Novaland đối mặt với nỗi lo dòng tiền và gánh nặng về nợ vay

00:00 12/10/2020

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) – một trong những "ông lớn" trong ngành bất động sản cũng có ngày gửi đơn cầu cứu vì nhiều dự án bị “ách tắc”, qua đó mới thấy dòng tiền của doanh nghiệp đang gặp vấn đề dù lợi nhuận luôn tăng trưởng.

“Kiệt sức”, khoản nợ vay chất đống?

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của Novaland cho biết doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt hơn 954 tỷ đồng, giảm đến 80% so với cùng kỳ. Dù vậy, Công ty lại có khoản doanh thu tài chính tăng đột biến gấp 6 lần cùng kỳ.

Theo thuyết minh, Novaland ghi nhận hơn 795 tỷ trong 860 tỷ doanh thu tài chính từ việc thoái vốn từ công ty con. Cụ thể là khoản chênh lệch giữa tổng giá trị chuyển nhượng và giá trị ghi sổ của tài sản thuần nhờ bán CTCP Đầu tư Bất động sản Phong Điền.

Nhờ tiết giảm chi phí lãi vay cũng như chi phí bán hàng nên lãi ròng của Novaland đạt mức 322 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ. Dù vậy, cổ đông không kiểm soát phải nắm phần lỗ gần 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ con số này chỉ hơn 8 tỷ đồng.

Tại Novaland, trong nhiều quý gần đây, doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh liên tục suy yếu, trong khi đó lợi nhuận luôn tăng trưởng phần lớn nhờ vào ghi nhận lãi từ hoạt động khác (giao dịch mua tài sản với giá rẻ).  

Dễ hiểu, lãi từ giao dịch mua rẻ là việc Novaland mua lại một công ty với một mức giá, trong khi giá trị tài sản thuần của công ty được mua đó có định giá cao hơn giá mua. Phần chênh lệch giữa giá mua và giá trị tài sản thuần sẽ được hạch toán là lãi mua rẻ và được ghi vào khoản thu nhập khác. Đơn cử như khoản lãi ròng sau thuế quý 4/2019 tăng 24% cũng chủ yếu do ghi nhận khoản lãi giao dịch mua rẻ.

Cuối tháng 2, Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn đã bày tỏ thẳng thắn thực trạng của tập đoàn trong lá đơn cầu cứu khẩn cấp gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngay ngày đầu năm mới Canh Tý. Ông chấp nhận nói ra những chi tiết lẽ ra là cấm kỵ đối với một doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nằm top đầu, niêm yết chứng khoán ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế như Novaland: “Hiện Novaland đã kiệt sức”.

Nỗ lực xoay sở, tồn tại chờ chính quyền gỡ giải các nút thắt pháp lý đã đóng băng các dự án tại TP HCM suốt 2 năm qua. Nhưng các nỗ lực tự thân đã tới hạn, lúc này Novaland “cần Đảng và Nhà nước hỗ trợ”.

Cụ thể, ông Nhơn khẩn cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế Kỷ 21 (Công ty thành viên của Novaland do Novaland chuyển nhượng lại cổ phần) được tiếp tục phát triển Dự án Khu dân cư tại khu đất 30.224 ha tại Phường Bình Khánh, Quận 2, TP HCM. Dự án bị tạm dừng gần 2 năm, bất chấp đã đủ điều kiện bán hàng, khiến Novaland bị “chôn cứng” 6.000 tỷ đồng đã đầu tư.

Không chỉ “tắc” tại riêng dự án trên, loạt dự án bất động sản có liên quan đến đất công khác trong nội thành TP HCM của Novaland cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hệ quả là, hàng tồn kho của Novaland tính đến cuối quý 1/2020 đạt mức 57.197 tỷ đồng, gấp 1,83 lần so với cuối năm 2018, chiếm tới 64% tổng tài sản. Còn tại ngày 31/3, hàng tồn kho chỉ nhích nhẹ lên 58.550 tỷ đồng, chiếm 90% là bất động sản đang xây dựng (bao gồm giá trị quỹ đất đang phát triển).

