Nông Cống (Thanh Hóa): Doanh nghiệp khai thác đá "tra tấn" dân

00:00 12/10/2020

Báo TN&MT nhận được phản ánh của người dân xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa về việc hơn 10 năm qua, DNTN Toàn Thắng hoạt động ở khu vực núi Hào đã nổ mìn khai thác đá, xay xẻ đá, kinh doanh vận chuyển đá làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của toàn bộ khu dân cư gần khu vực mỏ. Việc nổ mìn khai thác đá đã làm nứt nhà, gây ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư.

Doanh nghiệp Toàn Thắng được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác đá thêm 29 năm 6 tháng, giấy phép khai thác khoáng sản số 310/GP-UBND ngày 29/8/2014
Doanh nghiệp Toàn Thắng được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác đá thêm 29 năm 6 tháng, giấy phép khai thác khoáng sản số 310/GP-UBND ngày 29/8/2014
Mỏ đá “tra tấn” dân Theo quan sát của nhóm phóng viên, nhiều xe ben vận chuyển đá rầm rập nối đuôi nhau; tiếng máy xay đá, nghiền đá inh ỏi, bụi đá mù mịt, bay khắp không gian, khiến toàn bộ khu dân cư gần khu vực mỏ đá chìm trong khói bụi và tiếng ồn. Dẫn PV vào ngôi nhà hoang tàn với tường và mái nhà nứt nẻ, đứt gãy, cây cối phủ lớp bụi trắng xóa, bà Nguyễn Thị Lê (thôn 2, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) than phiền: Việc doanh nghiệp Toàn Thắng nổ mìn khai thác đá làm gia đình tôi và cả khu dân cư sống gần mỏ đá bị hư hỏng và thiệt hại quá nhiều về người và tài sản!
Nhà các hộ dân gần khu vực mỏ đá khai thác
Nhà các hộ dân gần khu vực mỏ đá khai thác bị "nứt toác"
“Mỗi khi doanh nghiệp Toàn Thắng nổ mìn phá đá, khu dân cư chìm trong khói bụi, các ngôi nhà rung chuyển như bị động đất. Tường nhà, bê tông bị đứt gãy nên mỗi khi có mưa, nhà cửa bị dột nước khắp nơi, cổ tường xung quanh trần nhà bị đứt gãy toàn bộ. Bị bụi đá và khói thuốc nổ bao phủ nên chúng tôi thường xuyên phải đóng kín cửa, ở trong nhà, cho đến khi bụi tan đi mới dám ra ngoài” – bà lê bức xúc cho biết. Chung cảnh ngộ với bà Lê, ông Lê Văn Sức, người dân thôn 2, xã Tân Phúc phẫn nộ: Nhà cửa nứt toác, khói bụi bay mù mịt; tiếng mìn nổ làm rung như thời chiến tranh. Cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thử hỏi làm sao chúng tôi có thể sống nổi (?!)
Tường nhà, bê tông bị đứt gãy nên mỗi khi có mưa, nhà cửa bị dột nước khắp nơi
Tường nhà, bê tông bị đứt gãy nên mỗi khi có mưa, nhà cửa bị dột nước khắp nơi
Đúng như ông Sức nói, nhóm phóng viên nhận thấy, cây cối, rau, củ, quả trồng trong vườn bị bụi đá phủ thành lớp dày nên không thể phát triển được. Đặc biệt, theo bà Lê và ông Sức, nhà của họ chỉ cách nơi doanh nghiệp Toàn Thắng nổ mìn khoảng 150m. Trong khi đó, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 02:2008/BCT về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp, khi nổ ở sườn núi, đồi thì bán kính vùng nguy hiểm theo hướng văng xuống phía dưới không được nhỏ hơn 300m. Phải chăng chính quyền địa phương và chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa đã “phớt lờ” để doanh nghiệp Toàn Thắng hoạt động, thậm chí được cấp giấy phép trong khi vẫn vi phạm các quy định về khoảng cách an toàn? Chính quyền thờ ơ? Trao đổi với PV, ông Lê Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc thừa nhận: Việc người dân phản ánh