Những "túi nước" ô nhiễm giữa lòng Đà Nẵng

00:00 12/10/2020

Vụ cá chết nổi trắng hồ Công viên 29/3 ở Đà Nẵng mới đây là hồi chuông cảnh tĩnh với địa phương này, khi mà hầu hết các hồ điều tiết trong TP. Đà Nẵng đều bị ô nhiễm ở đáy hồ. Để phát huy tác dụng các hồ điều tiết này, ngành chức năng TP. Đà Nẵng cần có những đầu tư cần thiết.

Các KCN đều có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường
Hầu hết các hồ điều tiết trong TP. Đà Nẵng đều bị ô nhiễm ở đáy hồ

Những “túi nước” ô nhiễm nặng

Một đặc điểm chung của các hồ điều tiết ở Đà Nẵng là hồ tù nước nên mọi nguồn nước thải, nước mưa, bùn đều thải xuống lòng hồ, nhưng lâu năm không được nạo vét nên đáy hồ đã bị ô nhiễm nặng, lượng khí mê tan rất cao. Theo quan sát, hầu hết các hồ đều bẩn, có mùi hôi, trong đó đặc biệt là hồ Công viên 29/3, Đò Xu, Bầu Trảng, Phần Lăng.

Theo ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng: “Nhiều năm qua, cá tại một số hồ đã chết do ô nhiễm nguồn nước như hồ Xuân Hà, Bầu Trảng, Phần Lăng. Tết vừa qua, cá tại hồ Bầu Trảng chết nhiều, nhân viên chúng tôi phải đến vớt và xử lý ô nhiễm môi trường tại hồ này. Hồ Bầu Trãng bị ô nhiễm nặng, bởi nó là cái rốn để nhận nước từ kênh và hồ Phần Lăng, nước từ sân bay thải ra”.

Theo thống kê, Đà Nẵng hiện có hơn 20 hồ điều tiết lớn, nhỏ. Các hồ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết nước, chống ngập úng vào mùa mưa, điều hòa khí hậu, tạo cảnh quan vào mùa nắng. Tuy nhiên, nhược điểm của các hồ là tù nước - như một cái túi đựng nước. Khi gặp thời tiết nắng nóng, hệ sinh thái đáy phát triển dẫn đến hiện tượng đảo bùn khiến lượng ôxy bị thiếu hụt. Do đó, các loại cá, đặc biệt là cá rô phi, tôm càng sẽ chết. Vụ cá chết hàng loạt tại hồ Công viên 29/3 vừa qua là một minh chứng, khi mà cơ quan chức năng đo hệ số DO (khí ôxy hòa tan) thấp hơn 2 lần so với bình thường.

Nhiều năm qua, cá tại một số hồ đã chết do ô nhiễm nguồn nước
Nhiều năm qua, cá tại một số hồ đã chết do ô nhiễm nguồn nước

Điều đáng nói, việc một số nhà hàng mọc lên bên cạnh hồ và ít nhiều nước thải sẽ trực tiếp thải ra hồ; nhiều người dân câu cá, xung điện, xả rác khiến cá chết như hồ Đò Xu… “Không thể một mình công ty chúng tôi có thể quản lý hết được mà chính quyền từ quận, phường đến tổ dân phố phải vào cuộc kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát sự tác động của con người để hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm. Phải có sự tổng hòa trong vấn đề giải quyết mới hạn chế được ô nhiễm, các hồ mới phát huy được vai trò” - ông Mai Mã cho biết thêm.

Cần một chiến lược “dài hơi”

Trao đổi với PV, ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho hay: Hiện các hồ trên địa bàn thành phố có diện tích ít nhất từ 2 - 12ha. Theo tính toán của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng thì số lượng bùn thải lắng đọng ở đáy hồ dày từ 0,5 - 1m, nên tổng lượng bùn hiện nay hơn 300.000m3.

Các hồ điều tiết ở Đà Nẵng là hồ tù nước nên mọi nguồn nước thải, nước mưa, bùn đều thải xuống lòng hồ
Các hồ điều tiết ở Đà Nẵng là hồ tù nước nên mọi nguồn nước thải, nước mưa, bùn đều thải xuống lòng hồ

Thống kê của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho thấy, hồ Công viên 29/3 rộng hơn 10 ha, độ lắng đọng bùn dày khoảng 0,5m, nên số lượng bùn lên đến hơn 50.000m3; hồ Đò Xu lượng bùn lắng đọng dày khoảng 1m, diện tích hồ rộng hơn 12ha, nên tổng lượng bùn hơn 120.000m3… Vì vậy, cần phải xây dựng kế hoạch để nạo vét lòng hồ định kỳ. Trước mắt, theo công ty là sẽ kiến nghị thành phố cho nạo vét cống bao, gia cố lại các cửa xả vào hồ trong mùa khô tại hồ Công viên 29/3, cũng như xây dựng kế hoạch để nạo vét lòng hồ.

Qua tìm hiểu của PV được biết, hơn 20 hồ trên địa bàn thành phố nhưng chỉ có 4 hồ có cống bao là hồ Công viên 29/3, Đò Xu, Thạc Gián, Vĩnh Trung. Với dự án hạ tầng ưu tiên, hiện nay, tại kênh Phần Lăng, Ban dự án hạ tầng ưu tiên đã cho xây dựng cống bao hai bên kênh.

“Khi hai cống bao này hoàn thành sẽ ngăn chặn được một lượng nước thải chưa xả lý xuống kênh và hồ Phần Lăng cũng như hồ Bầu Trảng, hạn chế ô nhiễm tại hai địa điểm này. Dẫu vậy, các hồ còn lại cũng phải nên nghiên cứu để xây dựng cống bao thu gom nước thải, không cho nước thải thải trực tiếp xuống lòng hồ”- ông Phan Quang Khương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê cho biết thêm.

Mới đây chết nổi trắng hồ Công viên 29/3 ở Đà Nẵng là một điển hình
Mới đây chết nổi trắng hồ Công viên 29/3 ở Đà Nẵng là một điển hình

Cũng theo ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng thì thành phố nên đầu tư hệ thống đài phun nước tại các hồ. Nó vừa có tác dụng tạo cảnh quan, vừa tăng lượng ôxy, tham gia xử lý nước thải trong hồ. Dự án này đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới thực hiện. Nếu được như vậy, việc ô nhiễm tại các hồ sẽ được giải quyết, không còn việc cá chết xảy ra tại các hồ như thời gian vừa qua.

Hiện tại để giải quyết vấn đề ô nhiễm trước mắt, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã trồng các bè thủy sinh; tiến hành phun chế phẩm khử mùi, vớt rác. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Thành phố càng phát triển, trong tương lai, vai trò các hồ điều tiết cực kỳ lớn. Vậy nên chính quyền Đà Nẵng cần có sự đầu tư mang tính lâu dài để phát huy tác dụng và vai trò của các hồ diều tiết.

Theo baotainguyenmoitruong.vn