Nỗi niềm... doanh nghiệp đáo hạn

00:00 12/10/2020

Việc vay vốn ngân hàng để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể, là “chuyện thường ngày”. Tuy nhiên, khi mọi sự không “thuận buồm xuôi gió”, để không bị xử lý tài sản hay vướng nợ xấu, người vay sẽ trở thành “con nợ lần 2” khi chật vật cầm cố thêm tài sản, vay tín dụng “đen” với lãi suất cao… để đáo hạn, nhằm “chứng minh sức khỏe” cho vòng vay mới. Từ vòng luẩn quẩn này, nỗi lo nơm nớp về tiền khiến nguy cơ phá sản luôn hiện hữu đối với không ít doanh nghiệp. Cùng đó, từ nhu cầu vay tiền đáo hạn của doanh nghiệp đã tạo kẽ hở cho các cơ sở tín dụng “đen” hoạt động.

Trước khi vay vốn, các doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh khả thi

Từ vay vốn kinh doanh

Thực tế, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh rất lớn, trong khi đó nhiều ngân hàng vẫn phải đi tìm khách hàng tốt để cho vay. Dẫn ra nghịch lý này để thấy có nhiều nguyên nhân cung – cầu giữa ngân hàng và doanh nghiệp không gặp được nhau. Về chủ trương, chính sách trong hoạt động tín dụng, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quy định rõ về đối tượng, điều kiện, thời hạn, lãi suất, thu hồi tiền gốc và lãi suất vay cũng như việc đơn giản hóa thủ tục cho vay, đảm bảo minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay. Thông tư số 39/2016/TT-NHNN được ban hành để thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), Nghị định 39/2014/NĐ-CP. Căn cứ vào hoạt động, các ngân hàng sẽ có quy chế cho vay riêng nhưng vẫn đảm bảo tinh thần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nhu cầu vay vốn mà đáp ứng đầy đủ điều kiện của ngân hàng sẽ sớm được làm thủ tục giải ngân.

Việc vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa là “chuyện thường ngày”. Các doanh nghiệp vay vốn là để đầu tư sinh lời và phải trả lãi và gốc đúng kỳ hạn theo thảo thuận trong hợp đồng vay với ngân hàng. Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng được ví như “liều thuốc thử” đối với sức khỏe của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân bất khả kháng như khủng hoảng kinh tế, thị trường tiêu thụ đóng băng, chưa thanh toán được các hợp đồng, đơn hàng hoặc gặp rủi ro trong kinh doanh, thậm chí vay vốn sai mục đích... khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, hoặc đảm bảo chứng minh nguồn vốn mỗi kỳ đáo hạn. Trong tình cảnh này, để đáo hạn được khoản vay nhằm duy trì hoạt động kinh doanh, tránh bị kê biên tài sản thế chấp hoặc bị liệt vào dạng nợ xấu, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đôn đáo, tìm mọi cách đáo hạn, từ đó nảy sinh bất cập.

 Ông Phạm Đắc Tứ, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, căn cứ vào chu kỳ kinh doanh của từng khách hàng mà tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời hạn thu hồi vốn, khả năng trả nợ, nguồn vốn cho vay và thời hạn hoạt động còn lại của tổ chức tín dụng để thỏa thuận về thời hạn cho vay. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi vay vốn đều phải tính toán, cân đối được nguồn tiền để trả nợ. Tuy nhiên, có những trường hợp bất khả kháng trong kinh doanh, khách hàng phải có phương án trả nợ khả thi, qua thẩm định, ngân hàng sẽ cơ cấu giãn nợ và cho vay tiếp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh và trả nợ... Một nguyên nhân phổ biến nhưng ít được nhắc tới, là trường hợp do nhân viên ngân hàng thẩm định phương án sản xuất kinh doanh không kỹ, đôi khi còn vẽ ra kế hoạch kinh doanh ảo miễn sao giải ngân thành công, lẽ ra chỉ được cho vay chu kỳ 3 tháng thì lại cho vay 6 tháng. Người vay sẽ dùng khoản tiền thu được sau 3 tháng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh khác, đến kỳ hạn trả nợ sẽ không có tiền. Hay người vay lập phương án kinh doanh không có thật, vay vốn để mở nhà hàng nhưng lại đi đầu tư vào bất động sản (sử dụng tiền vay không đúng mục đích), khi không bán được nhà, đất thì làm sao có nguồn tiền để đáo hạn...