tình trạng nổ mìn gây ô nhiễm khu dân cư là có thật. “Tuy nhiên, vì doanh nghiệp Toàn Thắng được tỉnh cấp phép từ năm 2011, đến năm 2014 họ lại được cấp phép thêm 30 năm nữa nên địa phương không thể ngăn cản hay gây khó khăn cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp”. Theo ông Lê Đình Hùng, trong phạm vi thẩm quyền cho phép, UBND xã Tân Phúc chỉ có thể yêu cầu đơn vị khai thác đá thực hiện các biện pháp cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường như: làm tấm đệm cao su đối với máy móc nghiền sàng để giảm tiếng ồn khi đổ đá xuống; phải có hệ thống tưới nước phun bụi; thời gian sản xuất không được kéo dài quá 21 giờ; vị trí khai thác quay về phía Đông Bắc, tránh xa khu dân cư…
Ông Lê Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc trao đổi với nhóm phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường
Ông Lê Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường
Trái với những gì người dân phản ánh, ông Lê Thanh Tùng - Trưởng phòng TN&MT huyện Nông Cống khẳng định: Khoảng cách từ mỏ đá của doanh nghiệp Toàn Thắng đến khu dân cư là tương đối đảm bảo cho việc khai thác về khoảng cách nổ mìn, nguy cơ phát tán bụi… “Doanh nghiệp đăng ký khai thác khoáng sản bằng phương pháp nổ mìn và đã được Nhà nước cấp phép. Việc khai thác, sản xuất đá đương nhiên không thể tránh khỏi ô nhiễm bụi hay tiếng ồn nhưng đều trong phạm vi cho phép. Doanh nghiệp làm đúng như cam kết với Nhà nước nên không có lý do gì để cấm hay xử lý”, ông Lê Thanh Tùng khẳng định. Theo vị trưởng phòng TN&MT này, doanh nghiệp đã thực hiện hỗ trợ đối với 7 hộ gần khu vực mỏ đá bị ảnh hưởng, còn một số hộ nằm giữa làng, cách mỏ cả cây số cũng đòi bồi thường do nứt nhà lên đến 50 triệu nên chưa thỏa thuận được. “Chính vì việc khai thác đá có ảnh hưởng kéo dài nên người ta mới hỗ trợ cho dân một ít tiền, chứ không đâu tự dưng doanh nghiệp bỏ ra mấy trăm triệu để làm việc đó?!”, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.
Khu vực chế biến đá sau khi khai thác
Khu vực chế biến đá sau khi khai thác của doanh nghiệp Toàn Thắng
Được biết, hàng năm Sở TN&MT Thanh Hóa có kế hoạch tổ chức kiểm tra về môi trường đối với 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Theo ông Lê Văn Bình – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Thanh Hóa), hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có đến hàng nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và… chưa đến phiên kiểm tra các doanh nghiệp thuộc xã Tân Phúc. Theo giấy phép mới nhất năm 2014 do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp, doanh nghiệp Toàn Thắng đã đi vào hoạt động khai thác khoảng 2 năm. Trong khi đó, theo cam kết trong nội dung cấp phép của UBND tỉnh đối với doanh nghiệp Toàn Thắng, hàng năm doanh nghiệp này phải thực hiện báo cáo môi trường định kỳ 3 tháng một lần về Sở TN&MT, thế nhưng đến nay đơn vị chưa có một văn bản báo cáo nào tại cơ quan quản lý. Vậy, trong thời gian “chưa đến phiên kiểm tra” doanh nghiệp Toàn Thắng, Sở TN&MT Thanh Hóa liệu có thể nắm bắt được doanh nghiệp này có đảm bảo thực hiện đúng những cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không? Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc. Tuyết Chinh – Mai Đan/baotainguyenmoitruong.vn