Nóng bỏng thị trường khí hóa lỏng

00:00 12/10/2020

Ngày càng có nhiều công ty, tập đoàn lớn của thế giới tới Việt Nam mở nhà máy sản xuất khí thiên nhiên hoá lỏng, khiến thị trường này ngày càng trở nên nóng bỏng.

Tại Hội thảo về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tổ chức ngày 4/11, chia sẻ về nhu cầu sử dụng LNG cho ngành điện, ông Lê Hải Đăng, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025 – 2030, Việt Nam sẽ cần xây mới các nhà máy điện sử dụng LNG với tổng công suất 15.000 – 19.000 MW để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng trong nước.

Trong khi đó, dự báo sau năm 2020, nguồn cung khí của Việt Nam sẽ giảm do dự trữ khí trong nước giảm và chậm triển khai các mỏ khí mới. Chính vì vậy, Việt Nam cần nhập khẩu thêm LNG để bổ sung nhiên liệu cho các nhà máy điện ở khu vực phía Nam.

Lo ngại thiếu điện sau năm 2020

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, LNG là nguồn năng lượng sạch đang được xem là một trong những giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh việc khai thác các nguồn tài nguyên truyền thống của Việt Nam như thủy điện, than, dầu khí đang trên đà suy giảm.

Bộ Công Thương cho biết theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí của Việt Nam đến năm 2025, định hướng tới năm 2035, dự báo giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 1 – 4 tỷ m3 LNG mỗi năm, tăng lên 6-10 tỷ m3 mỗi năm sau đó. Khoảng 75% lượng LNG nhập khẩu sẽ được sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện để đảm bảo an ninh năng lượng cho các ngành kinh tế đang phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay, tất cả những dự án khí nằm trong quy hoạch vẫn chưa được xây dựng. Các dự án Sơn Mỹ, Cà Mau, Cát Hải, Thái Bình mặc dù đưa vào quy hoạch nhưng chưa triển khai.

Chuyên gia đánh giá các dự án LNG không chỉ thiếu tại các tỉnh miền Nam. Tại miền Bắc cũng chưa có dự án nào, với nhu cầu năng lượng dự báo tiếp tục tăng cao, chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Vì thế, Chính phủ đang khuyến khích các công ty trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực LNG hợp tác với nhau, khiến thị trường LNG ở Việt Nam trở nên sôi động.

Bộ Công Thương cho biết giai đoạn 2021- 2025, Việt Nam dự kiến xây 3-4 kho nhập LNG với tổng công suất dự kiến khoảng 3 triệu tấn tấn/năm, đồng bộ các hệ thống đường ống hóa khí, chủ yếu tại khu vực miền Nam (các dự án LNG Thị Vải, Sơn Mỹ, Long Sơn, Bạc Liêu).

Tiếp đến, giai đoạn 2026-2035, dự kiến xây dựng khoảng 5-6 kho nhập LNG với công suất mỗi kho khảng 3 triệu tấn/năm đồng bộ các hệ thống đường ống hóa khí, trên địa bàn cả nước.

Hồi tháng 10/2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khởi công dự án về LNG đầu tiên của Việt Nam tại cảng Thị Vải, với công suất 1 triệu tấn LNG, trạm chứa sẽ có khả năng cung cấp nhiên liệu cho nhiều nhà máy điện được xây dựng đồng thời, với sản lượng tổng công đạt 1.500 MW.

Dự kiến bắt đầu vận hành sớm nhất là vào cuối năm 2022, trạm này sẽ bổ sung 1,4 tỷ m3 khí thông qua nhập khẩu cung cấp cho thị trường trong nước..

Ngoài ra, gần 10 trạm chứa LNG đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên khắp Việt Nam, bao gồm một dự án tại tỉnh Bình Thuận của PVN và Tập đoàn AES (Mỹ).

Nong-bong-thi-truong-khi-hoa-l-5751-8854

Các nhà đầu tư ngoại muốn hợp tác phát triển lĩnh vực LNG

Cần sớm có khung chính sách

Thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực điện khí tại Việt Nam, trong đó các tập đoàn Nhật Bản và Mỹ đã lên kế hoạch đầu tư các dự án xây dựng nhà máy phát điện LNG, bởi Việt Nam có hệ thống cảng phù hợp để nhập LNG.

Trước đó, đoàn công tác từ Tp. Busan (Hàn Quốc) đã tìm hiểu cơ hội và định hướng đầu tư vào Thừa Thiên – Huế với dự án xây dựng nhà máy điện khí Hydro công suất 200MW và hạ tầng liên quan tại Chân Mây – Lăng Cô.

