Ô nhiễm hồ Ngọc Khánh: Hút cạn nước, phơi đáy hồ liệu có phải giải pháp cuối cùng?

00:00 12/10/2020

Mặc dù sau nhiều giải pháp nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại Hồ Ngọc Khánh. Vài ngày trở lại đây hiện tượng tảo chết lại xuất hiện dày đặc, hồ lại trở về nguyên hiện trạng ô nhiễm.

Hồ Ngọc Khánh lại trở về nguyên hiện trạng ô nhiễm. Ảnh chụp ngày 19/5
Hồ Ngọc Khánh lại trở về nguyên hiện trạng ô nhiễm. Ảnh chụp ngày 19/5

Như Congluan.vn đã phản ánh, hiện tượng ô nhiễm tại hồ Ngọc Khánh càng trở nên nghiêm trọng sau khi được chi gần 20 tỷ đồng để cải tạo. Dự án được khởi công từ tháng 6/2015 và hoàn thành vào tháng 2 năm 2016. Sau khi thi công xong toàn bộ hệ thống nước thải sinh hoạt của người dân sẽ được tách không cho chảy vào hồ, hiện công trình đang trong quá trình kiểm đếm để bàn giao. Nhưng đến khoảng đầu tháng 3/2016, hồ bỗng nhiên xuất hiện một lớp tảo dày đặc, đến khoảng đầu tháng 5/2016 thì tình trạng ô nhiễm trở nên vô cùng nghiêm trọng

Theo Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thoát nước Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về tình trạng ô nhiễm của hồ Ngọc Khánh, ngay trong đêm 2/5, đơn vị đã phối hợp các đơn vị liên quan tìm hiểu và xử lý. Từ ngày 4 – 9/5 hồ đã được hút bớt nước để tìm hiểu nguyên nhân và xử lý ô nhiễm. Từ đó đến nay hàng ngày đều có công nhân duy trì thường xuyên vớt, xử lý rác và tảo chết. Sau đó hiện tượng ô nhiễm tại hồ có thuyên giảm đáng kể.

Nhưng theo phản ánh của người dân, đến khoảng ngày 18/5, hiện tượng tảo chết tại hồ lại xuất hiện dày đặc, kèm theo đó vẫn là mùi hôi thối bốc lên. Hàng nghìn người dân nơi đây không khỏi lo lắng khi môi trường mới thoát khỏi ô nhiễm chưa lâu thì lại tái xuất hiện tượng này.

 Tảo chết lại xuất hiện dày đặc ven bờ, kèm theo đó là mùi hôi thối khiến người dân nơi đang vô cùng hoang mang về cách xử lý chưa triệt để của các đơn vị liên quan
Tảo chết lại xuất hiện dày đặc ven bờ, kèm theo đó là mùi hôi thối khiến người dân nơi đang vô cùng hoang mang về cách xử lý chưa triệt để của các đơn vị liên quan

Chiều ngày 18/5, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, lãnh đạo UBND phường Ngọc Khánh, BQL Dự án cấp Thoát nước Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), Xí nghiệp thoát nước số 4 và các đại diện đơn vị, tổ dân phố… tổ chức cuộc họp với sự chủ trì của ông Nguyễn Minh Tú – Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh. Nội dung cuộc họp bàn về cách giải quyết triệt để ô nhiễm đang diễn ra trên hồ Ngọc Khánh.

Trong cuộc họp, ông Thành (trú tại số 535/2 đường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) đã đại diện cho hơn 2.000 người dân sống xung quanh hồ Ngọc Khánh cho biết, tình trạng ô nhiễm sau cải tạo hồ Ngọc Khánh đã ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống sinh hoạt của họ. Tuy nhiên, sau nhiều ngày huy động lực lượng xử lý ô nhiễm, nhưng tới nay (18/5 – PV) tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân được chúng tôi xác định là do hồ Ngọc Khánh sau khi cải tạo lại cho nước thải chảy vào dẫn tới tình trạng tảo mọc. Cùng với thời tiết nắng nóng, tảo chết và nổi lên mặt nước gây ra tình trạng ô nhiễm. Chúng tôi mong cơ quan chức năng giúp cho người dân không phải ngửi mùi hôi thối nữa”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Minh Tú – Chỉ tịch UBND phường Ngọc Khánh khẳng định: UBND phường Ngọc Khánh quyết không nhận bàn giao công trình hồ Ngọc Khánh khi BQL Dự án chưa xử lý dứt điểm sự việc ô nhiễm nghiêm trọng này
Ông Nguyễn Minh Tú – Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh khẳng định: UBND phường Ngọc Khánh quyết không nhận bàn giao công trình hồ Ngọc Khánh khi BQL Dự án chưa xử lý dứt điểm việc ô nhiễm nghiêm trọng này

