Phim remake và vấn nạn thiếu kịch bản của điện ảnh Việt

00:00 12/10/2020

Phim remake (dòng phim có kịch bản nước ngoài được Việt hóa) trong vài năm trở lại lại đây xuất hiện ngày càng nhiều, chiếm lĩnh thị trường điện ảnh trong nước. Sự xuất hiện của dòng phim này giải tỏa phần nào cơn khát phim Việt của những người yêu và ủng hộ điện ảnh nội địa. Nhưng nó cũng đang là tín hiệu gióng lên hồi chuông về sự thiếu kịch bản điện ảnh. Nhiều đạo diễn đã phải liên tục tìm đến kịch bản phim ngoại và tìm cách Việt hóa nó, trong khi chờ đợi những kịch bản phim Việt đủ hấp dẫn.

Phim remake đổ bộ trên sóng truyền hình gần đây. Ảnh là phim Nhà trọ Balanha phát trên VTV.

Khi kịch bản phim ngoại hấp dẫn hơn phim nội

Khái niệm phim remake được nhắc đến ở Việt Nam thực ra từ 2 thập kỷ trước. “Cô gái xấu xí” (kịch bản gốc của Columbia) được xem là một trong những phim remake đầu tiên xuất hiện trong đời sống điện ảnh Việt. Tuy nhiên, phải đến những năm gần đây, làn sóng phim remake mới trở nên ồ ạt, ở cả phim truyền hình và phim điện ảnh. Một trong những “đỉnh cao” của phim remake được nhắc đến: “Em là bà nội của anh” (kịch bản gốc Hàn Quốc). Đạo diễn điện ảnh Phan Gia Nhật Linh đã lập một cột mốc đáng nhớ, khi phim ra rạp và có doanh thu phòng vé lên đến 102 tỷ đồng. Năm 2017 là một năm mà dường như khán giả Việt “chấn động” bởi dòng phim remake. Đầu tiên phải kể đến bộ phim truyền hình “Người phán xử” đã gây một cơn sốt mạnh mẽ. Tiếp theo đó là một loạt phim truyền hình cũng sử dụng chất liệu kịch bản nước ngoài như “Sống chung với mẹ chồng”. “Gạo nếp, gạo tẻ”, “Gia đình là số 1”, “Cả một đời ân oán”. Công bằng mà nói, chính dòng phim remake này đã tạo lập lại vị trí số 1 cho phim truyền hình, sau rất nhiều năm bị chìm khuất bởi các game show hay các chương trình truyền hình thực tế. 

Trong điện ảnh, cũng chính phim remake tạo ra những tên tuổi đáng kể. Trong khi một vài phim có kịch bản trong nước làm ra èo uột, không được sự quan tâm mấy của công chúng thì phim Việt kịch bản ngoại lại sôi động trong sự háo hức của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Những phim như “Sắc đẹp ngàn cân”,“Bạn gái tôi là sếp”,“Yêu đi đừng sợ”,“Tháng Năm rực rỡ”....được nhắc đến nhiều trên truyền thông và có doanh thu phòng vé tốt. 

Phim remake đổ bộ trên sóng truyền hình gần đây. Ảnh là phim Nhà trọ Balanha phát trên VTV1

Năm 2020 mặc dù bệnh dịch covid hoành hành nhưng làn sóng phim remake vẫn chiếm lĩnh các lãnh địa cả truyền hình lẫn điện ảnh. Thậm chí, trên truyền hình, phim remake còn ồ ạt hơn trước. Có thể kể tên các phim như “Nhà trọ Balanha”, đạo diễn Khải Anh, được làm lại từ bộ phim ăn khách “Welcome to Waikiki” của Truyền hình Hàn Quốc JTBC. Bộ phim “Gia đình là số 1” (phần 3) tiếp tục được dàn dựng sau phần 1 và phần 2 ăn khách. Một số phim khác cũng được khán giả chờ đợi là phim “Vua bánh mì” (kịch bản Hàn Quốc), phim “Tình yêu và tham vọng” dựa trên fomat phim “Thế giới cạnh tranh” của Trung Quốc, do đạo diễn Bùi Tiến Huy thực hiện. Riêng điện ảnh, có 2 phim remake đang ra rạp đều kịch bản gốc Hàn Quốc, là phim “Bằng chứng vô hình” (Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), “Tiệc trăng máu” (Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng).

