Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Có nhất thiết phải chờ công ty xếp hạng tín nhiệm?

00:00 12/10/2020

Các công ty xếp hạng tín nhiệm giúp thị trường trở nên minh bạch hơn nhưng không vì vậy mà lạm dụng, trông chờ hết vào các công ty xếp hạng tín nhiệm để giải quyết hết vấn đề.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận sự phát triển bùng nổ trong năm 2018 và nửa đầu năm nay. Hơn 89.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2018, qua đó nâng quy mô kênh trái phiếu doanh nghiệp lên tương đương hơn 10% GDP. Thị trường đang lớn nhanh nhưng "hạ tầng" cho phát hành trái phiếu chưa kịp nới rộng theo. Khung pháp lý đang ngày càng hoàn thiện với sự ra đời Nghị định 163/2018 và Luật chứng khoán sửa đổi phân định giữa phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng. Dù vậy, thị trường vẫn thiếu vắng các công ty xếp hạng tín nhiệm, một mắt xích quan trọng trong việc phân loại rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu trên thị trường.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam – VBMA, đã có những chia sẻ với Trí thức trẻ liên quan đến câu chuyện phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp chào bán thành công trái phiếu với lãi suất cao. Ở góc nhìn của Hiệp hội Trái phiếu, theo ông các loại trái phiếu có lợi tức cao như trên có quá rủi ro?

Theo tôi hình dung thì nghề kinh doanh trên thị trường tài chính thực chất là kinhdoanh mua đi bán lại rủi ro, được cấu trúc qua các sản phẩm tài chính. Rủi ro này bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành, rủi ro pháp lý …và có thể xuất phát từ chủ thể giao dịch, cấu trúc sản phẩm, phương thức giao dịch, thanh toán hay tính thanh khoản của sản phẩm... Vì vậy, mỗi sản phẩm tài chính được đưa ra thị trường sẽ có mức độ rủi ro khác nhau và sẽ có phân khúc nhà đầu tư khác nhau với khẩu vị rủi ro phù hợp. Tùy vào giai đoạn, trình độ phát triển của thị trường và nền kinh tế, sự quan tâm đối với mỗi sản phẩm tài chính sẽ nhiều ít khác nhau. Do đó, việc đưa ra lời khuyên chung cho các nhà đầu tư là không phù hợp.

Theo quan điểm của tôi, một thị trường tài chính tốt là nơi có khung pháp lý để hướng đến sự chuẩn mực và minh bạch đi liền với cơ sở hạ tầng giao dịch hiệu quả, còn lại để thị trường tự giao dịch với nhau. Các bên mua và bên bán tùy theo trình độ hiểu biết và khẩu vị rủi ro sẽ tự cấu trúc các sản phẩm phù hợp trong khuôn khổ pháp lý đấy.

Ở các thị trường quốc tế, ngoài các công ty được xếp hạng tín nhiệm trên BBB (mức có thể đầu tư), các công ty có tín nhiệm thấp hơn cũng có thể phát hành trái phiếu (junk bond) dù mức rủi ro cao, thậm chí rất cao. Những trái phiếu có mức độ tín nhiệm thấp này cũng có một phân khúc các nhà đầu tư có hiểubiết và chủ động chấp nhận mức độ rủi ro đó, đánh đổi lại có thể nhận được lợi tức cao.

Điều quan trọng là tổ chức phát hành phải minh bạch, tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý nói chung và nghĩa vụ công bố thông tin nói riêng đầy đủ. Một công ty được xếp hạng tín nhiệm ở mức rất cao khi lập ra phương án kinh doanh để huy động vốn cũng không thể đảm bảo 100% dự án đó sẽ thành công. Tín nhiệm được xếp hạng dựa trên các dữ liệu ở thời điểm hiện tại. Còn tương lai thì không ai có thể đảm bảo.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Có nhất thiết phải chờ công ty xếp hạng tín nhiệm? - Ảnh 1.

Nguồn: báo cáo MBS

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Có nhất thiết phải chờ công ty xếp hạng tín nhiệm? - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 (nguồn: MBS)

Việt Nam hiện nay chưa có một công ty xếp hạng tín nhiệm nào hoạt động, theo ông, thị trường trái phiếu có nhất thiết phụ thuộc vào công ty định mức tín nhiệm không?

Cá nhân tôi coi các công ty xếp hạng tín nhiệm như một phần cơ sở hạ tầng của thị trường tài chính. Cơ sở hạ tầng đa dạng, thuận tiện thì sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy sự vận hành của thị trường tốt lên, hiệu quả hơn. Nhìn từ kinh nghiệm các nước trong khu vực, các công ty xếp hạng tín nhiệm giúp thị trường trở nên minh bạch hơn nhưng cần lưu ý không được lạm dụng, trông chờ hết vào các công ty xếp hạng tín nhiệm để giải quyết hết vấn đề. Bởi họ có thể đưa ra một phương pháp luận và xếp hạng năng lực trả nợ theo phương pháp của riêng họ nhưng phương pháp đấy cần kiểm nghiệm từ thực tế hoạt động thị trường.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì điều này đã từng xảy ra với các sản phẩm tài chính phái sinh trong cuộc khủng hoảng thị trường tài chính toàn cầu 2008-2010, nhiều chuyên gia trên thị trường khi đó đã cho rằng các hãng xếp hạng tín nhiệm ở thời điểm đó khi thực hiện xếp hạng tín nhiệm các sản phẩm này đã không hiểu hết cấu trúc rủi ro của sản phẩm hoặc có thể hiểu nhưng quy trình theo dõi, đánh giá, xử lý cập nhật điều chỉnh xếp hạng lại chậm trễ so với biến động thị trường.

