Nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

00:00 12/10/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ngày 3-8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, minh bạch. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 chuyển biến tích cực, tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt còn nặng nề, do đó các bộ, ngành, địa phương (BNĐP) phải nỗ lực, giải quyết đồng bộ các nhiệm vụ được giao. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh phải bám sát các việc, tăng cường kỷ luật kỷ cương; tiếp tục tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh, quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, minh bạch. Thủ tướng phê bình các đơn vị liên quan chậm trễ trong việc tìm tư vấn nước ngoài mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Thủ tướng yêu cầu từng cơ quan phải xử lý vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn, tạo niềm tin cho người dân và DN. Điều đó thể hiện qua thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Muốn làm được điều đó thì hệ thống hành chính phải đi đầu, làm gương để phục vụ người dân mạnh mẽ hơn. Để tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cập nhập kịch bản tăng trưởng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 20-8 để có đối sách; hoàn thiện chính sách đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đề xuất các giải pháp giải ngân vốn ODA; phấn đấu đạt mục tiêu đầu tư toàn xã hội ở mức 34-35% GDP; Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ, tạo điều kiện cho người dân và DN tiếp cận tín dụng; triển khai đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; bảo đảm tăng trưởng dư nợ tín dụng cao hơn. Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài khoá; tiết kiệm chi tiêu ngân sách; chống thất thu thuế, chuyển giá, phát triển mạnh thị trường chứng khoán; sớm rà soát ban hành, điều chỉnh một số luật thuế; tập trung rà soát, sửa đổi các quy định về thuế, phí, lệ phí. Bộ Công thương phải bảo đảm cán cân thương mại, hạn chế nhập siêu, tăng xuất khẩu; phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thực hiện tốt Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng Nghị định khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 này. Bộ Giao thông vận tải phải có giải pháp nâng cao công suất sử dụng cảng Cái Mép - Thị Vải, nghiên cứu giảm phí xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng... Thủ tướng biểu dương Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Thủ tướng chỉ đạo các BNĐP thực hiện nghiêm các Nghị quyết 19 và 35, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; rà soát, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC). Chính phủ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra việc này. Ngành nông nghiệp phải thường xuyên theo dõi thời tiết, bảo đảm an toàn các hồ đập, bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ, cho người dân; chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bảo đảm các nhu cầu thiết yếu cho phát triển như điện, vật liệu thay thế cát. Thủ tướng đề nghị các địa phương có mức tăng trưởng cao như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh... phải thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp cao hơn năm 2016. Bộ Xây dựng tiếp tục phát triển thị trường bất động sản trên tinh thần bảo đảm an toàn; khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Phát triển ngành du lịch, dịch vụ và kết cấu hạ tầng, nhất là một số tuyến giao thông trọng điểm. Thủ tướng biểu dương Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương làm tốt việc kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ; thực hiện tốt kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Thủ tướng cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ sớm đề ra các giải pháp tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ rà soát vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá DNNN, xử lý nghiêm người đứng đầu bộ, ngành, đơn vị nếu để chậm tiến độ. Tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án, công trình đang gặp khó khăn, nhất là 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương. Tiếp tục thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội. Bộ Y tế tập trung xử lý, dập dịch sốt xuất huyết. Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt năm học mới. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) làm tốt công tác dự báo thời tiết để có giải pháp ứng phó; kiểm soát chặt môi trường các nhà máy thép, nhất là nhà máy của Formosa ở Hà Tĩnh. Các bộ, ngành, địa phương (BNĐP) thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng về tinh giảm biên chế, cải cách hành chính (CCHC); tích cực thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 5 Khoá XII. Đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề giảm chi phí cho DN, Thủ tướng nêu rõ, các BNĐP phải nghiên cứu để giải quyết, tạo môi trường cạnh tranh tốt hơn. Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Tài chính rà soát, giảm chi phí cho DN, nhất là chi phí vận tải, logistic. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, CCHC; hạn chế tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, công chức nhũng nhiễu, phiền hà người dân và DN. Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu lấy năm 2017 là Năm giảm chi phí DN. * Trong phiên họp về xây dựng thể chế, Chính phủ đã nghe và thảo luận: Dự án Luật An ninh mạng; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động đường thủy nội địa… * Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Không chấp nhận đơn thôi việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa Cũng tại phiên họp thường kỳ, liên quan vấn đề Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo Luật Công chức và Nghị định 46/2010/NĐ-CP thực hiện Luật này, khi cán bộ đang trong quá trình điều tra, xem xét kỷ luật thì không được thực hiện chấp nhận thôi việc… Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Kỳ họp 16 Ủy ban Kiểm tra Trung ương có đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm chức vụ hiện nay của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Như vậy, việc quản lý đối với Thứ trưởng Công Thương thuộc Ban Bí thư; nếu Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì các cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc này. Riêng đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng Nội vụ, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương thực hiện đúng quy trình nếu như Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ngày 31-7, Ban Cán sự Đảng Chính phủ nhận được báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương và đơn xin thôi việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ trưởng Nội vụ và Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ xem xét, đề xuất với Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Tuy nhiên, theo Luật Công chức và Nghị định 46/2010/NĐ-CP thực hiện Luật này, khi cán bộ đang trong quá trình điều tra, xem xét kỷ luật thì không được thực hiện chấp nhận thôi việc… Phải bảo đảm môi trường khi thực hiện dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân Về vấn đề nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận ở Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan họp rà soát, trình Chính phủ phương án xử lý tốt nhất, bảo đảm an toàn môi trường. Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành liên quan cần rút kinh nghiệm sâu sắc hơn trong công tác tuyên truyền này để dư luận hiểu đúng sự việc. Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, tại buổi họp báo thường kỳ ở Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà cho biết, theo thông lệ thế giới, vật chất nạo vét từ biển được coi là tài nguyên và khuyến khích tái sử dụng. Từ trước đến nay, việc xây dựng các công trình cảng biển, việc duy tu nạo vét luồng lạch cũng làm theo hướng này. Theo Bộ KHĐT, 7 tháng qua, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần ước đạt 21,9 tỷ USD, tăng 52%; ước giải ngân vốn FDI đạt 9 tỷ USD, tăng 5,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,5%, thấp hơn so cùng kỳ năm trước (7,2%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.248,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước 118,3 tỷ USD, tăng 24%; nhập siêu khoảng 3,08 tỷ USD, chiếm 2,67% tổng kim ngạch xuất khẩu. (Theo NDĐT)