Đến vay tín dụng “đen” đáo hạn

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cũng theo ông Phạm Đắc Tứ, ngân hàng cho vay nhưng phải đảm bảo thu hồi được tiền gốc và lãi. Chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh đi vay thì sợ nhất là mất tài sản thế chấp và sợ bị kê vào hồ sơ nợ xấu sẽ khó đi vay tiếp được các ngân hàng khác. Do vậy, đến kỳ đáo hạn,người vay bắt buộc phải xoay xở và chuyện vay tín dụng “đen” với lãi suất cao là khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra, doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh hiệu quả thì sẽ vượt qua được những thời điểm khó khăn. Trao đổi với phóng viên, anh Tạ Đức Cảnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thanh Cảnh (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh đều phải vay vốn ngân hàng. Doanh nghiệp của tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng thực tế, 6 tháng hay 12 tháng là khoảng thời gian mà hầu hết các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chưa đi vào hoạt động một cách trơn tru, dẫn đến nguồn vốn chưa thể hoàn lại và họ buộc phải tìm một nguồn tiền đáo hạn. Và từ việc doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đến vay tiền tín dụng “đen” để đáo hạn dường như là cách “giải vây” được chọn lựa? Chính vì thế, các cơ sở tín dụng “đen” có “đất sống”, hay nói cách khác, có cầu ắt có cung, dù dịch vụ này pháp luật không cho phép!.

Để duy trì hoạt động kinh doanh, anh Phạm Văn Thơ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ôtô, xe máy điện CMV Việt Nam thường phải vay các ngân hàng với tổng số tiền từ 15-20 tỷ đồng. Và đương nhiên, đến kỳ đáo hạn mà nguồn tiền chưa kịp về đủ thì anh phải vay tín dụng “đen”. Theo anh Thơ, anh thường vay với lãi suất 2.000 đồng/ triệu/ngày. Đây là mức lãi suất dành cho những người “có uy tín” qua nhiều lần vay trước, còn người khác lãi phải gấp đôi. Thậm chí, có những chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh vào thế bí phải vay với lãi từ 5.000- 7.000 đồng/triệu/ngày để kịp đáo hạn.

 “Các điều khoản trong hợp đồng vay vốn ngân hàng rất rõ ràng, đến hạn khách hàng phải trả nợ. Chẳng có doanh nghiệp nào muốn vay tín dụng “đen” với lãi cắt cổ cả. Nhưng nếu không có tài sản giá trị khác thế chấp, lúc cần kíp, lãi cao bao nhiêu doanh nghiệp cũng phải vay vì nguồn tiền từ các cơ sở tín dụng “đen” dễ vay nhất”, anh Thơ bộc bạch.

Còn chị Hằng, chủ hộ kinh doanh thiết bị vệ sinh cao cấp tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “ Để có vốn đầu tư mở thêm các cơ sở bán hàng, tôi vay ngân hàng 1tỷ đồng với tài sản thế chấp là Giấy CNQSDĐ. Do một số hợp đồng bán hàng cho các công trình xây dựng chậm thanh toán nên gần đến ngày đáo hạn ngân hàng, hai vợ chồng phải đôn đáo đi vay mượn khắp nơi, lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Sát ngày đáo hạn, không có phương án nào khả thi, bí bách quá, tôi đành phải phải vay tín dụng “đen” 700 triệu đồng, với lãi suất 3.000 đồng/1 triệu/ngày.

Để đáo hạn và chờ ngân hàng làm thủ tục giải ngân hợp đồng vay mới mất 10 ngày, và tôi phải trả lãi hơn 20 triệu đồng cho khoản vay đáo hạn. Phải chịu lãi vay cao nhưng không thể khác được vì không trả nợ ngân hàng đúng hạn, việc kinh doanh sẽ gặp nhiều rủi ro... ”

Để có 1 tỷ đồng đầu tư kinh doanh cửa hàng giầy, anh Nguyên H., trú tại Lạc Long Quân (Tây HồHà Nội) thế chấp giấy tờ căn nhà trị giá hơn 5 tỷ đồng để vay vốn ngân hàng. Khi làm thủ tục, nhân viên tín dụng tư vấn, do kỳ hạn vay kinh doanh chỉ 6 tháng nên anh xem xét vay nhiều hơn để khi đáo hạn, nếu kinh doanh chưa hiệu quả thì đỡ phải lo nguồn tiền. Anh Ng.H đã quyết định vay 2 tỷ đồng nhưng chỉ lấy thực về 1 tỷ đồng, còn 1 tỷ đồng để dành 6 tháng sau đáo hạn mà không ngờ rằng đây là khởi điểm khiến anh gần như trắng tay.

