“Nóng” buôn lậu điện thoại di động

00:00 12/10/2020

Mặc dù đã có chế tài xử phạt nghiêm minh, song do lợi nhuận cao, tình trạng buôn lậu điện thoại di động với khối lượng và giá trị lớn vẫn không hề thuyên giảm mà có xu hướng gia tăng.

Lô hàng hơn 250 chiếc điện thoại iPhone bị tạm giữ

Mới đây, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Anh Khoa (cầm đầu) 16 năm tù, Nguyễn Thị Thanh Hằng 12 năm tù, Trần Phi Hùng 10 năm tù, Nguyễn Minh Tâm và Lê Trần Phong Vũ mỗi người 8 năm tù, đều cùng tội buôn lậu điện thoại di động theo đường hàng không từ Singapore về Việt Nam. Vụ việc bắt giữ từ cuối năm 2016, tháng 5/2018 các cơ quan tố tụng đã hoàn tất thủ tục điều tra, truy tố và đưa ra xét xử. Trong đó, đối tượng Hằng vận chuyển 274 chiếc, đối tượng Hùng vận chuyển 74 chiếc, đối tượng Tâm và Vũ mỗi người vận chuyển 75 chiếc, tất cả đều là iPhone 7Plus 128Gb, tổng giá trị lô hàng bắt giữ là 5,7 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngay sau khi hãng Apple ra mắt dòng sản phẩm mới iPhone XS và iPhone XS Max vào trung tuần tháng 9/2018, các doanh nghiệp và đại lý chưa được phép nhập khẩu chính thức, nhiều đối tượng đã tìm cách tuồn hàng xách tay iPhone XS và XS Max vào Việt Nam. Trên các chuyến bay CX767, CI781 và BR395 nhập cảnh Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 25/9, cơ quan chức năng đã phát hiện 4 hành khách quốc tịch Mỹ vận chuyển 250 điện thoại iPhone SX và iPhone SX Max vào Việt Nam, tổng giá trị ước tính khoảng 6,5 tỷ đồng.

Theo quy định, điện thoại di động nhập khẩu phải đăng ký kiểm tra chất lượng tại Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông). Hành khách nhập cảnh đường hàng không vào Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan, ngoài vật dụng phục vụ chuyến đi, được phép mang theo 1 điện thoại di động không cần đăng ký kiểm tra chất lượng nhưng vẫn phải nộp thuế nếu trị giá hải quan vượt quá 10 triệu đồng, vận chuyển từ 2 cái trở lên ngoài nộp thuế phải thực hiện thủ tục kiểm tra chất lượng. Bốn hành khách Mỹ mang tới 250 điện thoại di động, không xuất trình được đăng ký kiểm tra chất lượng, cơ quan chức năng sân bay Tân Sơn Nhất đã xử lý theo đúng pháp luật, buộc tái xuất hàng hóa khỏi Việt Nam.

Cũng trong tháng 9/2018, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhận được nguồn tin phản ánh vận chuyển hàng điện tử trái phép với số lượng và giá trị lớn qua Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đã cử cán bộ phối hợp với Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) xác minh, phát hiện trên 2 chuyến bay số hiệu CX 2049 và KA299 từ Hồng Kông về Việt Nam ngày 21/9/2018, có 3 lô hàng gồm 40 kiện, trọng lượng 670 kg, là điện thoại di động, đơn vị nhận hàng là Công ty VAK Company Limited. Tuy nhiên, doanh nghiệp mở tờ khai điện tử và khai báo trên hệ thống thông quan điện tử không phải mặt hàng điện thoại.

Ngoài đường hàng không, trên thị trường nội địa, tháng 6/2018, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam cũng đã phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển gần 1.200 điện thoại di động và gần 1 tấn linh kiện điện thoại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tháng 7/2018, tại Trạm kiểm soát liên hợp Km 15 - Bến tầu Dân Tiến (Móng Cái, Quảng Ninh), lực lượng liên ngành tại đây đã bắt giữ vụ vận chuyển 600 chiếc điện thoại di động các loại và 26 chiếc Ipad không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, trị giá ước tính 1,8 tỷ đồng.

Ngày 17/10/ 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan làm rõ vi phạm pháp luật của Công ty VAK company Limited và các cá nhân liên quan nhập khẩu 40 kiện hàng điện thoại di động nhưng khai báo hàng hóa khác, xử lý theo đúng pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/11/2018.

Lan Ngọc