Ninh Bình:Doanh nghiệp "nắn" cầu gần chục tỷ đi thẳng vào... mỏ đá?

00:00 12/10/2020

Cây cầu 9,9 tỷ đồng được xây dựng để phục vụ 40 hộ dân ở Ninh Bình đã bị đơn vị thi công “nắn” đi thẳng vào mỏ đá của doanh nghiệp này. Cầu nằm xa dân cư lại không có đường lên nên người dân địa phương vẫn phải đi đò qua sông mỗi ngày.

Cây cầu 9,9 tỷ đồng được nhà nước đầu tư xây dựng cho người dân xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, Ninh Bình

Xây cầu chục tỷ cho dân Thôn Hảo Nhao và Nhân Phẩm, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô (Ninh Bình) có khoảng 40 hộ dân với gần 100 nhân khẩu sinh sống ở bên kia sông Bút (sông nhà Lê), nằm tách biệt với khu trung tâm. Những năm trước, người dân khu vực này muốn đến được trung tâm xã, học sinh đi học… phải qua sông bằng những chiếc đò tự chế. Sự cách biệt này đã gây không ít khó khăn cho nhiều hộ dân. Ông Nguyễn Văn Tiến, thôn Nhân Phẩm cho biết, trước đây nhà nào cũng phải có chiếc đò để đi lại qua sông, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Từng có lần xảy ra chìm đò nhưng may mắn không có ai gặp nạn. “Việc đi lại của người dân khó khăn là thế, khổ nhất là các cháu học sinh cũng phải qua sông mỗi ngày để đến trường. Mỗi lúc qua sông là phải "gồng mình" trên đò vì rất mất an toàn, nguy hiểm luôn rình rập”, ông Tiến nói. Phải sống “lụy đò” nhiều năm, các hộ dân địa phương rất mong muốn có một cây cầu để đi lại được thuận tiện, không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn để phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết, nhu cầu có một cây cầu là rất chính đáng. “Không chỉ phục vụ hơn 40 hộ dân với gần 100 nhân khẩu mà còn phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong xã để canh tác hơn 100ha đất nông nghiệp bên kia sông”, ông Thuận nói. Trước thực trạng trên, năm 2010 UBND tỉnh Ninh Bình đồng ý cho huyện Yên Mô xây dựng cầu Hảo Nho, bắc qua sông Bút phục vụ đời sống nhân dân. Cầu có chiều dài hơn 64m, rộng 6,5m, tổng mức đầu tư là 9,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện và kinh phí hỗ trợ khác của tỉnh. Tháng 12/2013, cây cầu mơ ước bao đời của người dân hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Doanh nghiệp hưởng lợi

Một thực trạng đáng buồn là, từ khi cầu Hảo Nho được đưa vào sử dụng đến nay, người dân địa phương vẫn phải đi đò qua sông. Ông Tiến cho hay, cây cầu mới xây dựng nằm cách xa khu dân cư, đường dẫn từ các hộ dân lên cầu không có. “Người dân chúng tôi vẫn phải đi đò qua sông, muốn qua cầu phải tự đóng tiền để đổ đường tạm đi lên cầu”, ông Tiến nói.

có cầu mới bắc qua sông nhưng người dân vẫn chèo đò qua sông vì không có đường lên cầu, cầu nằm xa dân cư

Một người dân cho biết, mỗi lúc đi làm đồng, đi chợ họ đều đi bằng đò qua sông. Còn đưa con đi học hoặc đi đâu xa bằng xe máy thì mới đi lên cầu vì không dám đánh cược tính mạng của các cháu học sinh trên những chiếc đò tạm bợ. “Cây câu này xây dựng chủ yếu là để phục vụ cho việc vận chuyển đá của doanh nghiệp”, người này nói. Nguyên nhân chính của việc cầu chục tỷ xây dựng để phục vụ người dân nhưng doanh nghiệp lại hưởng lợi là, trong quá trình xây dựng phía nhà thầu là doanh nghiệp Nhật Dung đã “phù phép” để cây cầu thay đổi vị trí xây dựng. Từ chỗ cầu bắc qua sông, đi vào khu dân cư đã bị “nắn” đi thẳng vào mỏ khai thác đá của chính doanh nghiệp này. Chủ tịch UBND xã Yên Lâm thừa nhận, trong quá trình thi công cầu, nhà thầu có điều chỉnh thay đổi vị trí so với thiết kế ban đầu. “Việc thay đổi vị trí xây cầu khiến cây cầu này đâm thẳng vào mỏ khai thác đá của doanh nghiệp Nhật Dung”, ông Thuận nói. Lý giải về việc “nắn” cầu vào mỏ đá, ông Phạm Văn Chiến, đại diện doanh nghiệp, Quản lý tại mỏ khai thác đá Nhật Dung cho hay, việc thay đổi vị trí so với thiết kế ban đầu đã được chủ đầu tư cho phép. "Người dân ít đi trên cầu là vì chưa có đường dân sinh đi lên cầu nên họ vẫn đi đường cũ”, ông Chiến nói.

Cầu chục tỷ xây cho dân được "nắn" thẳng vào mỏ đá, doanh nghiệp hưởng lợi?

Từ ngày cây cầu Hảo Nho được đưa vào sử dụng, mỗi ngày người dân đi qua cầu chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, lại có đến hàng trăm lượt xe tải qua cầu để vào mỏ khai thác đá của doanh nghiệp Nhật Dung, sau đó chở vật liệu xây dựng ra bên ngoài. Những chiếc xe tải hạng nặng thường xuyên "cày" đã làm mặt cầu nham nhở, bụi bẩn, đá đất rơi vãi khắp nơi... Có cầu mới, việc vận chuyển đá của doanh nghiệp này được thuận lợi hơn. Ngược lại, người dân vẫn hàng ngày đánh cược tính mạng để đi đò qua sông. Nghịch lý này xin chờ câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng địa phương. Thái Bá/theo dt