Nỗ lực bảo tồn kho di sản

00:00 12/10/2020

Hà Nội sở hữu 5.922 di sản vật thể và 1.793 di sản phi vật thể. Đây là con số mới nhất được cập nhật trong các đề án tổng kiểm kê di sản Hà Nội, được công bố trong Lễ kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam sáng 22/11.

Tuy nhiên, làm thế nào để bảo tồn những nét văn hóa thuộc về lịch sử ngàn năm trong cơn lốc đô thị hóa lại là một vấn đề nan giải đang đặt ra cho Hà Nội.
Giảm ở nội thành
Hà Nội mạnh dạn thực hiện đề án tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 30 quận, huyện của TP từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2015 nên có 1.793 di sản được nhận diện. Trong số này có các quận, huyện thu được kết quả tốt: Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên, Ba Vì, Long Biên, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Trong quá trình khảo sát, kiểm kê, các chuyên gia nhận định phần lớn các di sản nằm ở các huyện ngoại thành, càng đi sâu vào nội thành càng giảm. “Di sản đang có nguy cơ mai một cao, đang có nguy cơ bị biến đổi do tác động của vấn đề đô thị hóa hay của nền kinh tế thị trường” – TS Lê Thị Minh Lý nhận định. Một số xã, phường chưa phát hiện được di sản phần lớn là các xã, phường mới được tách ra hoặc sáp nhập do thay đổi về đơn vị hành chính.
Nhờ kết quả từ các chuyên gia, Hà Nội lập được danh mục 276 di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ và Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần ưu tiên bảo vệ khẩn cấp. Đến nay, Hà Nội có 12 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, ca trù, lễ hội truyền thống Lệ Mật, kéo co ngồi, kéo mỏ, lễ hội Đền Và, lễ hội đền Hát Môn, lễ hội đình Chèm, hát và múa Ải Lao, nghề thêu truyền thống thôn Đông Cứu và lễ hội đình Lưu Xá.
“Cấp cứu” di sản
TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa - đơn vị phối hợp thực hiện dự án tổng kiểm kê đưa ra cảnh báo rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ biến mất. Song song với kết quả kiểm kê, Sở VH&TT Hà Nội đã lập danh mục 6 di sản cần ưu tiên bảo vệ là: Di sản tiếng lóng Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên thuộc loại hình ngữ văn dân gian. Di sản hát Trống quân thuộc xã Khánh Hà huyện Thường Tín, xã Hát Môn huyện Phúc Thọ và xã Phúc Lâm, huyện Phú Xuyên thuộc loại hình trình diễn. Di sản bơi chải và hội đình Lưu Xá thuộc huyện Chương Mỹ. Di sản hát và múa Ải Lao quận Long Biên loại hình tập quán xã hội. Di sản nghề rèn Đa Sỹ quận Hà Đông và Tri thức chữa bệnh bằng thuốc Nam của người Dao ở huyện Ba Vì. Theo đó, các chuyên gia đề xuất 6 di sản thuộc các loại hình khác nhau cần nghiên cứu và có giải pháp bảo vệ thí điểm nhằm rút kinh nghiệm cho bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội.
Tuy nhiên, trong 2 năm thực hiện kiểm kê Hà Nội đồng thời thể hiện được sự cảnh báo cho cộng đồng trong việc giữ gìn và thực hành di sản. Chính vì vậy, hát Trống quân từ lúc không có môi trường truyền dạy đã thành lập được CLB hát Trống quân Phúc Thọ. Không chỉ biểu diễn mỗi dịp cuối tuần ở đình làng, CLB hát Trống quân Phúc Thọ còn nhận được lời mời biểu diễn ở rất nhiều địa phương khác. Nghệ nhân hát Trống quân Lương Mai Hồng (xóm 4, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) mừng rơi nước mắt khi 1 - 2 năm trở lại đây không phải các cụ 70 tuổi hát đối giao duyên mà là thanh niên 18 đôi mươi. “Không gian trình diễn hát Trống quân thực sự đã trở lại làng tôi” – nghệ nhân Lương Mai Hồng chia sẻ.
Không chỉ có hát Trống quân, mà 5 di sản từng có nguy cơ mai một trở lại cũng dần được phục hồi tại địa phương. Nhờ sức sống của hàng ngàn di sản ở các địa phương mà giá trị văn hóa của Thăng Long – Hà Nội luôn tiềm ẩn nhiều sức hút. Tuy nhiên, để bảo tồn các giá trị ấy trong đời sống hiện đại, đặc biệt là các phong tục tập quán như: Lễ cấp sắc, lễ tơ hồng… luôn là thách thức. “Sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nội tuy đạt được những thành tích đáng khích lệ nhưng còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại và đứng trước thách thức không nhỏ” - ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội thừa nhận. Chính vì vậy, Hà Nội đang lên những kế hoạch cụ thể để bảo tồn hiệu quả kho tàng di sản vô giá của mình.
(Theo kinhtedothi.vn)