Nội bộ ngành Thép tranh cãi vì nhập khẩu thép ồ ạt

00:00 12/10/2020

(DNHN). Quyết định của Bộ Công Thương đang trở thành cuộc tranh luận gay gắt giữa hai nhóm doanh nghiệp trong nước. Theo đề nghị của nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam, ngày 25/12/2015, Bộ Công Thương đã có văn bản thông báo tiến hành điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và sản phẩm thép dài. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại lên tiếng phản đối động thái này của Bộ.

sat-thep

Người ủng hộ tự vệ

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2015, phôi thép nhập khẩu lên tới 1,9 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với năm 2014, bằng 30% lượng phôi sản xuất trong nước. Dự kiến cả năm 2016, phôi thép nhập khẩu sẽ tăng ít nhất gấp đôi và bước sang năm 2017, thị trường phôi thép sẽ bị chiếm lĩnh hoàn toàn bởi hàng nhập khẩu, trong đó chủ yếu là phôi nhập từ Trung Quốc, với giá bán thấp hơn giá thành sản xuất trong nước.

Trước tình hình đó, bốn công ty trong nước gồm Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, Công ty Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Việt Ý với sự ủng hộ của VSA, kể cả nhiều doanh nghiệp FDI, đã nộp hồ sơ lên Bộ Công Thương yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài (thép thanh, thép cuộn) nhập khẩu.

Đây đều là các doanh nghiệp đầu tư sản xuất từ hạ nguồn đến thượng nguồn ngành thép, từ phôi thép đến thép thành phẩm để hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VinaSteel - một trong những đơn vị đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ), bức xúc cho rằng việc nhập phôi thép ồ ạt, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc, khiến thị phần, sản lượng tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp thép lớn của Việt Nam sụt giảm mạnh. “Nếu cứ kéo dài tình trạng này, ngành thép trong nước có nguy cơ “đi” hết cả, hàng vạn lao động sẽ mất việc” - ông Toàn cảnh báo.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA phân tích: “Với nhu cầu tiêu thụ khoảng 7 triệu tấn thép xây dựng và 7,5 triệu tấn phôi/năm, quy mô thị trường Việt Nam quá nhỏ bé so với Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, năm 2015, Trung Quốc đã xuất khẩu tới 112,4 triệu tấn thép các loại, trong đó sang Việt Namkhoảng 8,4 triệu tấn. Tình hình này sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa. Sau phôi sẽ là các sản phẩm thép xây dựng khác, bởi khi các doanh nghiệp trong nước đã phụ thuộc vào phôi nhập khẩu, thì rất khó cạnh tranh về giá thành sản phẩm nếu chỉ làm mỗi khâu cán thép”.

“Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và một số sản phẩm thép nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước đang trở nên hết sức cấp bách. Nếu không, chỉ trong vòng 1 - 2 năm, doanh nghiệp thép sẽ bị phá sản hoàn toàn, không loại trừ doanh nghiệp nào”, ông Sưa nhấn mạnh.

Lý lẽ của người phản đối

Tuy nhiên, việc Bộ Công Thương ra quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ lại vấp phải sự phản ứng của một nhóm sáu doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp này cán thép từ phôi thép nhập khẩu, nhưng cũng có cả doanh nghiệp sản xuất phôi, điển hình là Pomina.

Cần lưu ý là, 6 doanh nghiệp chỉ phản đối áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép, không phản đối áp dụng biện pháp tự vệ với thép dài.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Đỗ Duy Thái, thành viên HĐQT Công ty thép Pomina – cho biết lý do khiến các doanh nghiệp phản ứng động thái của Bộ Công Thương. Theo đó, tại những thời điểm phôi thép Trung Quốc bán phá giá vào các thị trường nước ngoài, trong đó có thị trường Việt Nam như thời điểm cuối năm 2015, phôi thép do Pomina sản xuất vẫn cạnh tranh được với phôi thép nhập khẩu.

“Nếu thuế suất phôi thép nhập khẩu là 0% thì chắc chắn Pomina không cạnh tranh nổi. Nhưng với mức thuế 10% như thời điểm hiện nay thì chúng tôi vẫn sống được. Do vậy, cần nhìn nhiều chiều khi đưa ra quyết định tiến hành điều tra áp dụng tự vệ đối với phôi thép vì còn nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép để cán thép”, ông Thái nói.

Cũng theo ông Thái, các doanh nghiệp cần cạnh tranh sòng phẳng và mức thuế 10% đối với phôi thép như hiện nay là vừa đủ. “Chúng ta không thể duy trì “nền kinh tế đóng” trong một thế giới mở như hiện nay”, ông Thái bày tỏ quan điểm và cho rằng, các nước châu Âu cũng chỉ yêu cầu tự vệ trên sản phẩm (thép cán) chứ không đòi đánh thuế nguyên liệu (phôi thép) vì nguyên liệu càng rẻ càng tốt.

Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp sản xuất phôi khác nằm trong nhóm doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với phôi thép lại nhấn mạnh: “Vấn đề là, phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc bán phá giá, bán dưới giá thành, chứ không phải là cuộc cạnh tranh lành mạnh”.

Sự khác biệt giữa hai nhóm doanh nghiệp còn thể hiện ở quan điểm phát triển ngành. Chẳng hạn, đại diện Pomina cho rằng  không phải cứ luyện kim thì làm tất cả từ gốc đến ngọn, nên theo hướng cái gì làm tốt thì làm khâu đó, nền kinh tế mở hiện nay cho phép doanh nghiệp tham gia vào công đoạn mình làm tốt nhất.

Ngược lại, mới đây, trong văn bản trả lời 6 doanh nghiệp phản đối việc áp dụng biện pháp tự vệ, VSA nhấn mạnh: “Quan điểm của Hiệp hội là đi đôi với việc từng bước đầu tư xây dựng và phát triển ngành thép đồng bộ và khép kín, một ngành thép vững mạnh thực thụ, chứ không phải ngành thép đi gia công là bảo vệ sản xuất thép trong nước bằng các biện pháp phòng vệ thương mại theo thông lệ quốc tế…”

Tuy nhiên, cả hai bên đều bày tỏ quan điểm là phải tính đến việc hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp thép, cân đối bảo vệ lợi ích chung và lâu dài của toàn ngành.

Cơ quan quản lý nói gì?

Trả lời báo chí, ông Đỗ Thắng Hải (Thứ trưởng Bộ Công Thương) cho rằng trong bất kỳ một vụ điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào trên thế giới (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) đều dẫn đến xung đột lợi ích, ở Việt Nam cũng vậy. Trong vụ điều tra với thép lần này, chắc chắn có bên được hưởng lợi (các nhà sản xuất thép) và có bên thiệt hại (nhà nhập khẩu).

Tuy nhiên, các nhà sản xuất trong nước đã nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, chứng minh được các dấu hiệu về nhập khẩu gia tăng đột biến dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước thì Bộ Công Thương phải thụ lý và đã ra quyết định điều tra.

Thứ trưởng cho biết đến nay, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và Bộ Công Thương sẽ đảm bảo mọi quy trình, thủ tục điều tra đều công khai, minh bạch.

Trước đó, trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính cũng cho biết: Về biện pháp phối hợp kiểm tra chống bán phá giá và phòng vệ thương mại trong việc nhập khẩu phôi thép, Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng chính sách quản lý nhập khẩu mặt hàng phôi thép, hướng dẫn kịp thời nếu Bộ Công Thương có quyết định về áp dụng thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng phôi thép theo kiến nghị của Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp sản xuất thép.

PV