Phố Tây Sơn

00:00 12/10/2020

DNHN: Phố Tây Sơn nằm trên đất làng Khương Thượng, huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên, nay thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa. Phố dài 1.330m từ Ô Chợ Dừa (phố Nguyễn Lương Bằng) đến ngã tư Sở (phố Nguyễn Trãi).

Phố mang tên nghĩa quân Tây Sơn. Nơi đây diễn ra chiến công oanh liệt của vua Quang Trung đập tan quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng thành Thăng Long, giành lại non sông, đất nước. Năm 1789 được tin Tôn Sĩ Nghị cầm đầu kéo 29 vạn quân vượt qua biên giới hòng cướp đoạt nước ta, ngày 25 tháng 11 năm 1789 Nguyễn Huệ - người anh hùng áo vải, cờ đào làm lễ tế trời đất ở núi Tam Điệp - Ninh Bình đăng quang Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung thống lĩnh đại binh tiến ra Bắc. Đi đến đâu nghĩa quân cũng được dân chúng đồng lòng, nhiệt tình hưởng ứng tham gia với khí thế sôi nổi, mạnh mẽ. Đoàn quân tiến như vũ bảo. Chỉ trong 6 ngày bằng những trận đánh tập kích, mai phục thần tốc, chớp nhoáng, ngày 3, tết Kỷ Dậu nghĩa quân đánh chiếm đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi. Quân ta tràn vào thành. Giặc phải vượt khỏi thành, dẫm đập lên địa lôi, chết như rạ, máu loang cánh đồng. Đàn voi của nghĩa quân Tây Sơn đuổi theo quân giặc, hàng vạn quân lính Mãn Thanh kinh hãi, hoảng hốt lao xuống đầm lầy chìm nghỉm.

Nhân dân 7 làng Khương Thượng do đô đốc Long (Đặng Tiến Đông) chỉ huy hợp lực với nghĩa quân Tây Sơn đã dùng rơm rạ bện thành “bùi ngùi khổng lồ” rồi tẩm dầu đốt ném vào trại giặc lập “Trận rồng lửa” giành chiến thắng oanh liệt ở Đống Đa. Đề đốc Sầm Nghi Đống đau đớn trước thất bại nhục nhã phải thắt cổ tự tử ở núi Ốc (Loa Sơn) gần Chùa Bộc ngày nay. Nghĩa quân Tây Sơn vượt qua Ô Chợ Dừa tiến thẳng vào giải phóng Thăng Long đúng ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu. Chinh Man Đại tướng Tôn Sỹ Nghị hoảng hốt không kịp mặc áo giáp vội vã nhảy lên ngựa, lao qua cầu phao sông Hồng chạy trốn về nước. Sau trận chiến thắng oanh liệt năm 1789, xác quân xâm lược Mãn Thanh ngổn ngang khắp vùng. Người dân thu nhặt xác giặc chồng chất thành từng đống rồi lấp đất lên. Năm 1851 kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai cho mở đường, họp chợ ở vùng này đã tập trung các gò mả vào chiếc gò thứ 13. Người dân Khương Thượng đặt tên cho gò: Gò Đống Đa. Năm 1847 khi mở rộng đường làm nhà đối diện bên gò Đống Đa, thấy nhiều hài cốt quân Mãn Thanh rải rác vùng này, dân hai làng Thịnh Quang và Nam Đồng đã quyên tiền xây dựng ngôi chùa giữa hai làng và đặt tên chùa Đồng Quang (tên ghép của hai làng) để làm chỗ siêu sinh cho các cô hồn. Hàng năm vào ngày mồng 5 tháng giêng âm lịch, chùa mở hội cúng lễ lớn gọi là Ngày Giỗ Trận. Trước năm 1945 con đường Hà Nội - Hà Đông từ Ô Chợ Dừa đến ngã tư Sở là đất ngoại thành. Người dân tự đặt tên từng đoạn phố theo địa chỉ làng xóm: Phố Nam Đồng đi qua làng Nam Đồng, phố Thái Hà đi qua ấp Thái Hà, phố Vĩnh Hồ phố ngã tư Sở. Xưa kia nơi đây là đồng ruộng, xa làng mạc. Một xóm dân cư nhỏ hình thành chung quanh chùa Đồng Quang bên cạnh gò Đống Đa. Xóm nghèo xen giữa vùng ruộng trũng, bụi tre rậm, ao bèo. Dân chúng sống bằng nghề chở xe bò, chở gạch cát, kéo xe tay, làm thuê, làm mướn, buôn thúng bán mẹt.

