Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam

00:00 12/10/2020

Sáng ngày 12/10, trong khuôn khổ Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 2, UBND tỉnh Đăk Nông, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã phối hợp tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.  

Phát triển sản xuất cà phê theo chuỗi - đòi hỏi cấp thiết

Không chỉ khẳng định vị trí là một trong những doanh nghiệp (DN) cà phê xuất khẩu (XK) hàng đầu nước ta, Công ty Nestlé Việt Nam còn đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam bằng cách liên kết với nông dân triển khai dự án NESCAFÉ Plan trong suốt gần 8 năm qua.

phat trien ben vung nganh ca phe viet nam
Dự án NESCAFÉ Plan hỗ trợ nông dân trồng cà phê

Ông Phạm Phú Ngọc - Trưởng Bộ phận hỗ trợ nông nghiệp, Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng cà phê Việt Nam đang gặp phải những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài như chất lượng cà phê còn hạn chế do các nông hộ làm cà phê đa phần canh tác và thu hái theo phương pháp truyền thống, thiếu quy trình chuẩn cũng như áp dụng khoa học công nghệ vào các khâu chăm sóc. Diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng…

Trước thực trạng đó, từ năm 2011, dự án NESCAFÉ Plan đã liên tục đưa ra những giải pháp cũng như hoạt động cụ thể nhằm phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam. Trong 8 năm qua, Nestlé đã tập huấn và đào tạo kỹ thuật canh tác bền vững cho hớn 200.000 lượt nông dân; giúp 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C; phân phối trên 27 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân… Hoạt động này đã giúp tăng trên 30% thu nhập cho người nông dân; xây dựng cộng đồng trồng cà phê bền vững với 274 trưởng nhóm nông dân; cải tạo 34.000 diện tích cà phê tại Tây Nguyên thông qua hoạt động tái canh…

Đặc biệt, Nestlé còn cho ra mắt nhiều sản phẩm cà phê chế biến để đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Mới đây, bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thế giới, nhãn hàng này đã cho ra mắt sản phẩm viên nén cà phê từ hạt cà phê Robusta Việt Nam, bước đầu nhận được sự hưởng ứng lớn của người tiêu dùng.

Mô hình của Nestlé là một trong những mô hình sản xuất và phát triển cà phê bền vững thành công tiêu biểu của các DN XK cà phê thời gian qua. Các mô hình này ra đời có thể góp phần tăng kim ngạch XK, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển ngành cà phê Việt Nam bền vững.

phat trien ben vung nganh ca phe viet nam

Thống kê của Vicofa cho thấy, cà phê hiện là một trong những mặt hàng XK chủ lực của nhóm nông lâm thủy sản nước ta với kim ngạch XK chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch XK của nhóm này. Hiện nay, nước ta có 3 nhóm sản phẩm XK chính là cà phê nhân, cà phê rang xay (cà phê rang và cà phê bột), cà phê hòa tan (cà phê hòa tan nguyên chất và cà phê hòa tan phối trộn).

Tuy vậy, tình hình XK cà phê đang gặp phải không ít khó khăn khi kim ngạch liên tục sụt giảm. Trên thế giới, giá cà phê đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. XK cà phê của Việt Nam trong 10 tháng qua dù đã tăng 20% về lượng nhưng giá XK chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Thực trạng này đòi hỏi phải có nhiều hơn những mô hình liên kết bền vững giữa DN và người nông dân, không chỉ phục vụ đa dạng hóa tỷ lệ cà phê chế biến, giảm tỷ lệ xuất thô vì việc tăng tỷ lệ cà phê chế biến, giảm dần XK cà phê thô, giúp kim ngạch XK cà phê không bị kéo giảm dưới áp lực giảm giá cà phê thế giới.

