Phát triển bền vững: Thước đo giá trị của doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Khái niệm “Phát triển bền vững” (PTBV) xuất hiện trong phong trào bảo vệ môi trường từ những năm đầu của thập niên 70, thế kỷ XX. Năm 1987, trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên hợp quốc nêu rõ: “Phát triển bền vững” được định nghĩa “là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”.

Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Braxin) năm 1992 và Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về PTBV tổ chức ở Johannesburg (Nam Phi) năm 2002 đã xác định “phát triển bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa 3 mặt của sự phát triển gồm: Phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).

Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là: Sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống.

Chương trình nghị sự 2030 về PTBV bao gồm 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), với 169 chỉ tiêu nhằm chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng - bất công, và chống biến đổi khí hậu cho tới năm 2030 đã được thông qua ngày 25/9/2015. Chương trình nghị sự nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong việc thực hiện thành công SDGs, bên cạnh vai trò của chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Thành viên Ban chỉ đạo Chương trình đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2016 cho biết: “Điều này có nghĩa các doanh nghiệp được xem là một trong những yếu tố chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và đầu tư vào đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và báo cáo tới các nhà hoạch định chiến lược về cách thức hoạt động của mình đóng góp vào chương trình nghị sự về PTBV toàn cầu”.

Để thực hiện tốt điều này đòi hỏi sự phát triển bền vững từ phía doanh nghiệp. PTBV là bộ khung chính để doanh nghiệp xây dựng bộ máy hoạt động của mình, tối ưu quy trình sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng để từ đó không chỉ tạo ra các tác động tích cực đối với môi trường, góp phần phát triển cộng đồng mà còn tạo ra những giá trị bền vững cho chính doanh nghiệp đó”. Ông Vinh nhấn mạnh.

phat-trien-be-vung-thuoc-do-gia-tri-doanh-nghiep

Xét về mặt lâu dài, việc đầu tư cho PTBV sẽ là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Trong lộ trình hướng đến mục tiêu PTBV của mỗi quốc gia phải kể đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, lực lượng góp phần đáng kể tạo ra của cải, vật chất cho xã hội; nhưng cũng chính là tác nhân “để lại” những “dấu chân” ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam cho biết: “Một chiến lược PTBV toàn diện sẽ giúp doanh nghiệp sớm nhận diện rủi ro trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình để có kế hoạch điều chỉnh kịp thời, nâng cao hiệu suất hoạt động, xây dựng niềm tin đối với khách hàng và với tất cả các bên liên quan, qua đó nâng tầm giá trị doanh nghiệp”.

“Bộ chỉ số Bền vững doanh nghiệp (CSI) được xây dựng như là thước đo giá trị của doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí về phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội, như là một công cụ để ghi nhận các mục tiêu đo lường và quản lý các thay đổi nhằm làm cho hoạt động của doanh nghiệp được bền vững hơn”. Ông Hải cho biết thêm.

CSI bao gồm các tiêu chí phù hợp với bối cảnh chính trị, xã hội trong nước cũng như các thông lệ quốc tế. Những tác động tích cực cho nền kinh tế, cho môi trường và cộng đồng của một chiến lược PTBV, vì doanh nghiệp hiệu quả là điều rất cần được nhân rộ rộng, chung tay vì một Việt Nam tốt đẹp hơn.

CSI là một phương pháp thống kê, bao gồm các chỉ số đo lường các dấu hiệu của phát triển bền vững về các mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường (OECD).

Kết quả áp dụng thử CSI tại 20 doanh nghiệp cho thấy:

+ Quy mô thực hiện: 20 doanh nghiệp có quy mô, lĩnh vực hoạt động khác nhau trên địa bàn một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam

+ Loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp có vốn Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI.

+ Thời gian thực hiện11/2015 - 1/2016

NGÀNH NGHỀ SỐLƯỢNG DN
Thương mại- Tự động hóa 1
Mây tre đan,thủ công mỹ nghệ 1
Xây dựng công trình dân dụng 1
May mặc 8
Máy móc, thiết bị 2
Gốm sứ 1
Giày da 2
Dịch vụ - Tổ chức sự kiện 3
Vận tải 1
TỔNG SỐ DOANH NGHIỆP 20

Từ kết quả trên cho thấy:

+ Các doanh nghiệp sản xuất áp dụng khá dễ dàng vì có hiểu biết nhất định về TNXH và PTBV.

+ CSI được thiết kế chuyên nghiệp, nội dung báo quát, rõ ràng nên doanh nghiệp dễ dàng áp dụng .

+ Nâng cáo nhận thức của doanh nghiệp về PTBV, dễ dàng tự đánh giá ở mức độ nào đó và cần làm gì để hướng tới PTBV.

+ Khuyến khích sự khách quan, trung thực của doanh nghiệp khi áp dụng CSI.

* Đánh giá về khó khăn khi áp dụng thử CSI:

+ Các doanh nghiệp thương mại - dịch vụ khá lúng túng về PTBV, bao gồm cả khái niệm cũng như các tiêu chí liên quan.

+ Một số thông tin nhạy cảm doanh nghiệp ngại cung cấp.

+ Kết quả do lãnh đạo doanh nghiệp cung cấp chưa có cái nhìn đa chiều từ các bên liên quan tại doanh nghiệp.

* Phương pháp khắc phục trong qua trình triển khai chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp:

+ Chia các doanh nghiệp tham gia chương trình thành các nhóm nghành nghề kinh doanh khác nhau.

+ Giới thiệu sơ bộ về PTBV trong bộ chỉ số CSI và đảm bảo các thông tin doanh nghiệp, cung cấp được bảo mật và chỉ sử dụng với mục đích đánh giá, tôn vinh doanh nghiệp.

+ Sau khi chấm điểm theo hồ sơ của doanh nghiệp cung cấp sẽ tiến hành đánh giá tại cơ sở để có thông tin đa chiều và xác định những thông tin đã được cung cấp.

Bài và ảnh: Anh Đức (Văn phòng Đại diện phía Nam)