Nút gỡ cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam​-​Nhật Bản

00:00 12/10/2020

Hiện nay hợp tác Việt – Nhật trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đa phần dừng lại ở việc các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện gia công sản phẩm...

Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973, quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản qua gần 50 năm đã có sự phát triển toàn diện và mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị, Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. Nhật Bản cùng là đối tác thương mại, đối tác đầu tư hàng đầu, là nhà viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Ngoài ra, trong các lĩnh vực khác như an ninh, văn hóa, xã hội… cũng ngày càng được củng cố và mở rộng.

Tổng quan hợp tác thương mại Việt - Nhật

Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Năm 2019, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc), là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc), là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc) của Việt Nam.

Kim ngạch xuất nhập khẩu song phương trong 10 năm trở lại đây có sự tăng trưởng khá ổn định. Nhìn chung cán cân thương mại Việt – Nhật trong 10 năm qua tương đối cân bằng, với sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu hàng năm ở mức không quá lớn. Về đầu tư, năm 2019 Nhật Bản xếp thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các chuyên gia Nhật Bản còn đánh giá Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào. Ngược lại, Nhật Bản có khoa học kỹ thuật hiện đại, là thị trường đông dân nhiều tiềm năng với khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Hai điều này sẽ bổ trợ nhau, giúp hai bên tận dụng triệt để những lợi thế của nhau trong quá trình hợp tác phát triển.

Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản

Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh cho rằng, mặc dù thương mại song phương tích cực, song nếu nhìn từ cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu mang tính bổ trợ (Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản nguyên, nhiên liệu thô; và nhập khẩu từ Nhật Bản máy móc thiết bị phục vụ đầu tư, sản xuất) thì Việt Nam hiện có nhu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ trong khi Nhật Bản mong muốn tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Đây là cơ hội lớn cho hai bên hợp tác.

Thực trạng hợp tác công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản

Hiện nay hợp tác Việt – Nhật trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đa phần dừng lại ở việc các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện gia công sản phẩm theo yêu cầu của đối tác Nhật Bản. Các sản phẩm gia công không đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật phức tạp, đối tác Nhật Bản thuê doanh nghiệp Việt Nam gia công sản phẩm để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và có tay nghề của Việt Nam. Do vậy, giá trị gia tăng của doanh nghiệp Việt Nam tạo ra không được lớn như kỳ vọng.

Hạn chế ở đây là mặc dù giá nhân công tại Việt Nam có tính cạnh tranh, lực lượng dồi dào và có trình độ tay nghề kỹ thuật cao, nhưng phần lớn các doanh nghiệp CNHT Việt Nam có quy mô nhỏ, với thiết bị máy móc và công nghệ lạc hậu. Chính vì thế, chất lượng sản phẩm gia công so với yêu cầu đối tác đặt ra chênh lệch rất lớn. Liên kết ngành rời rạc, thiếu quy hoạch tổng thể. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý chưa thực sự thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Từ những hạn chế đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung, cũng như hợp tác CNHT với Nhật Bản nói riêng. Các cam kết của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), hay các nội dung trong Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt – Nhật cũng như Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản là cầu nối quan trọng, mở ra những cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp hai nước.

Trong 6 ngành ưu tiên của Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt – Nhật  bao gồm Điện tử; Máy nông nghiệp; Chế biến nông, thủy sản; Đóng tàu; Môi trường và tiết kiệm năng lượng; Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, thì có 3 ngành: Điện tử; Máy nông nghiệp; Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô là liên quan đến CNHT.

Tại cuộc họp giữa kỳ Sáng kiến chung Việt– Nhật giai đoạn 7 vào đầu năm 2019, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí triển khai nhiều nội dung nhằm phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, bao gồm hỗ trợ đầu tư thiết bị đồ gá, khuôn đúc...; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý kinh doanh; thu hút đầu tư, xúc tiến phát triển thị trường nhằm tăng doanh số và giảm chi phí sản xuất...

Làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Hiện nay xuất hiện thêm làn sóng mới khi nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam và các nước ASEAN, giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (do các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung...).

Hiện nay, tại Nhật Bản, tình trạng doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu người kế nghiệp. Tuy qui mô nhỏ, nhưng nắm giữ nhiều bí quyết công nghệ độc quyền, lâu năm, có trình độ sản xuất cao, tham gia rất sâu vào chuỗi sản xuất các ngành công nghệ cao. Đây là yếu tố thuận lợi để cho các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt, chuyển giao công nghệ.

