Ông Vũ Tiến Lộc: Hà Nội luôn hấp dẫn các nhà đầu tư

00:00 12/10/2020

Đây là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác đầu tư và Phát triển” tổ chức sáng 4/6.
“Gần đây, môi trường kinh doanh của Hà Nội có nhiều điểm điểm sáng"
Điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI tiến hành qua nhiều năm đã cho thấy Hà Nội luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh thành phố mà các doanh nghiệp dân doanh cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lựa chọn đầu tư và tiến hành sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Riêng trong điều tra PCI 2015, Hà Nội nằm ở vị trí thứ 3 được quan tâm nhất của các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Có được kết quả này là nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Điều tra doanh nghiệp của VCCI đã ghi nhận những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về sự cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của thành phố. Chỉ số PCI của Hà Nội đã có sự gia tăng đáng kể từ năm 2012 (53,4 điểm, thứ hạng 51/63) đến 2015 (59 điểm, thứ hạng 24/63.
 ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam
Theo cảm nhận của các doanh nghiệp, môi trường kinh doanh của Hà Nội trong những năm gần đây có nhiều điểm điểm sáng. Các doanh nghiệp cũng đánh giá cao chất lượng lao động, và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp tại Hà Nội cũng có những cải thiện nhất định, cùng với nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đang tạo nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn vào thứ hạng PCI hiện nay của Hà Nội có thể thấy các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng  chính quyền Thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách và cần có đột phá mới trong việc cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, giảm thiểu chi phí không chính thức, minh bạch và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai và bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp…
Hiến kế giúp Hà Nội cải thiện môi trường đầu tư
Từ kết quả điều tra doanh nghiệp do VCCI tiến hành qua nhiều năm, Chủ tịch VCCI kiến nghị Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực trọng điểm mà doanh nghiệp hiện nay còn gặp nhiều phiền hà nhất. Cụ thể đó là các lĩnh vực: Thuế (45%), bảo hiểm xã hội (42%), và đất đai (36%). Riêng với lĩnh vực đất đai, trong số 19% doanh nghiệp có thực hiện TTHC đất đai trong 2 năm gần nhất, có tới 49% cho biết gặp khó khăn trong thực hiện TTHC này.
“Khó khăn chính hiện nay là thời gian giải quyết không đúng thời hạn văn bản quy định hoặc niêm yết là ý kiế của 51% doanh nghiệp, có chi trả chi phí không chính thức (44%) và cán bộ hướng dẫn không đầy đủ, chi tiết (38%)” – ông Lộc nhấn mạnh.
Đối với doanh nghiệp muốn mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, khó khăn lớn nhất vẫn là lo ngại thủ tục hành chính phức tạp (46%), giải phóng mặt bằng chậm (22%) và quy hoạch đất đai chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (21%).
Tiến hành công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp nhằm giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp. Điều tra của VCCI năm 2015 cho thấy có 29% doanh nghiệp cho biết nội dung thanh kiểm tra trùng lặp (đặc biệt quy mô doanh nghiệp càng lớn thì tỷ lệ cho biết bị thanh kiểm tra doanh nghiệp càng cao: Nếu như chỉ có 27% doanh nghiệp nhỏ cho biết bị thành kiểm tra trùng lặp, thì với doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn, con số này lần lượt là 50% và 57%. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp (47%) và nông lâm thủy sản (33%) hiện có tỷ lệ cho biết bị thanh kiểm tra trùng lặp cao nhất.
Bên cạnh đó là vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Ông Lộc cho biết, hiện mới chỉ có 47% doanh nghiệp đánh giá “Cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả”, 36% doanh nghiệp cho biết “Cán bộ nhà nước thân thiện” và 28% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Cán bộ tại  bộ phận “Một cửa” am hiểu về chuyên môn”.
Vấn đề ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC cũng được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Điều tra PCI trong năm gần nhất cho thấy chỉ có 24% doanh nghiệp đánh giá việc ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa là tốt (46/63). Điều tra PCI trên cả nước cho thấy việc ứng dụng CNTT tốt sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, giảm cơ hội nảy sinh tiêu cực, tăng niềm tin cho doanh nghiệp vào môi trường pháp lý cũng như góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền tích cực hơn.
Thành phố cũng cần tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các doanh nghiệp.Theo kết quả Điều tra PCI 2015, có tới 37% doanh nghiệp phải dành trên 10% quỹ thời gian cho việc tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của nhà nước. Tỷ lệ DN phải dành trên 10% quỹ thời gian cho việc tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật này cao nhất ở các doanh nghiệp nhỏ (40%) và doanh nghiệp vừa (18%), đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (50%).
Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần tăng cường thông tin về hội nhập đối với các doanh nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại gần đây như Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc... Tuy nhiên, theo điều tra của VCCI, tỷ lệ các doanh nghiệp của Hà Nội biết sâu về các hiệp định này là rất thấp (TPP: 5%; EV-FTA:2% FTA Việt Nam-Hàn Quốc: 2%). Thậm chí, cũng chỉ có 5% doanh nghiệp Hà Nội cho biết nắm kỹ thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN.  Các doanh nghiệp của thành phố cần nắm bắt thông tin để có thể chuẩn bị tốt hơn cho việc tận dụng cơ hội, cũng như giảm thiểu thách thức từ những hiệp định quan trọng này.
Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV): Hướng hỗ trợ cần tạo thuận lợi hơn cho các DNNVV trong thành lập doanh nghiệp, tiếp cận đất đai dễ dàng, và tăng cường cung cấp thông tin chính sách, pháp luật tới doanh nghiệp.
Thành phố cần khơi thông việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, nhất là các DNNVV. Theo điều tra chung của VCCI thì chỉ có khoảng 37% doanh nghiệp Hà Nội có tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, thấp đáng kể so với mức bình quân chung cả nước (tỷ lệ chung cả nước là khoảng 53%).
Cuối cùng song không kém phần quan trọng là Hà Nội cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác tham vấn doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh trong việc xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan tới doanh nghiệp.
Điều tra PCI cho thấy, những doanh nghiệp nào từng tham gia góp ý kiến đối với chính quyền, thì cũng là những doanh nghiệp đánh giá về chất lượng điều hành của địa phương tốt hơn. Tương tự, nếu những doanh nghiệp được cơ quan nhà nước phản hồi ý kiến, và thậm chí là ý kiến của họ được sử dụng thì những doanh nghiệp này cũng đánh giá về chính quyền tích cực hơn. Do vậy, trong quá trình xây dựng chính sách, quy định của thành phố cũng như việc rà soát sửa đổi quy trình giải quyết TTHC… Thành phố cần tiếp tục tham khảo rộng rãi ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để có thể có những giải pháp phù hợp và khả thi trong thời gian tới.
“VCCI sẵn sàng đồng hành và tham gia cùng Hà Nội nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Thủ đô trong thời gian tới” – ông Vũ Tiến Lộc cam kết.
Thu Trang/Kinhtedothi.vn