Có rất nhiều lý do để một đạo diễn chọn làm phim remake, nhưng lý do quan trọng và được nhắc đến nhiều hơn cả là vấn đề thiếu kịch bản. Vì không có kịch bản hay, tâm đắc, nên nhiều nhà sản xuất phim phải nhìn ngó sang điện ảnh các nước trong khu vực và trên thế giới, để tìm kiếm những phim ăn khách, mua bản quyền mang về “Việt hóa” thành phim cho khán giả Việt. Việc làm phim remake có một thuận lợi là phim đã gây tiếng vang trước đó trong nền điện ảnh nước sở tại, nhưng vấn đề chuyển đổi câu chuyện, nhân vật, tình tiết làm sao cho phù hợp văn hóa, tâm lý người xem trong nước là không hề đơn giản. Bằng chứng là không phải phim remake nào cũng thành công, có những phim thất bại cay đắng như “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt hóa. Tuy nhiên, trong cơn khát thiếu kịch bản hay, thì lựa chọn làm phim remake là một giải pháp tạm ổn. Dòng phim này là một sự bù đắp cần thiết cho thị trường điện ảnh đang phát triển nhanh mà nhân lực cũng như công tác đào tạo chưa đáp ứng kịp. 

Người phán xử- một bộ phim truyền hình remake đình đám nhất trong thời gian gần đây

Có nhiều phim để phục vụ khán giả trong lúc thiếu thốn kịch bản là điều mừng, nhưng trong nỗi mừng lại chất chứa nỗi lo. Rằng văn hóa Việt rồi sẽ ra sao, nếu các nhà làm phim sắp tới đây chỉ chăm chăm khai thác các câu chuyện từ các quốc gia khác. Dù chúng ta có Việt hóa bao nhiêu thì xuất phát những vẫn đề trong phim cũng là vấn đề của các dân tộc khác. Vậy những vấn đề của quốc gia mình, dân tộc mình, các đạo diễn đang bỏ quên chăng? Trong một vài cuộc hội thảo về điện ảnh gần đây, nhiều chuyên gia đã lên tiếng tỏ ý lo ngại. Cần phải có giải pháp kích cầu trong nước để nền điện ảnh cân bằng yếu tố phim nội và phim có kịch bản ngoại. Chúng ta không thể tự hào mình là một nền điện ảnh phát triển khi mà những bộ phim trong nước sản xuất hầu hết lại kể những câu chuyện của nước ngoài.

Đầu tư cho kịch bản điện ảnh như thế nào?

Thiếu kịch bản hay, câu chuyện mà người làm điện ảnh ai cũng biết. Nhưng hành động thực sự để “giải cứu” tình trạng này thì vẫn còn nhiều bất cập. Mới đây, Cục Điện ảnh đã có động thái rất đáng chú ý là phát động cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020. Tân Cục trưởng Cục điện ảnh Vi Kiến Thành thừa nhận: "Trong rất nhiều cái khó của Điện ảnh Việt Nam hiện nay thì có một khó khăn đó là thiếu kịch bản phim truyện hay, độc đáo. Sự thiếu hụt này đã đến mức báo động. Thực tế gần đây, một số đơn vị sản xuất phải đi lấy cốt truyện, kịch bản phim của nước ngoài rồi Việt hóa thành kịch bản phim của Việt Nam. Đây thực sự là vấn đề đáng ngại". Ông Vi Kiến Thành cũng đặt vấn đề, phải chăng là chúng ta thiếu về lực lượng nhà biên kịch điện ảnh hay chúng ta thiếu những nhà biên kịch giỏi, thiếu những nhà sản xuất có "con mắt xanh" để phát hiện ra những kịch bản hay, hấp dẫn, là tiền đề để có được những bộ phim hay, sâu sắc về nội dung tư tưởng, hấp dẫn khán giả? Người đứng đầu Cục Điện ảnh hy vọng cuộc thi sẽ góp phần tạo ra nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh cho các phim nhà nước đặt hàng và cho các đơn vị, các dự án sản xuất phim truyện có thêm sự lựa chọn.

Việc thiếu kịch bản điện ảnh hay thực sự đã ở mức báo động. Vậy nguyên nhân của tình trạng này do đâu?

Một bộ phim remake điện ảnh được sản xuất trong năm 2020

Đầu tiên nói về khâu đào tạo. Thực tế chúng ta đang thiếu cơ sở giảng dạy chuyên nghiệp cho bộ môn biên kịch điện ảnh. Trường Sân khấu điện ảnh hàng năm có tuyển sinh lớp biên kịch nhưng số lượng người tham gia không nhiều. Việc đào tạo vẫn còn cưỡi ngựa xem hoa là chính, rất hạn chế về giáo trình giảng dạy. Trong khi việc sản xuất phim ngày càng hiện đại hơn, thì giáo trình biên kịch vẫn cũ rích, chưa có những bộ giáo trình cập nhật phù hợp với công nghệ sản xuất phim hiện đại. Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, sau khi được đào tạo ở trường ra, những nhà biên kịch trẻ có ít cơ hội thực tập nghề đúng cách để trở nên lành nghề hơn, đồng thời ngay lập tức đối mặt với sự nghiệt ngã của điện ảnh thị trường, nơi chỉ có mua kịch bản hoặc không, chứ không giúp được các nhà biên kịch trẻ sửa chữa, nâng cao những non yếu trong nghiệp vụ, điều mà những người mới bước chân vào làm nghề dễ vấp phải.

