Phát triển kinh tế tập thể phi nông nghiệp trong thời đại 4.0

00:00 12/10/2020

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX phi nông nghiệp có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là công nghệ thông tin, thương mại điện tử.

Cơ hội nhiều, nhưng KTTT, HTX phi nông nghiệp cũng đối diện với nhiều thách thức cần Chính phủ, các bộ, ngành và Liên minh HTX Việt Nam, các cấp ủy đảng, chính quyền tạo cơ chế, hành lang pháp lý để các HTX phi nông nghiệp có bước đột phá. Bên cạnh đó, cộng đồng HTX phải có một tư duy mới, cách làm mới nhằm phát triển HTX phi nông nghiệp một cách bền vững hơn.

Nhiều cơ hội

Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn ra đời đã tạo khung pháp lý thuận lợi và thông thoáng hơn cho hoạt động kinh doanh của khu vực KTTT. Các chính sách khuyến khích phát triển KTTT theo quy định của Chính phủ đang được các bộ, ngành thể chế hóa và hướng dẫn thực hiện, tạo điều kiện cho KTTT, trong đó có các HTX phi nông nghiệp phát triển.

Tính đến hết năm 2018, cả nước có 64.081 tổ hợp tác (THT) phi nông nghiệp, tổng số thành viên THT là 665.271 người. Số THT hoạt động hiệu quả là 50.623 tổ, chiếm 79% tổng số THT phi nông nghiệp. Cả nước có 23 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp, tăng 16 liên hiệp HTX so với năm 2003. Hầu hết các liên hiệp HTX hoạt động tuân thủ các nguyên tắc quy định của Luật HTX 2012, tự nguyện cùng góp vốn và thống nhất quyết định sản xuất, kinh doanh.

Về HTX phi nông nghiệp, cả nước hiện có 8.744 HTX phi nông nghiệp (tăng 4.490 HTX so với năm 2003 và tăng 85 HTX so với năm 2013), với gần 3,157 triệu thành viên, tạo việc làm cho 1,71 triệu lao động. Có 4.982 HTX phi nông nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, chiếm 57%. Tổng vốn điều lệ của các HTX phi nông nghiệp là 18.402 tỷ đồng; tổng tài sản là 26.883 tỷ đồng; doanh thu bình quân HTX là 5,797 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2003; lãi bình quân là 377 triệu đồng.

Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên năm 2018 đạt 54 triệu đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn cũng chiếm số đông: cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng trở lên chiếm 19%, tương đương 18.129 người; trình độ sơ, trung cấp chiếm hơn 35%, tương đương hơn 34.000 người...

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết bên cạnh Nghị quyết số 13/NQ-TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, một số chương trình về phát triển KTTT, HTX phi nông nghiệp là cơ hội, điều kiện cho các HTX phi nông nghiệp phát triển nhanh chóng.

“Việc tham gia ngày càng nhiều vào các tổ chức quốc tế giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia trong khu vực hội nhập kinh tế thế giới sâu, rộng với mức độ rất nhanh, tạo cơ hội cho KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp dễ dàng tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho biết.

Phat-trien-kinh-te-tap-the-phi-3537-6968
 

Không ít thách thức

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các cơ chế, chính sách được ban hành chưa thực sự đi vào cuộc sống. Sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với KTTT, HTX còn hạn chế, có khi lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Bản thân các HTX vẫn còn yếu về cơ sở vật chất, nhất là về năng lực, trình độ quản lý. Hoạt động của các HTX thiếu gắn kết với nhau, với cộng đồng doanh nghiệp chưa có sự liên kết chặt chẽ, bền vững trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Năng lực của đội ngũ cán bộ quản trị còn yếu và tâm lý chung của cán bộ HTX không muốn làm việc lâu dài cho HTX do có thu nhập thấp, thiếu ổn định. Lao động có trình độ tay nghề cao trong các HTX phi nông nghiệp đang dần bị thu hút sang các loại hình kinh doanh khác có sức hấp dẫn hơn về tiền lương và chế độ phúc lợi.

Giá trị kinh tế khu vực KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tổng GDP của cả nước chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn.

Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, nhiều HTX còn gặp khó khăn về tiếp cận vốn vay, cơ sở vật chất, đất sản xuất, đất làm nhà xưởng, nhất là trụ sở. Bên cạnh đó, trình độ lao động, quản lý của HTX còn yếu; hầu hết quy mô nhỏ, manh mún, ít vốn, công nghệ lạc hậu và chưa liên kết được với các doanh nghiệp uy tín để tổ chức sản xuất, nhất là tìm thị trường, bao tiêu sản phẩm…

Sự phát triển mạnh mẽ của KH-CN cũng là một trong những nguyên nhân khiến các HTX khó cạnh tranh, phát triển so với các loại hình doanh nghiệp khác trong cơ chế thị trường hiện nay.

Việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX còn chậm, thiếu tính đồng bộ, đột phá nên chưa phát huy được hiệu quả để các HTX phi nông nghiệp phát triển. Các văn bản quy định về các chính sách hỗ trợ HTX không chú trọng cho đối tượng HTX phi nông nghiệp hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ, ưu đãi.

Liên minh HTX Việt Nam xác định mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ thành lập mới 3.000 - 5.000 THT; 4.000 - 5.000 HTX; 50 liên hiệp HTX. Tốc độ tăng trưởng thành viên HTX hàng năm đạt 5%, đến năm 2030 có khoảng 2,5 triệu thành viên HTX phi nông nghiệp. Xây dựng được ít nhất 200 mô hình HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm, theo từng lĩnh vực. Số HTX phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt 75%.

Tạo cơ chế phát triển

Để tháo gỡ khó khăn, giúp cho KTTT, HTX phi nông nghiệp phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho rằng bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách như Thông tư 340/TT-BTC về hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay, như: Tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng; hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất...

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành và Liên minh HTX Việt Nam, muốn phát triển KTTT phi nông nghiệp bền vững, các HTX phi nông nghiệp phải thực hiện nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển, tham gia hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia, tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao.

Đồng thời, tăng cường mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, ứng dụng các thành tựu KH-CN trong tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh của các HTX phi nông nghiệp, chú trọng phát triển các mô hình liên hiệp HTX phi nông nghiệp theo ngành, nghề, cấp vùng, khu vực. Phát huy đặc thù của địa phương để phát triển các HTX phi nông nghiệp theo đúng quy định.

Ngoài ra, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, chất lượng cán bộ chuyên môn, thu hút người tài vào làm việc cho khu vực HTX phi nông nghiệp bằng việc có chế độ ưu đãi thỏa đáng.

Các HTX thành lập mới có hình thức tổ chức và phương thức hoạt động linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng ngành nghề, địa phương. Liên kết kinh tế giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp của các thành phần kinh tế cũng đã được triển khai thực hiện. HTX là đơn vị kinh tế mang tính xã hội rộng lớn, là chỗ dựa, con đường phát triển của thành viên, người lao động, có vai trò quan trọng ở nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế. Các HTX, THT, liên hiệp HTX phải tăng quy mô, phát triển ổn định, hiệu quả hoạt động cao, bền vững.

Biên Hòa