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 59% ghi nhận 9.349 tỷ đồng chủ yếu đến từ hoạt động M&A gia tăng quỹ đất. Trong đó, phải thu ngắn hạn khác chiếm 5.981 tỷ đồng, tăng 86% do tăng khoản phải thu từ đặt cọc cho các giao dịch mua bán và sáp nhập sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

Đến cuối quý 1/2020, Novaland ghi nhận tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn xấp xỉ hồi đầu năm, đạt gần 35.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm 31%, tương đương 10.744 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm 69%, tương đương 23.854 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn của Novaland khá đa dạng đến từ các kênh vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, vay từ bên thứ ba, vay bên liên quan.

Tình hình tài chính, nguồn vốn và dòng tiền của Novaland trong giai đoạn 2016-2019.

Ước tính, hơn phân nửa dư nợ của Novaland đến từ các ngân hàng nước ngoài, đứng đầu là Credit Suisse AG gần 9.000 tỷ đồng, tiếp đến là The Bank of New York Mellon với 5.560 tỷ đồng và GPI3 Co., Ltd với 1.392 tỷ đồng. Trong đó, Credit Suisse là chủ nợ lớn nhất và cũng là nhà tài trợ tín dụng quen thuộc đối với Novaland từ trước khi Tập đoàn này thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Song song đó, Novaland có quan hệ tín dụng với cả chục ngân hàng lớn nhỏ trong nước. Trong đó, VPBank dẫn đầu với dư nợ 3.770 tỷ đồng, tiếp đến là nhóm MBBank và MBS với 3.010 tỷ đồng. Các ngân hàng như Sacombank hay VietinBank cũng có dư nợ tại Novaland lần lượt là 1.827 tỷ và 1.350 tỷ đồng.

Đáng chú ý, một số ngân hàng quy mô vừa cũng dành khoản tín dụng khá lớn cho Novaland như TPBank và PVCombank, với dư nợ được ghi nhận lần lượt là 1.700 tỷ và 1.800 tỷ đồng.

Dòng tiền đi ngược chiều lợi nhuận

Đối với một doanh nghiệp, dòng tiền kinh doanh là tiền thu vào hoặc chi ra từ hoạt động sản xuất chính. Nếu tiền thu vào nhỏ hơn tiền chi ra dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm, cho thấy doanh nghiệp gặp khó trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hoặc khó thu hồi tiền…

Về trung và dài hạn, dòng tiền kinh doanh âm có tác động tiêu cực đến tài chính doanh nghiệp, như ứ đọng vốn, vốn bị chiếm dụng tăng, chi phí sử dụng vốn tăng… Nếu kéo dài, doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh toán.

Tại Novaland, dòng tiền kinh doanh đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường khi lượng hàng tồn kho, các khoản phải thu, nợ phải trả ngắn hạn tăng mạnh, trong khi tiền và tương đương tiền đang có dấu hiệu suy giảm dù vẫn báo lãi.

Báo cáo tài chính quý 1 của Novaland ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty âm hơn 670 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dòng tiền dương gần 1.200 tỷ đồng, nguyên nhân là tăng các khoản phải thu và tồn kho. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm gần 2.600 tỷ đồng dẫn đến lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm 55% về còn gần 3.875 tỷ đồng.

Theo thống kê, trong giai đoạn từ 2014 - 2019, tổng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Novaland đạt mức dương 5.214 tỷ đồng. Tổng dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 31.590 tỷ đồng. Trong khi tổng dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 32.652 tỷ đồng.

Điều này cho thấy hoạt động đầu tư của Novaland phần lớn được tài trợ bằng hoạt động tài chính (tăng vốn và đi vay), dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đóng vai trò thứ yếu. Điều này phản ánh một sự mất cân bằng nhất định trong dòng tiền của doanh nghiệp.

Hồ Đông