Trên thực tế, nhiều nhà biên kịch ở ta hiện làm nghề nhưng họ chẳng qua trường lớp đào tạo nào cả. Họ có khả năng viết kịch bản, và tự mày mò học hỏi anh em đồng nghiệp, những người đi trước là chính. Đây là yếu tố thiếu chuyên nghiệp của một nền điện ảnh, rất khó để đi xa, đi lâu dài. Ngoài ra, câu chuyện thị trường phim chi phối rất mạnh đến vấn đề kịch bản. Trong điều kiện làm phim Việt còn nhiều chắp vá, chưa thực sự đồng bộ các khâu, hạn chế cả về kỹ thuật lẫn kinh phí thì các nhà sản xuất phải tính toán rất kỹ các khâu khi quyết định mua một kịch bản nào đó để làm phim. Để tính bài toán an toàn cho sản xuất, đôi khi có kịch bản hay nhưng nếu không phù hợp với điều kiện, chưa chắc kịch bản đã được chọn. Điều này khiến cho nhà biên kịch khi viết phải có một điểm nhắm đến nhà sản xuất nhất định, và phải đứng ở góc độ nhà sản xuất để xem xét xem viết kịch bản như thế nào cho phù hợp với khả năng sản xuất của đơn vị đó. Biên kịch cũng cũng đồng thời phải quan tâm cả đến việc mình có đáp ứng được thị hiếu của thị trường hay không nữa. 

Em là bà nội của anh - một phim được Việt hóa từ tác phẩm điện ảnh bom tấn của Hàn Quốc

Đối với dòng phim chiến tranh cách mạng, phim ngân sách nhà nước thì còn có nhiều cái khó hơn. Nhiều năm nay, những người thuộc đơn vị điện ảnh Nhà nước, đứng ở cương vị đạt hàng tác giả kịch bản thì bị lúng túng giữa câu chuyện làm sao để phim đủ các tiêu chí “cúng cụ”, nhưng đồng thời phải có khả năng thu hút khán giả khi chiếu rạp và có doanh thu cao. Hai yếu tố này đòi hỏi trong một kịch bản kể cũng khó, là thách đố đối với các nhà biên kịch. Phía các nhà thẩm định, vì không rạch ròi được các yếu tố nên nhiều khi mâu thuẫn, phiến diện trong đánh giá các kịch bản. Vì thói quen này, nên nhiều nhà biên kịch trở nên chán nản, không biết phải viết thế nào cho vừa lòng các nhà thẩm định, và rốt cục là họ bỏ cuộc. 

Nói về vấn đề duyệt phim thì còn rất nhiều vấn đề bất cập. Và nó là một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến công tác kịch bản. Lo sợ “nhạy cảm”, “có vấn đề” đã khiến cho các nhà làm phim và các nhà biên kịch phải tự hạn chế mình rất nhiều trong sáng tác.

Như vậy có thể nói, nếu không giải quyết tốt tận gốc các vấn đề của điện ảnh thì câu chuyện quan trọng nhất trong quy trình làm phim là khâu kịch bản vẫn còn nhiều vướng mắc. Kịch bản là yếu tố đầu tiên để “gột lên hồ” là những bộ phim hay. Thiết nghĩ, các cơ quan Nhà nước, ngành Văn hóa và nói hẹp hơn là ngành Điện ảnh phải có chiến lược đầu tư lâu dài cho khâu kịch bản, từ vấn đề đào tạo con người đến kiểm duyệt, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các nhà biên kịch được phát huy khả năng của mình. Có như vậy, mới hết cảnh long đong tìm kịch bản của đạo diễn và nhà sản xuất. Để phim remake, dẫu là một dòng phim mặc nhiên tồn tại trên thị trường theo quy luật cung- cầu, nhưng không phải là dòng phim chủ đạo như hiện nay. Vì nếu tình trạng này kéo dài, chúng ta khó mà bảo vệ một nền điện ảnh Việt “tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” được. 

Vũ Quỳnh