Ngành CNHT của Việt Nam còn yếu, lệ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hợp tác CNHT Việt Nam – Nhật Bản chưa tương xứng với tiềm năng đang có. Do đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần phải đầu tư thêm chi phí cho mảng nghiên cứu và phát triển, đầu tư trang thiết bị hiện đại, để có thể gia tăng hàm lượng kỹ thuật, hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm của mình.

Khi đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng gia công và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao hơn, để từ đó có thể trở thành đối tác liên doanh, liên kết bình đẳng với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hiện nay hợp tác Việt – Nhật trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đa phần dừng lại ở việc các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện gia công sản phẩm theo yêu cầu của đối tác Nhật Bản. (Ảnh minh họa/KT).

Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, để thâm nhập thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp của Việt Nam cần phải xây dựng, tạo lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản. Trong quá trình đàm phán, trao đổi, đối tác Nhật thường đưa ra các yêu cầu, đề nghị; ví dụ, yêu cầu thay đổi mẫu mã hoặc kích thước sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu của người Nhật.Kinh nghiệm để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Nhật Bản

Bởi vì hiểu rõ về thị trường nên các đối tác Nhật mới đưa ra yêu cầu thay đổi cho phù hợp như vậy. Một khi họ đưa ra những yêu cầu, những điều tư vấn góp ý cho bạn để làm cho bản chào hàng của bạn được tốt hơn thì có nghĩa là người ta đang tạo cho bạn con đường đến với thị trường Nhật và bạn nên tích cực đáp ứng những yêu cầu đó.

Nếu những đòi hỏi phía đối tác đưa ra quá khắt khe, bạn nên trao đổi cụ thể, đầy đủ với phía Nhật Bản và cùng với họ xác định rõ mức độ thay đổi mà bạn có thể đáp ứng được.

Nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản ngày nay đã có sự thay đổi từ nhập số lượng lớn sang nhập nhiều chủng loại hàng với số lượng nhỏ hơn để đáp ứng sở thích cá nhân. Bên cạnh đó, người Nhật cũng quan tâm đến mức giá. Do vậy để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp, điều quan trọng là phải tăng năng suất, hiệu suất và cần phải có hệ thống sản xuất giá thành thấp.

Hiểu biết thấu đáo về văn hóa, tập quán kinh doanh của Nhật Bản là vô cùng quan trọng. Cách trao danh thiếp, mang theo catalogue công ty, đúng giờ hẹn...là những yếu tố không thể thiếu để tạo lòng tin từ lần gặp gỡ đầu tiên. Ngoài ra, có những trường hợp đối tác Nhật Bản có thể yêu cầu gửi hàng mẫu nhiều lần rồi mới xem xét hợp tác. Khi đã có quan hệ hợp tác với đối tác Nhật Bản thì doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng để duy trì mối quan hệ đó một cách lâu dài.

Tích cực tham gia các Hội chợ triển lãm quốc tế giới thiệu hàng hóa sản phẩm của mình với các khách hàng Nhật Bản. Trong thời buổi cạnh tranh cao, việc chủ động tìm đến với thị trường và tiếp xúc bạn hàng, người tiêu dùng sẽ mang lại cơ hội kinh doanh và thành công cho doanh nghiệp. Các hội chợ triển lãm về công nghiệp hỗ trợ cũng thường xuyên diễn ra tại Nhật Bản, không chỉ riêng ở Tokyo mà còn ở nhiều thành phố lớn của Nhật.

Khai thác triệt để các ưu đãi trong cam kết của các Hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên như Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Tận dụng các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Nhật Bản (Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Á – Châu Phi, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, JETRO, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Tokyo, Trung tâm ASEAN – Nhật Bản, các Hiệp hội ngành hàng…).

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sang Nhật Bản để dự triển lãm hay giao thương trực tiếp, các doanh nghiệp cần chú ý theo dõi thông tin và thu xếp tham gia các buổi hội thảo – giao thương trực tuyến như buổi ngày hôm nay để tìm kiếm đối tác.

Cùng với tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang từng bước phát triển và có vai trò ngày càng quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản, đã thiết lập cơ sở sản xuất, nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam, tận dụng được các lợi thế chi phí và các cơ hội phối hợp với doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tạo ra lợi ích về doanh thu cho cả hai bên./.