Nợ công vẫn tăng, vay để trả nợ gốc tăng nhanh

00:00 12/10/2020

Nhận thấy số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ tính toán kỹ lộ trình vay, trả nợ...

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ cho thấy, ước thực hiện chi cả năm tăng 2,6% (39,2 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển (ĐTPT) tăng 4,7% (18,66 nghìn tỷ đồng) so với dự toán; chi thường xuyên tăng 1,3% (12,25 nghìn tỷ đồng) so với dự toán.

Việc sử dụng dự phòng ngân sách trung ương (NSTW) để hỗ trợ các địa phương gạo cứu đói, kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh được thực hiện kịp thời, tiết kiệm. Tỷ trọng chi ĐTPT/tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 26,78% tổng chi NSNN, cao hơn số thực hiện năm 2017 là 25%, tỷ trọng chi thường xuyên (đã bao gồm cả chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế) ước đạt 63,29% tổng chi NSNN, thấp hơn số ước thực hiện năm 2017 (64,68%).

Ủy ban TCNS cho rằng, về cơ bản, Chính phủ đã điều hành bám sát dự toán, quản lý ngân sách theo hướng ngày càng đề cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hậu kiểm trong việc giao nhiệm vụ chi, kiểm soát chi tập trung một đầu mối, sắp xếp lại tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, đẩy mạnh giao quyền tự chủ trong các lĩnh vực sự nghiệp công lập, thực hiện nâng lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội.

Số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh - ảnh minh họa

Chi thường xuyên vẫn cao

Ngoài những điểm sáng nói trên, Báo cáo của Ủy ban TCNS cho thấy, qua giám sát vẫn còn một số vấn đề tồn tại.

Cụ thể, trong lĩnh vực chi thường xuyên, việc cơ cấu lại chi NSNN chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN còn cao. Theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 thì cần tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Tuy nhiên, kết quả 3 năm gần đây cho thấy chuyển biến chưa thực chất (cơ cấu chi thường xuyên trong tổng chi NSNN: số thực hiện năm 2017: 64,68%, số đánh giá bổ sung: 62,46%; dự toán năm 2018: 64,11%, ước thực hiện năm 2018: 63,29%.)

Thứ hai, việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội thiếu đồng bộ, chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Từ năm 2016, Nhà nước thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều, tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn đồng bộ, cụ thể để thực hiện. Trên thực tế, chính sách giảm nghèo vẫn chủ yếu tập trung vào mục tiêu giảm nghèo về thu nhập, dẫn đến chính sách chưa phát huy được hiệu quả.

Ngoài ra, một số chính sách chi hỗ trợ an sinh xã hội còn trùng lặp về đối tượng; có khoản chi hỗ trợ an sinh xã hội của NSTW cho địa phương còn dư chi, chưa kịp thời thu hồi; còn hiện tượng trục lợi chính sách, gây thất thoát NSNN. Có địa phương tuy có thu điều tiết về NSTW nhưng nguồn thu cân đối chưa thật ổn định, trong năm vẫn ban hành nhiều chính sách chi hỗ trợ an sinh xã hội.

Thứ ba, việc hướng dẫn về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đồng bộ, kịp thời, chưa cụ thể nên về cơ bản, việc thực hiện còn chậm (Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn về tự chủ đối với 02 lĩnh vực, còn 6 lĩnh vực chưa có Nghị định hướng dẫn). Điều này dẫn đến NSNN vẫn còn phải bao cấp hầu hết chi đầu tư và nhiều khoản chi thường xuyên cho nhiều đơn vị sự nghiệp công lập ở cả trung ương và địa phương. Việc quản lý nguồn thu từ khai thác tài sản công còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp, thất thoát nguồn lực còn lớn.

Thứ tư, việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức, chưa có chuyển biến thực sự, có nơi còn chưa đúng pháp luật. Công tác tổ chức phê duyệt quyết toán dự án đầu tư sau khi hoàn thành chưa nghiêm, các địa phương còn tồn đọng nhiều dự án hoàn thành, chưa được phê duyệt quyết toán theo quy định. Công tác đánh giá để có biện pháp sửa đổi, hoàn thiện, đổi mới cơ chế tài chính đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị trong một số ngành, lĩnh vực còn chậm.