Khi khủng hoảng nợ nổ ra tại Hy Lạp, các công ty xếp hng tín nhiệm còn chưa kịp thay đổi mức đánh giá tín nhiệm thì thị trường đã bán tháo trái phiếu Chính phủ quốc gia này đẩy lãi suất vọt lên, trong khi các công cụ nợ của một số quốc gia Châu Á, Asean cùng thời điểm (mặc dù xếp hạng tín nhiệm thấp hơn) lại thu hút nhà đầu tư mua vào với mức lãi suất thấp hơn. Hay một dẫn chứng điển hình, lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam kỳ hạn 5 năm có thời điểm ở nửa đầu năm 2018 đã xuống thấp gần ngang với lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cùng kỳ hạn dù xếp hạng hai quốc gia chênh lệch nhau rất xa.

Nhìn vào bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2011, các hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín hàng đầu thế giới rõ ràng cũng không phải đơn vị nhận diện được hết được các loại rủi ro. Cuộc khủng hoảng đó đã khiến niềm tin vào các tổ chức định giá trung gian bị lung lay. Hiện nhiều tổ chức hay các nhà đầu tư sử dụng hệ thống tự đánh giá rủi ro nội bộ, tự dùng năng lực của mình để đánh giá và chỉ dùng kết quả xếp hạng tín nhiệm để tham khảo.

Nói vậy để thấy việc xếp hạng tín nhiệm là một cơ sở hạ tầng tạo ra tính minh bạch và là cơ sở mà nhiều nhà đầu tư có thể nhìn vào để thống nhất với nhau. Có xếp hạng sẽ tốt hơn nhưng điều này không có nghĩa cứ có xếp hạng cao là yên tâm, an toàn tuyệt đối.

Tại Việt Nam, hiện đã có một công ty xếp hạng tín nhiệm được cấp phép nhưng chưa cung cấp dịch vụ. Bộ Tài chính cũng đang khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này để ít nhất có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm. Ở các quốc gia khác, với các thương vụ quan trọng, nhà đầu tư chỉ xem xét khi doanh nghiệp phát hành và dự án đầu tư hay công cụ nợ phát hành phải có tối thiểu 2 xếp hạng tín nhiệm của 2 công ty xếp hạng tín nhiệm khác nhau vì phương pháp của mỗi công ty mang tính chủ quan của công ty đó. Bản thân phương pháp xếp hạng cũng phải được điều chỉnh theo thời gian, thực tiễn hoạt động xã hội để đo lường được chính xác mức độ rủi ro, không phải cứ đưa ra một phương pháp rồi chạy mãi.

Một công ty xếp hạng tín nhiệm thực ra phải rất giỏi, bám sát sự thay đổi của nền kinh tế. Họ công bố minh bạch phương pháp đánh giá cũng như thường xuyên điều chỉnh phương pháp luận. Điều mà công ty xếp hạng tín nhiệm kinh doanh là trí tuệ, chất xám, kinh nghiệm, kỹ năng và hiểu biết của họ. Họ phải cạnh tranh, hoàn thiện liên tục và chứng minh theo thời gian. Nếu sau vài năm hoạt động thực tế, tỷ lệ xếp hạng không đúng cao, công ty đó có thể sẽ không giữ được uy tín, thậm chí các tổ chức phát hành, nhà đầu tư không bao giờ sử dụng dịch vụ từ công ty đấy vì sự xác tín của họ có thể làm xấu đi bản chào tài sản của tổ chức phát hành.

Vậy theo ông cần làm gì để thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu hiện nay?

Theo hiểu biết của tôi thì thị trường tài chính, như mọi lĩnh vực khác, không tự nhiên phát triển mà cần có sự đầu tư về cơ chế, chính sách, con người. Ví dụ như một cơ chế để thu hút nhà đầu tư là giảm thuế cho một sản phẩm ở một thời điểm, qua đó kích thích sự tham gia của nhà đầu tư vào thị trường đó. Người làm chính sách với tùy mục tiêu, chiến lược phát triển sẽ phải lựa chọn và chấp nhận rủi ro khi xây dựng khung chính sách. Không có một khung chính sách nào là hoàn hảo, quan trọng là phù hợp với mục tiêu đặt ra.

Có những rủi ro xuất phát từ việc tổ chức phát hành, tư vấn phát hành đưa thông tin sai lệch, không đầy đủ hay chỉ nói về các mặt tích cực. Khi đó, khung pháp lý phải ngăn chặn, phát hiện, xử lý và có hình thức xử phạt. Còn lại, không có sản phẩm nào không có rủi ro kể cả trái phiếu Chính phủ, không có gì là tuyệt đối an toàn.

Điều cần làm ở đây là đào tạo, nâng cao hiểu biết của tất cả các bên tham gia, chuẩn hóa hệ thống, cho thị trường định giá trên cơ chế hoàn toàn thị trường, dựa trên nền tảng thông tin minh bạch, rõ ràng với quy chuẩn về đạo đức hành nghề, hệ thống kiểm tra giám sát hiệu quả và chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh để ngăn hành vi lợi dụng, lừa đảo giữa các bên trên thị trường. Nhà đầu tư cần tự nhận biết khẩu vị rủi ro của mình và tìm trên thị trường các sản phẩm, kênh đầu tư phù hợp khẩu vị rủi ro cũng như hiểu rõ về sản phẩm, cách quản trị rủi ro…

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Có nhất thiết phải chờ công ty xếp hạng tín nhiệm? - Ảnh 3.
 

Xin cảm ơn ông.

 

Tâm An - Án An