôi rất sốt ruột. Quan trọng nhất hiện nay là 2 giải pháp. Thứ nhất là y tế dự phòng mà mọi người cùng phải tham gia, chính quyền phải làm bền vững. Về phía người dân vẫn còn nhiều người coi nhẹ dịch bệnh hoặc đi làm suốt nên không thể vào nhà phun hoá chất diệt muỗi”. Phó Thủ tướng khẳng định, ngoài vận động cần kiên quyết xử lý một cách quyết liệt. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố có gần 8.000 ca mắc SXH, đứng thứ 2 cả nước nếu tính theo số tuyệt đối, đứng thứ 19 cả nước tính theo tỷ lệ %. Hiện còn gần 900 bệnh nhân đang điều trị. Bệnh nhân xuất hiện tại 30/30 quận, huyện, thị xã với 70% số phường. Đã ghi nhận 4 ca tử vong tại phường Trung Liệt (Đống Đa), phường Giáp Bát (Hoàng Mai); phường Cống Vị (Ba Đình), phường Quang Trung (Hà Đông). Theo TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các năm trước, Hà Nội lưu hành hai type virus Dengue là D1, D2, hiện nay đã phát hiện thêm type D4, vì vậy nguy cơ sẽ làm tăng số trường hợp mắc bệnh. Qua kiểm tra còn thấy ổ bọ gậy xuất hiện ở khu vực nghĩa trang, đình chùa. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: “Quan trọng là truyền thông đại chúng và truyền thông y tế. Để “hạ hỏa” các phường có nhiều người mắc SXH, phải phun muỗi sau đó diệt loăng quăng trong 2 tuần. Diệt muỗi phải lật úp vật dụng có thể chứa nước từ chiếc lá đến các dụng cụ khác. Kinh nghiệm triển khai tại miền Nam cho thấy sau 1 chiến dịch diệt loăng quăng thì dịch hạ nhiệt hẳn. Diệt thuốc chỉ là một phần, quan trọng là diệt loăng quăng. Ngoài chính người dân thì các đoàn thể như thanh niên tình nguyện, các hội ban ngành phải vào cuộc”. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Hiện nay dịch diễn biến phức tạp và khó chống hơn trước nhiều do có nhiều lán trại, nhiều nơi chứa nước đọng. Muốn phun thuốc diệt muỗi cũng khó khăn hơn do nhiều nhà cao tầng, chậu cây cảnh là nơi chứa nước thuận lợi cho muỗi sinh sản. Phải tập trung giảm người mắc thì mới giảm được số tử vong”. Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết năm nay nhuận 2 tháng 6 âm lịch, thời gian nóng kéo dài nên dịch sẽ lâu hơn. Phó Thủ tướng thông tin: “Tôi làm việc với Tổ chức Y tế thế giới thì được biết Việt Nam thuộc tỷ lệ mắc SXH và tử vong thấp nhất khu vực. Tuy nhiên gần như năm nào cũng rộ lên dịch bệnh này. Điều kiện tự nhiên làm dịch bệnh bùng phát không phải là không lường được nhưng phải giải quyết quyết liệt”. Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay: “Đi thực tế để thấy các biện pháp phòng chống không có gì mới nhưng phải làm mạnh. Giải pháp tốt nhất là diệt loăng quăng bọ gậy. Vận động thành việc thường xuyên để hạn chế dịch bệnh, thành ý thức của người dânvà cộng đồng. Hà Nội có số người dân vãng lai nhiều, công trường xây dựng nhiều thì phải đưa việc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng thành việc thường xuyên để phòng bệnh. Chúng ta có hệ thống đoàn thể từ địa phương đến trung ương phải vận động để phòng dịch. Tôi đi kiểm tra tại Hà Nội nhưng thực chất muốn đề cập đến các tỉnh cũng có nhiều công trình xây dựng phải nghiêm với các chủ đầu tư, tuyên truyền nhiều rồi giờ phải xử nghiêm. Dù không có dịch cũng phải làm nghiêm để phòng ngừa”. THÁI HÀ