Đa dạng hóa sản phẩm

Điểm đáng mừng là hiện nay, bước đầu đã có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng xuất khẩu cà phê nhân, tăng tỷ trọng XK cà phê hòa tan, cà phê rang xay. Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, trong vòng 4 năm qua, công suất chế biến cà phê hòa tan (bao gồm cả cà phê nguyên nhất và cà phê hỗn hợp) tăng từ 150.000 tấn/năm lên trên 180.000 tấn/năm, đạt định hướng quy hoạch đề ra từ năm 2014. Từ năm 2014, sản lượng cà phê hòa tan XK không ngừng tăng lên: vụ 2014/15 đạt 1,28 triệu bao, tăng 42% so với niên vụ 2013/2014; vụ 2015/2016 đạt 2 triệu bao, tăng khoảng 17% so với niên vụ 2014/2015; niên vụ 2016/2017 ước tăng thêm 100.000 bao, đạt mức 2,1 triệu bao. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, các nước ASEAN là những thị trường nhập khẩu lớn nhất cà phê hòa tan của Việt Nam.

Cà phê rang chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, nhưng từ vụ 2014/2015, sản lượng cà phê rang XK có xu hướng gia tăng. Niên vụ 2014/2015, sản lượng cà phê rang XK tăng từ 120.000 bao lên 457.000 bao, tăng 280% so với niên vụ 2013/2014; niên vụ 2015/2016 đạt mức 550.000 bao. Một số DN trong nước đã lựa chọn công nghệ tiên tiến để đầu tư chế biến sâu như Timexco, An Thái, Mê Trang… Các DN cũng đã đa dạng hóa sản phẩm như cà phê viên nén, cà phê túi lọc…

Hoạt động tái canh cây cà phê cũng đã và đang có nhiều tín hiệu tích cực. Bà Trương Hồng - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho hay, hiện nay, WASI đã nghiên cứu và cho ra đời một số sản phẩm giống cà phê có khả năng chống chịu hạn hán, sử dụng nước tiết kiệm, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Hiện nay, nông dân có nhu cầu tái canh cây cà phê được Công ty Nestlé Việt Nam hỗ trợ 1.500 đồng/cây giống cà phê.

Đồng thời, WASI cũng khuyến khích người nông dân đa dạng hóa sản phẩm trên vườn cà phê bằng cách trồng xen với các loại cây ăn quả có giá trị cao như bơ, sầu riêng, hồ tiêu nhằm tăng thu nhập trên một diện tích, giúp ngành cà phê sản xuất ổn định và bền vững.

Ông Vũ Hữu Đào - Thôn 2 xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông cho hay, từ khi thực hiện xen canh cây cà phê với quả bơ và sầu riêng, gia đình ông thu được thêm vài chục triệu tiền bán quả. Cây cà phê cũng phát triển tốt hơn, mang lại giá trị cao hơn. “Năm nay, doanh thu từ vườn cà phê của gia đình tôi tăng hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái” - ông Vũ Hữu Đào cho hay.

phat trien ben vung nganh ca phe viet nam

                                          Gian hàng Nescafe thu hút đông khách thăm quan

Về phía Bộ Công Thương, ông Bùi Xuân Lịch - Tổ trưởng Tổ công tác khu vực miền Trung - Tây Nguyên - Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Xác định cà phê là mặt hàng quan trọng, Bộ Công Thương đã xếp cà phê vào một trong những mặt hàng ưu tiên hỗ trợ trong xúc tiến thương mại. Hàng năm, Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến Thương mại hỗ trợ tổ chức các sự kiện xúc tiến, tuyên truyền quảng bá như Lễ hội Cà phê Buôn Mê Thuột, Ngày Cà phê Việt Nam… Riêng với hoạt động XK ra nước ngoài, Cục Xúc tiến thương mại đã đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá sản phẩm tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu… đưa mặt hàng cà phê ra nước ngoài với tư cách một trong những mặt hàng XK chủ lực. Nhờ đó, những năm qua, cà phê đã trở thành một trong những mặt hàng XK có kim ngạch duy trì tăng trưởng.

“Ngay tại sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam lần 2 được tổ chức tại Đăk Nông trong 2 ngày 10 và 11/12, sẽ có sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng được tổ chức. Theo đó, nhiều doanh nghiệp XK cà phê lớn trên thế giới tham dự hội nghị, tìm hiểu và ký kết các hợp đồng giao thương. Hy vọng, sau sự kiện, sẽ có nhiều hoạt động hợp tác mới được triển khai, thúc đẩy XK cà phê bền vững thời gian tới” - ông Bùi Xuân Lịch cho hay.

Phương Lan