Nông nghiệp “tiếp sức” cho nghề truyền thống

00:00 12/10/2020

Phú Túc là xã đầu tiên của huyện Phú Xuyên (Hà Nội) hoàn thành dồn điền đổi thửa thành công. Nhờ nghề nông, nhiều đoàn viên thanh niên của xã đã trở thành tỷ phú và là động lực để “giữ lửa” cho các ngành nghề truyền thống… Ngày 28/10, Phú Túc vinh dự tổ chức Lễ hội “Vinh danh làng nghề cỏ tế truyền thống”.

Giữ nghề truyền thống  Mặc dù rất bận rộn cho công tác chuẩn bị buổi lễ, song ông Bùi Hồng Luyến, Chủ tịch huyện Phú Túc vẫn cố gắng dành cho chúng tôi những chia sẻ đáng quý về mảnh đất vùng chiêm trũng mà giàu tình người.  Sản phẩm của làng nghề Phú Túc “Xã Phú Túc có nghề truyền thống Mây – Tre – Giang – Đan nhưng cũng là xã dẫn đầu việc tổ chức sản xuất 2 vụ lúa và một vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất và đạt năng suất cao của huyện. Thành công từ nông nghiệp đã thực sự tạo được khí thế mới cho người dân ở vùng chiêm trũng này” – ông Luyến cho biết. Phú Túc có vị trí địa lý quan trọng về an ninh - quốc phòng, thuận lợi về giao lưu phát triển kinh tế xã hội.  Là nơi trung tâm giao lưu văn hóa - kinh tế - xã hội giữa 3 huyện (Phú Xuyên - Ứng Hòa - Thanh Oai). Toàn xã có 8 thôn, từ năm 1999 đến năm 2000 cả 8 thôn đều được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận đạt danh hiệu làng nghề, trong đó có làng Lưu Thượng đạt danh hiệu làng nghề truyền thống. Trước kia Phú Túc là một xã thuần nông chuyên sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, tổng diện tích đất tự nhiên có 720,16 ha, trong đó diện tích đất canh tác trồng lúa nước là 560 ha, năng xuất lúa bình quân hàng năm đạt 12,8 tấn/ha. Năm 2016 ước thực hiện các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, phấn đầu tổng thu nhập cả năm đạt 312,2 tỷ đồng tăng 16,1% so với năm 2015. “Nông nghiệp là ngành có thu nhập ổn định và bền vững. Sở dĩ nghề truyền thống ở Phú Túc phát triển được, một phần nhờ vào sự hỗ trợ của nông nghiệp. Kết hợp giữa nông nghiệp với làng nghề truyền thống, nhiều đoàn viên thanh niên đã tỏa sáng, trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi. Đặc biệt, sau chương trình dồ điền đổi thửa, nhiều thanh niên đã phát triển kinh tế gia đình và làm giàu cho quê hương” – ông Luyến chia sẻ. Thực tế, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung gặp không ít khó khăn, nhiều nơi không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, ở huyện Phú Xuyên, 80% làng nghề đã trụ vững và trên đà phát triển. “Để trụ vững trong khủng hoảng, các DN đã nỗ lực vượt khó, tìm kiếm thị trường, cải tiến mẫu mã sản phẩm. Năm 2013 - 2015, các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trên địa bàn xã có được nhiều đơn hàng xuất khẩu trực tiếp đi các nước Nhật, Hàn… bảo đảm đủ việc cho lao động nông nhàn của xã” – ông Luyến cho biết. Chắp cánh ước mơ  Về Phú Túc hôm nay, người ta không còn bắt gặp cảnh rơm rạ phơi đầy đường… Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên - ông Trần Hữu Thước, toàn huyện có 124/138 làng, chiếm 89% số làng có nghề, trong đó có 39 làng được công nhận là làng nghề theo tiêu chí thành phố, đã giải quyết được 33% lao động chính ở nông thôn. Đặc biệt, trước đây, các xã như Phú Túc, Tri Thủy, Quang Lãng… là xã thuần nông. Từ nông nghiệp, người dân phát triển thêm các nghề để nâng cao đời sống, anh sinh. Nói đến làng nghề, Bí thư chi đoàn xã Phú Túc say xưa kể: Theo phả đồ kế chuyền của làng Lưu Thượng, vào khoảng năm 1626 (tức đầu thế kỷ 17), làng Giầu Tế (Lưu Thượng ngày nay), có người