 “ Do không bán được hàng, trong khi mỗi tháng phải chi phí tiền nhà và lương nhân viên khoảng 80 triệu đồng, sau 1 năm, tôi thua lỗ gần 1 tỷ đồng nhưng phải đáo hạn khoản vay 2 tỷ đồng. Tôi phải đi vay bạn bè 500 triệu và cầm cố chiếc ô tô hơn 300 triệu đồng mới hoàn tất thủ tục để được ký hợp đồng vay mới. Tình hình kinh doanh tiếp tục thua lỗ, đến kỳ đáo hạn tiếp theo, tôi không còn khả năng tài chính nên đành chấp nhận nợ xấu và bị ngân hàng kê biên tài sản. Phía ngân hàng sau đó tạo điều kiện cho tôi bán tài sản trả nợ. Bán nhà gấp nên không được giá, trừ số tiền trả nợ ngân hàng và trả bạn bè, tôi chỉ còn có hơn 1 tỷ đồng. Tôi thực sự thấm thía về cái giá mình phải trả khi quyết định kinh doanh mà chưa tính toán kỹ lưỡng”, anh Ng.H. chua chát.

Với anh Nguyễn Hữu Hà- Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc tại tỉnh Thanh Hóa, có thời điểm phải thế chấp ngân hàng 7 Giấy CNQSDĐ để vay vốn đầu tư mua thêm trang thiết bị mở rộng sản xuất. Khi kinh doanh bết bát lại không còn tài sản, ngoài vay lãi tín dụng “đen”, anh Hà còn được chính nhân viên ngân hàng bỏ tiền ra đáo hạn giúp với mức lãi ngày lên tới vài chục triệu đồng. Từ việc vay chỗ nọ, trả chỗ kia, anh Hà rơi vào cảnh nợ chồng nợ dẫn đến doanh nghiệp hoạt động cầm chừng rồi phá sản. “Có muôn vàn kiểu đáo hạn để doanh nghiệp tránh bị kê biên tài sản và thành nợ xấu. Nhưng cũng chính từ nỗi sợ đó, không ít doanh nghiệp tự đưa đầu vào thòng lọng mà không biết”, anh Hà đúc kết.

Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là không thể tách rời. Tuy nhiên, từ việc vận dụng chính sách đến thực tế đã nảy sinh không ít bất cập. Để ngân hàng và doanh nghiệp cùng phát triển, đòi hỏi phải có những giải pháp gì từ hai phía..., chúng tôi sẽ đề cập tiếp trong số báo kỳ sau.

Anh Phạm Văn Thơ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ôtô, xe máy điện CMV Việt Nam: “Đến kỳ đáo hạn nếu doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn tiền, ngân hàng nên xem xét tạo điều kiện cho giãn nợ trong thời gian nhất dịnh, sau khi có sự thẩm định của ngân hàng. Đây là bài toán vừa giúp doanh nghiệp tháo gỡ được khó khăn, ổn định kinh doanh, vừa góp phần hạn chế “đất” của các cơ sở cho vay nặng lãi...”

Theo một cán bộ ngân hàng, để hạn chế thấp nhất rủi ro cho ngân hàng và khách hàng vay vốn, vấn đề cốt lõi chính là đạo đức nghề nghiệp của nhân viên tín dụng.Thực tế, để cho đủ doanh số cho vay, nhiều nhân viên tín dụng đi xác minh qua loa về chứng minh thu nhập, mục đích vay, đăng ký tài sản đảm bảo của khách hàng. Đến thời điểm đáo hạn, các doanh nghiệp làm ăn bết bát, không thanh toán được thì nhân viên tín dụng lại chịu muôn vàn áp lực từ phía ngân hàng. Chính vì thế, họ muốn các khách hàng phải tất toán số tiền vay bằng mọi giá. Nhiều khi, chính đội ngũ "cò" đảo nợ chính là "cứu cánh" cho cả nhân viên tín dụng và các doanh nghiệp.

Trí Khang