Tại Hội thảo tổ chức ngày 4/11, nhiều doanh nghiệp Na Uy cũng bày tỏ mong muốn hợp tác đầu tư tại các dự án LNG ở Việt Nam.

Theo Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, ông Grete Lochen, trong bối cảnh bối cảnh chuyển đổi cơ cấu năng lượng hiện nay ở Việt Nam và toàn khu vực, LNG là một phương án thay thế tuyệt vời cho than, nhất là từ góc độ giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Na Uy là một trong những quốc gia đi đầu với những giải pháp công nghệ cao và thông minh cho toàn chuỗi cung ứng LNG. Các công ty Na Uy có rất nhiều kiến thức, chuyên môn, công nghệ trong lĩnh vực này và sẵn sàng chuyển giao cũng như chia sẻ với Việt Nam.

Ông Grete Lochen đánh giá Na Uy và Việt Nam là hai nước có đường bờ biển dài và diện tích tương đương nhau. Cả hai đều có ngành công nghiệp dầu khí. Tuy nhiên, trong khi Na Uy là nước xuất khẩu thuần năng lượng thì Việt Nam đang có xu hướng nhập khẩu thuần năng lượng. “Do đó, việc hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam sẽ thuận lợi và đáp ứng được nhu cầu của nhau”, ông Grete Lochen khẳng định.

Tư vấn về chiến lược phát triển nguồn LNG, ông Baptiste Debaene, Giám đốc phát triển kinh doanh của công ty Hoegh LNG, cho rằng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trên 6%/năm, đồng thời có nhu cầu về khí nhiều hơn phục vụ cho sản xuất điện, phân bón, công nghiệp…, nên Chính phủ Việt Nam cần có thêm các nhà máy sử dụng gas trong sơ đồ phát triển điện.

Tuy nhiên, trong khi lượng khí dự trữ đang giảm dần, chắc chắn Việt Nam sẽ có nhu cầu nhập khẩu LNG. Để đạt được mục tiêu nhập khẩu sớm, ông Baptiste Debaene cho rằng Chính phủ cần ủng hộ một khung quy định chính sách cho nhập khẩu LNG; trong đó cần chú trọng hài hòa hóa trong quá trình ra quyết định, những yếu tố về thuế…

Đề xuất công nghệ tàu vận chuyển và lưu trữ LNG (FSRUs) với nhiều ưu điểm vượt trội và thích ứng với thị trường Việt Nam, ông Baptiste Debaene cho đây là công nghệ mới, giúp rút ngắn thời gian đầu tư và Việt Nam có thể tiếp cận thị trường một cách cạnh tranh.

“Khi tiềm năng và các dự án khai thác LNG của Việt Nam còn ở quy mô nhỏ, việc xây kho chứa LNG hiện nay là chưa phù hợp với chi phí tốn kém. Với hệ thống FSRUs, LGN nhập khẩu có thể được chuyển xuống hoặc sử dụng như FSRUs một cảng nổi hay tàu chứa. Điều này sẽ linh hoạt, khi không cần FSRUs có thể yêu cầu chuyển tàu ra khu vực khác. Tính ưu việt của công nghệ FSRUs đã được khẳng định tại nhiều quốc gia”, ông Baptiste Debaene cho biết.

Ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, EVN Về dài lâu, để đảm bảo cung cấp điện cho năm nay và các năm tiếp theo, EVN đang tính đến chuyện nhập khẩu một số nguồn đắt tiền như LNG. Tuy nhiên, để thực hiện được các dự án này mất nhiều thời gian và cũng có những khó khăn như huy động về tài chính, công tác đầu tư, công tác xây dựng kho cảng bến bãi và giải phóng mặt bằng.

Ông Trần Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) Hiện, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng và đề xuất ban hành khung pháp lý để phát triển ngành LNG Việt Nam. Trước mắt, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách nhập và phân phối LNG, các mô hình, cơ chế kiểm soát giá LNG cấp cho nhà máy điện. Đồng thời, xúc tiến thu hút đầu tư vào các dự án chuỗi khí điện LNG.

Ông Tô Quốc Trụ - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Cân bằng năng lượng chung từ nay tới năm 2030 cần các giải pháp đột phá mới, tích cực và hiệu quả, trong đó có việc cần phải nhập khẩu khí LNG. Do vậy, việc quy hoạch hạ tầng cơ sở để nhập LNG tại các khu vực như cảng Phú Mỹ (Bà Rịa), cảng Nhơn Trạch, Cà Mau – Ô Môn, trong những năm tới cần được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, PVN phối hợp triển khai thực hiện một cách khẩn trương, nghiêm túc, sâu sắc để đạt được kết quả như mong đợi.

Hoàng Hà