Nở rộ hàng nhãn riêng

00:00 12/10/2020

Đặt hàng các DN sản xuất sản phẩm hàng nhãn riêng (HNR), qua đó giảm giá thành sản phẩm là cách làm được nhiều siêu thị áp dụng.

Việc làm này không chỉ giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm giá rẻ, chất lượng đảm bảo mà còn kích thích sản xuất.

Rẻ hơn hàng chính hãng

Khảo sát hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các siêu thị lớn như: Vinmart, Co.opmart, Hapro, Big C... đều bày bán rất nhiều sản phẩm HNR mang thương hiệu siêu thị.

Từ năm 2007, với tiêu chí “chất lượng & tiết kiệm”, hệ thống siêu thị Co.opmart đã chính thức triển khai HNR.

Đến nay, Co.opmart đã giới thiệu ra thị trường gần 500 mặt hàng, hơn 3.000 mã hàng, tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu từ thực phẩm đến đồ dùng trong gia đình. Từ tháng 12/2018, Saigon co.op đã giới thiệu hệ thống nhận diện thương hiệu mới của HNR với nhiều dòng sản phẩm mới phục vụ khách hàng, từ bình dân đến cao cấp.

 Người tiêu dùng mua mì gói HNR của Hapro. Ảnh: Lê Nam

Nhằm mục tiêu xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm của mình, năm 2015, Tập đoàn Vingroup đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco sản xuất các loại nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Đến nay, VinEco đã đưa ra thị trường hàng nghìn tấn nông sản sạch, với hơn 200 chủng loại sản phẩm.

Những sản phẩm này được bày bán tại hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+. Hệ thống siêu thị Hapro Mart cũng đưa ra thị trường các sản phẩm tiêu dùng như: Mỳ ăn liền, rượu, xúc xích nhãn hiệu Hapro và được người tiêu dùng đón nhận.

Không chỉ siêu thị trong nước mới đưa ra thị trường sản phẩm HNR mà các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài cũng triển khai hoạt động này. Siêu thị Big C hiện đang bày bán 150 HNR nhãn hiệu WOW gồm các loại bánh kẹo, giấy viết, nước mắm, dầu ăn...

Từ năm 2016, hệ thống siêu thị Lotte Mart bắt đầu đưa ra thị trường sản phẩm HNR Choice L với hơn 1.000 mặt hàng từ đồ gia dụng, thời trang, điện máy... đến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Thực tế cho thấy, sau khi các siêu thị đưa ra HNR, mặt hàng này đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, bởi giá bán thấp hơn hàng chính hãng từ 15 - 30% mà chất lượng tương đương. Lý giải về giá bán HNR luôn rẻ, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, sản phầm HNR có giá thấp là do siêu thị có lợi thế kênh phân phối nên không phải tốn chi phí quảng cáo như DN sản xuất.

Ngoài ra, siêu thị có thể chủ động giảm mức lãi để có mức giá rẻ cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm. Đặc biệt, nhà bán lẻ nắm được thị hiếu khách hàng, xu hướng tiêu dùng, mức chi tiêu… nên biết cần đầu tư sản xuất mặt hàng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Kích thích doanh nghiệp sản xuất

Việc các siêu thị xây dựng HNR không chỉ mang lại cho người tiêu dùng tiếp cận hàng giá rẻ mà còn thúc đẩy DN sản xuất và tiêu thụ hàng Việt.

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Thành (Hà Nội) Nguyễn Mai Ngọc, một trong những DN đang gia công HNR cho hệ thống siêu thị cho biết, cái được lớn nhất của việc gia công HNR là DN tối ưu hóa được công suất máy móc, thiết bị, nhà xưởng, không phải lo khâu tiêu thụ.

“Đặc biệt để tránh tình trạng tự mình cạnh tranh với chính mình, DN phải xây dựng chiến lược phát triển dòng sản phẩm mang thương hiệu DN, có thể nói sản xuất HNR đã tạo ra động lực kích thích DN phát triển sản xuất” - bà Nguyễn Mai Ngọc khẳng định.

Phân tích những lợi ích mà HNR đem lại cho người tiêu dùng, DN sản xuất, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nêu rõ: Không chỉ người tiêu dùng được hưởng ưu đãi khi sử dụng HNR mà các DN sản xuất còn có thêm đơn hàng, đồng thời là phép thử và thước đo để biết được thương hiệu DN đã được người tiêu dùng tín nhiệm hay chưa.

Đồng tình với phân tích này, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan nhận định, phần lớn HNR tập trung ở nhóm hàng phổ thông, phân khúc trung bình hoặc thấp nên các mặt hàng này chủ yếu cạnh tranh với các dòng sản phẩm của DN nhỏ. Việc sản xuất HNR không những không đe dọa các DN sản xuất mà ngược lại là “chất xúc tác” buộc DN phải liên tục đổi mới về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm để hấp dẫn người tiêu dùng.

"Việc phát triển HNR đã tương hỗ giữa DN sản xuất với bán lẻ, bổ sung lựa chọn cho người tiêu dùng. Hiện, trong hệ thống siêu thị Hapro đang bày bán sản phẩm thịt nguội, xúc xích, rượu mang nhãn hiệu Hapro do các DN thành viên Hapro sản xuất, giúp DN phát huy hết năng lực sản xuất, không phải cạnh tranh, tăng doanh thu và lợi nhuận do không phải mất chiết khấu cho nhà cung ứng " - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng.

Minh Ngọc