Đồng thời, ông Nguyễn Minh Tú – Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh cũng đồng ý với cách giải quyết mà ông Thành đã nêu: Tôi yêu cầu BQL Dự án làm cam kết bơm cạn nước trong hồ Ngọc Khánh trong vòng 48 tiếng để phơi đáy hồ và đợi mưa lấy nước sạch. Thêm nữa, BQL Dự án cần kiểm tra các ống cống trước số nhà 46, 56 mà dân phản ánh đang có hiện tượng lấp đất, tránh tình trạng nước thải chảy vào hồ”.

Ngoài ra, ông Tú cũng khẳng định: UBND phường Ngọc Khánh quyết không nhận bàn giao công trình hồ Ngọc Khánh khi BQL Dự án chưa xử lý dứt điểm việc ô nhiễm nghiêm trọng này.

Nước tràn vào hồ qua lớp đất dày được công nhăn lấp nhằm ngăn không cho nước chảy vào hồ
Nước tràn vào hồ qua lớp đất dày được công nhăn lấp nhằm ngăn không cho nước chảy vào hồ

Theo ghi nhận của PV vào chiều ngày 19/5, các ống cống trước số nhà 46 và 56 phố Phạm Huy Thông vẫn có hiện tượng nước chảy vào hồ. Theo phản ánh của người dân, vài ngày trước có công nhân mang đất đến đắp vào các miệng cống ngăn không cho nước chảy vào hồ. Thế nhưng nước vẫn tràn qua miệng cống, mặc dù đã được đắp đất khá chắc chắn. Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều mạch nước chảy từ các kẽ hở của bờ kè vào hồ.

Bên cạnh hiện tượng nước tràn qua các miệng cống, nước liên tục chảy ra từ các khe hở tại bờ kè vào hồ
Bên cạnh hiện tượng nước tràn qua các miệng cống, nước liên tục chảy ra từ các khe hở tại bờ kè vào hồ

GS.TS Nguyễn Thế Mịch, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng là một người dân sinh sống ven hồ Ngọc Khánh đã phân tích về nguyên nhân dẫn đến thảm họa môi trường và giải pháp khắc phục tại hồ Ngọc Khánh. Ông Mịch cho rằng thủ phạm chính gây ra hiện tượng ô nghiêm trọng tại hồ Ngọc Khánh sau khi cải tạo là do nước thải sinh hoạt đã bị chảy ngược từ mương lớn trước Đài Truyền hình Việt Nam vào hồ (nước thải sinh hoạt của nhiều khu dân cư đã được gom vào mương lớn này).

Nguyên nhân thứ hai là đoạn đường ống mới thi công dọc theo bờ hồ Ngọc Khánh được lắp đặt nhằm khắc phục một đường cống cũ có hiện tượng chảy nước sinh hoạt vào hồ (ở trước nhà số 32 phố Phạm Huy Thông ). Sau khi đường ống đưa vào sử dụng sẽ triệt tiêu toàn bộ nước sinh hoạt không chảy xuống . Thế nhưng kết quả là tại các cống dọc theo tuyến ống mới thi công vẫn có nước thải sinh hoạt chảy xuống hồ.

Hàng nghìn người dân nơi đây luôn mong muốn được sống trong một môi trường trong lành
Hàng nghìn người dân nơi đây luôn mong muốn được sống trong một môi trường trong lành

Ông Mịch cũng đồng thuận với quan điểm phải hút cạn nước hồ để triệt tiêu nguyên nhân chính gây ô nhiễm, vớt sạch váng các chất gây ô nhiễm nổi trên mặt nước Hồ, phơi nắng đáy hồ để giải quyết nguyên nhân gây ô nhiễm hiện nay. Đồng thời  kiểm tra lại toàn bộ các hố ga (là điểm giao nhau giữa tuyến cống mới xây dựng dọc theo bờ Hồ với các đường cống chạy vuông góc với phố Phạm Huy Thông) xem do sai ở thiết kế hay sai ở thi công mà phần lớn các cống ở đoạn này đều có hiện tượng nước sinh hoạt chảy xuống hồ, mặc dù trời không mưa. Đặc biệt là ở vị trí cống trước số nhà 56. Đồng thời cũng cần rà soát lại tất cả các hạng mục thi công của dự án để đảm bảo  hồ Ngọc Khánh được hoạt động đúng mục đích như Dự án đã đặt ra và trả lại môi trường trong sạch cho hồ Ngọc Khánh.

Quốc Huy/congluan.vn