Thứ năm, việc sắp xếp, tổ chức lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa thực sự quyết liệt, chưa có nhiều chuyển biến, số lượng các quỹ TCNN ngoài ngân sách do các bộ, cơ quan trung ương quản lý chưa có chuyển biến so với các năm trước; một số quỹ đã được đánh giá là trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng nhưng chưa được xử lý triệt để. Công tác rà soát, sắp xếp lại ở địa phương còn chậm và lúng túng do chưa có hướng dẫn để thực hiện.

Còn trong lĩnh vực chi đầu tư phát triển, Ủy ban TCNS cho rằng, tình trạng giao vốn đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật chưa được khắc phục, vẫn còn tình trạng giao vốn chưa hết, đến nay còn hơn 6,2% vốn TPCP chưa được phân bổ; nguồn vốn đầu tư để lại chưa đưa vào cân đối ngân sách ước khoảng 60 nghìn tỷ đồng giao vốn rất chậm, việc giao nhiều lần vẫn còn xảy ra.

Cùng với đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB tuy có tích cực hơn so với 2 năm trước nhưng vẫn còn chậm. Năm 2018, ước giải ngân XDCB cả năm đạt khoảng 88,2% (năm 2017 là 83%). Có những dự án quan trọng quốc gia, chương trình MTQG và một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA bị chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí ngân sách trong khi một số dự án có khả năng thực hiện và giải ngân tốt nhưng được bố trí kế hoạch vốn thấp hoặc chưa được bố trí. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, có phát sinh một số nhu cầu cấp bách, nhưng vì không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên không được bố trí vốn.

Ngoài ra, một số dự án chưa được thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư công nên phải điều chỉnh kế hoạch, giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn; những tồn tại, hạn chế trong những năm trước của một số dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT chưa được khắc phục; một số dự án chưa thu hút được nguồn lực đầu tư ngoài NSNN theo chủ trương được phê duyệt...

Nợ công tiếp tục đà tăng

Về một số vấn đề phát sinh trong điều hành NSNN, Ủy ban TCNS cho biết, trong thực tế điều hành NSNN năm 2018, có phát sinh một số dự án sử dụng vốn vay, viện trợ nước ngoài chưa được giao dự toán, Chính phủ trình Quốc hội cho phép bổ sung dự toán NSNN năm 2018, bao gồm: Dự toán thu và chi đầu tư phát triển từ khoản viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Ai Len năm 2018 để đầu tư cho Dự án hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn 79,854 tỷ đồng; Dự toán thu và chi thường xuyên từ khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ cho tỉnh Bình Thuận để thực hiện Dự án quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu 70 tỷ đồng; Dự toán thu và chi vốn ngoài nước cho Ngân hàng nhà nước Việt Nam để thực hiện Dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (Hợp phần tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) 138,952 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Tài chính ngân sách, Chính phủ đã có Tờ trình về từng nội dung, báo cáo UBTVQH và được UBTVQH chấp thuận về mặt nguyên tắc, cho phép giải ngân theo cam kết với các nhà tài trợ và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, cho phép bổ sung dự toán NSNN năm 2018 tại kỳ họp thứ 6. Vì vậy, Chính phủ báo cáo Quốc hội là đúng thẩm quyền. Ủy ban TCNS xin Quốc hội chấp thuận nội dung Chính phủ trình.

“Tuy nhiên, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo Quốc hội đầy đủ các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung dự toán NSNN năm 2018  và phản ánh đầy đủ trong các số liệu, phụ lục liên quan…” - báo cáo giám sát nêu.

Về cân đối ngân sách, theo báo cáo của Chính phủ, bội chi NSNN ước bằng dự toán là 204 nghìn tỷ đồng. Ước dư nợ công năm 2018 là 61,4%GDP, nợ nước ngoài là 49,7%GDP, trong phạm vi cho phép. Nếu so với kết quả của các năm trước (2016 là 63,7%GDP, năm 2017 là 61,4%), tỷ trọng nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỷ trọng vay trong nước cao hơn là một kết quả tích cực, có thể bảo đảm thực hiện mục tiêu của Quốc hội về chỉ tiêu nợ công của giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, theo Ủy ban TCNS, số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Do vậy, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ tính toán kỹ lộ trình vay, trả nợ và đặc biệt lưu ý đến những chương trình, dự án mới đã ký kết và đang đàm phán nhưng chưa giải ngân nên chưa tính vào nợ công sẽ là yếu tố tăng nợ công trong thời gian tới.

 Xuân Hưng