Sau năm 1930 nhiều người trên phố tìm xuống đây mua đất làm nhà. Lúc đầu chỉ có những ngôi nhà gạch nhỏ quây quần thành ngõ xóm. Đến năm 1938 – 1940, gia đình công chức, nhà buôn đến tậu đất làm nhà cửa khang trang, phố xá trở nên đông vui, nhộn nhịp. Dưới gò Đống Đa có một khoảng đất rộng trở thành nơi họp chợ của người dân trong vùng. Từ chùa Đồng Quang trở xuống không có nhà cửa. Đây là đất của hai nghĩa trang lớn: nghĩa địa Khâm tư, nghĩa địa Tôn giáo. Cuối đường dưới ấp Thái Hà là cánh đồng rộng lớn của hai làng Thịnh Quang, Khương Thượng. Năm 1930 có một dãy nhà một tầng của một me Tây già xây lên cho thuê sát bên trái đường Hà Nội - Hà Đông, gần Ngã tư Sở. Người dân trong làng bên cũng ra mặt đường làm những túp lều, quán, ngôi nhà nhỏ hành nghề chữa xe đạp, cắt tóc, may vá quần áo, quán bán nước chè, bánh trái. Tháng 6/1964, thành phố quyết định đặt tên đoạn đường từ Ô Chợ Dừa đến ngã tư Sở là phố Tây Sơn. Giờ đây phố Tây Sơn là phố sầm uất của Thủ đô với vị trí giao thông chiến lược nối khu trung tâm thành phố với các khu vực ngoại thành.

Suốt dọc phố các cửa hàng, cửa hiệu mọc lên san sát phục vụ mọi nhu cầu thiết yếu của người dân đến các mặt hàng cao cấp phong phú, đa dạng. Thành phố di dời hai nghĩa trang to rộng dưới chùa Đồng Quang để xây lên khu Đại học Thủy Lợi, Trường cán bộ Công Đoàn bề thế hiện đại. Trước mặt hai ngôi trường trên là một không gian thoáng đãng, xanh tươi như một công viên lớn. Nhiều trụ sở ngân hàng chiếm lĩnh vị trí đắc địa, xây lên những ngôi nhà cao tầng sang trọng. Phố Tây Sơn trở nên chật hẹp, xe cộ qua lại số lượng lớn, hàng ngày gây ách tắc giao thông. Thành phố quyết cải tạo, mở rộng con đường Tây Sơn 45m và ngã tư Sở với chiếc cầu vượt có 4 làn xe rộng 17m, dài 263,3m. Công trình khởi công năm 2002 và hoàn thành tháng 8/2003. Di tích gò Đống Đa được quy hoạch to rộng thành Công viên Quang Trung, Công viên Văn hóa Đống Đa, Đền thờ Hoàng Đế Quang Trung với bức tượng cao lớn, uy nghi, hùng dũng, sừng sững trước khoảng trời cao sáng. Con đường bên gò Đống Đa mang tên phố Đặng Tiến Đông - người chỉ huy dân làng Khương Thượng (còn có tên Đô đốc Long) phối hợp với nghĩa quân Tây Sơn phá đồn Khương Thượng. Hàng năm, cứ đến ngày 5 tháng Giêng, hàng ngàn người đổ về phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa tưng bừng kỷ niệm chiến thắng oanh liệt Ngọc Hồi, Đống Đa để ôn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta với tục rước "Rồng rửa" thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của đoàn quân Tây Sơn anh hùng. Sau đám cưới là lễ dâng hương diễn ra ở đình Khương Thượng, và lễ cầu siêu chùa Đồng Quang. Đây cũng thể hiện lòng nhân ái, vị tha của dân tộc Việt Nam với những người lính Mãn Thanh tội nghiệp bị bọn cường quyền bắt làm bia đỡ đạn cho mưu đồ xâm lược xấu xa. Lê Nhật Tăng