phụ nữ họ Nguyễn đến an cư lập nghiệp tại làng. Trong quá trình tìm kế sinh nhai, bà đã phát hiện ra loại cỏ, khi chẻ vỏ thì phần lõi của cây cỏ có thể dùng đan lát thành đồ dùng gia dụng sinh hoạt hàng ngày như nức cạp rá, rổ, thúng, mủng, nong, nia, dần sàng, nức vành nón... Với bàn tay khéo léo, tài ba của mình, bà đã làm ra các sản phẩm rồi đem bán, từ đó người dân trong làng học theo. Thế rồi, từ đời này qua đời khác cây cỏ tế được dùng để làm ra các đồ dân dụng cho dân trong làng và bán đi khắp nơi. Sau khi có cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành đồng bộ từ Trung ương đến thành phố, huyện và xã thì việc phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn xã Phú Túc đã thu được những kết quả nổi bật như: Cơ cấu kinh tế có bước phát triển rõ rệt, đúng hướng và vững chắc. Cơ cấu lao động có xu hướng chuyển dịch mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, số hộ, số lao động tham gia sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tăng lên nhanh chóng. Đến nay trên địa bàn xã có 11 công ty, doanh nghiệp và hơn 40 tổ hợp làm hàng mây tre giang, cỏ tế xuất khẩu. Sự phát triển của làng nghề gắn liền với nông nghiệp. Sản phẩm của làng nghề được tạo lên bằng những bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của nghệ nhân làng nghề và của những người thợ thủ công mỹ nghệ. Nhiều sản phẩm truyền thống của làng nghề có tính nghệ thuật cao, chứa nét đặc sắc của văn hoá dân tộc mang sắc thái riêng, đặc trưng riêng của làng nghề truyền thống Phú Túc. Để có được chỗ đứng như hôm nay trong thời điểm cạnh tranh khốc liệt của thị trường, một phần không nhỏ là nhờ vào đức tính yêu nghề của người dân Phú Túc, những thế hệ tiếp nối nghề truyền thống một cách dẻo dai, bền bỉ, tâm huyết. Nghề đan cỏ tế đã thực sự mang lại cho Phú Túc một diện mạo mới, nâng cao mức sống của người dân trong xã. Việc phát triển làng nghề đã có tác dụng rõ rệt đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, mở rộng quy mô và địa bàn sản xuất, đã thu hút được nhiều lao động, đồng thời đã kéo theo nhiều ngành nghề khác như thương mại, dịch vụ, vận tải, thông tin liên lạc… cùng phát triển. Nếu nghề truyền thống nâng gót chân các em học sinh ở Phú Túc đến trường, thì nông nghiệp nâng cánh những ước mơ. Với lịch sử hàng trăm năm thăng trầm, làng nghề Phú Túc đang trở thành một vùng quê có nền kinh tế hàng hoá phong phú, sầm uất, sôi động và giàu có, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Ngày 28/10, tại UBND xã Phú Túc diễn ra lễ hội vinh danh Làng nghề cỏ tế xã Phú Túc lần thứ nhất.  Đây là hoạt động nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công tạo dựng nghề và truyền nghề cho người dân trong huyện. Lễ hội quy tụ hơn 151 gian hàng của các làng nghề trong và ngoài huyện với các nhóm sản phẩm nghề tiêu biểu. Ngoài phần trưng bày các sản phẩm nghề truyền thống, lễ hội còn có nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ rước vinh danh Tổ nghề và tri ân các bậc tiền nhân; chương trình giao lưu “Nghệ nhân, doanh nhân và thế hệ trẻ huyện Phú Xuyên với nghề truyền thống”; Hội thao tay nghề của các bậc nghệ nhân… Một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang đậm bản sắc truyền thống huyện Phú Xuyên cũng sẽ được tổ chức như: Hò cửa đình, múa hát bài bông, ca trù Chanh thôn…; hội thi nặn tò he, đan cỏ tế, thao diễn tay nghề; chung kết cuộc thi “Dân vận trong xây dựng nông thôn mới” của huyện Phú Xuyên; tổng kết gương người tốt việc tốt 2016.
(Theo tuoitrethudo.vn)