Những thương hiệu “vang bóng một thời” rậm rịch tấn công trở lại thị trường

00:00 12/10/2020

Xe đạp Thống Nhất, diêm Thống Nhất, cao Sao Vàng... những thương hiệu hơn 60 năm tuổi "vang bóng" hiện nay đều đang từng bước quay trở lại thị trường.

Đã có thời gian những sản phẩm mang thương hiệu Việt như xà phòng Cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan, bột giặt Haso… chiếm lĩnh trên thị trường tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên sau một thời gian danh tiếng lẫy lừng các thương hiệu này đã bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm và mất dần thương hiệu.

Trong thập niên 70-80 của thế kỳ trước, Diêm Thống Nhất từng được coi là niềm tự hào của ngành công nghiệp nhẹ và sản phẩm diêm Thống Nhất chiếm lĩnh gần như 100% thị phần đánh lửa tại Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm diêm ngày càng ít được sử dụng, khi các công cụ đánh lửa hiện đại xuất hiện.

Để thay thế diêm lỗi thời, Diêm Thống Nhất đã chuyển hướnkinh doanh sang sản xuất, phân phối bật lửa. Bật lửa Thống Nhất không còn có hình đôi chim bồ câu ở trên và không gây ấn tượng như diêm trước đây. Với giá 2.000 đồng một sản phẩm, năm 2016, công ty tiêu thụ được 10 triệu bật lửa, kết quả này chỉ tương đương khoảng 12% kỳ vọng của công ty (85 triệu chiếc).

Nhiều người tiêu dùng bây giờ vẫn ám ảnh mùi khói diêm sinh của diêm Thống Nhất, việc để họ chọn bật lửa Thống Nhất không phải là điều ngày một ngày hai. Vậy nên diêm Thống Nhất vẫn gắng gượng “cháy” hòng thắp sáng lại thương hiệu 60 năm.

 Dẫu vậy, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất (mã chứng khoán DTN) cũng chưa năm nào phải báo lỗ. Năm 2017, doanh nghiệp này đã ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trở lại sau 4 năm sụt giảm liên tiếp.

Cụ thể, năm 2017, Diêm Thống Nhất ghi nhận 116 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2% và báo lãi ròng hơn 2 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước đó.

Một thương hiệu khác từ thời bao cấp là những chiếc bóng đèn, phích nước do Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã chứng khoán RAL) sản xuất vẫn đang sống khỏe giữa áp lực cạnh tranh của thị trường.

Rạng Đông vừa trải qua năm 2017 đầy thành công với việc thu về 3.270 tỷ doanh thu thuần, tăng trưởng 11% so với năm 2016. Khoản lợi nhuận sau thuế đạt trên 214 tỷ đồng, tăng 46% giúp EPS (lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phiếu) của công ty đạt 18.611 đồng, năm trong nhóm những doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường chúng khoán.

Trong quý I/2018, Rạng Đông tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi thu về 909 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3% và báo lãi ròng 49 tỷ đồng.

Cũng "sống khỏe" nhờ thương hiệu xưa là Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket với thương hiệu mỳ 2 tôm nổi tiếng. Từng độc quyền thị trường mỳ gói vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, nhưng sự xuất hiện của các đối thủ nhiều tiền đã khiến thị phần của Miliket ngày càng thu hẹp.

Tuy vậy, nhờ việc tập trung vào thị trường nông thôn, người thu nhập thấp và phân phối sản phẩm cho các quán lẩu, hàng ăn năm 2017 vừa qua, “mỳ 2 tôm” thu về 553 tỷ đồng doanh thu thuần và báo lãi ròng sau thuế gần 23 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Đây cũng là kết quả tốt nhất của Miliket trong 4 năm trở lại đây.

Ngay từ thời còn Pháp thuộc, người Việt Nam không ai là không biết đến tên tuổi của thương gia Trương Văn Bền và đi liền với nó là thương hiệu sản phẩm “xà phòng Cô Ba” nổi tiếng.

 

Xà bông Cô Ba nổi danh một thời. Ảnh: VTC

Không chỉ nổi tiếng khắp ba miền Bắc Trung Nam mà thương hiệu xà phòng Cô Ba còn nổi danh ở xứ Miên, Lào… Ở trong nước, thương hiệu xà phòng Cô Ba còn đánh bật cả xà phòng của người Tàu để chiếm lĩnh tới 70% thị phần tiêu thụ.

Trong mấy chục năm liền từ khi ra đời năm 1932 đến trước những năm 90 sản phẩm xà phòng Cô Ba tung hoành trên thị trường với mức tiêu thụ “khủng” đến 600 tấn/tháng. Trải qua nhiều thời gian, thương hiệu xà phòng Cô Ba thuộc về công ty bột giặt Phương Đông.

Không có thời gian hoành hành thị trường dài như xà phòng Cô Ba nhưng kem đánh răng Dạ Lan cũng là thương hiệu Việt “lẫy lừng” một thời đối với người tiêu dùng Việt Nam. Ra đời từ năm 1988 kem đánh răng Dạ Lan là kết quả hợp tác giữa kỹ sư Lưu Trung Nghĩa và Cơ sở sản xuất Sơn Hải (tiền thân của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Sơn Hải).

Là sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp túi tiền người Việt Nam thời bấy giờ kem đánh răng Dạ Lan không chỉ được tiêu thụ mạnh tại các vùng đô thị lớn, mà còn len lỏi được đến tận các vùng nông thôn từ Miền Nam đến tận miền Bắc.

Sản phẩm cao Sao Vàng. Ảnh: Nhân dân

Cao Sao Vàng - thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả Liên Xô và các nước Đông Âu từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Hộp cao Sao Vàng “thần thánh” với người Việt Nam dường như trị được bách bệnh. Tôi nhớ những năm 80 của thế kỷ trước, gia đình nào cũng có hộp cao nhỏ hình sao vàng bên ngoài. Hễ cứ nhức đầu, sổ mũi, chóng mặt, say tàu xe, đau bụng, bong gân... lại dùng đến cao Sao Vàng. Thậm chí có người “tín nhiệm” cao Sao Vàng đến nỗi hễ cứ đổ bệnh là nuốt thứ cao cay nồng này vào bụng...

Sau một thời gian im ắng, Công ty cổ phần Dược phẩm OPC và Công ty cổ phần dược Trung ương 3, hai đơn vị sản xuất cao Sao Vàng đã đưa sản phẩm này trở lại tái xuất mạnh mẽ trên thị trường. Điều đáng nói là sản phẩm này vẫn ảm đạm ở trong nước nhưng bỗng dưng được người nước ngoài ưa chuộng.

Số lượng bán ra của cao Sao Vàng luôn trong tình trạng “cháy hàng” tại các website bán hàng trực tuyến nổi tiếng như eBay hay Amazon, các gian hàng dược phẩm online ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Australia... Ngay cả phải mua với giá lẻ khoảng 40 nghìn đồng mỗi hộp, đắt gấp 10 lần giá nội địa, chưa kể phí vận chuyển mà khách vẫn chấp nhận. Cao Sao Vàng giờ đã có mặt ở 15 nước trên thế giới.

Không dễ dàng để một thương hiệu có thể khiến người tiêu dùng “say như điếu đổ”, đánh bại được những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài hay cạnh tranh được về giá thành, chất lượng đặc biệt trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, những “ông lớn” ngoại quốc xuất hiện ngày càng nhiều với tiềm lực tài chính mạnh và quản trị tốt. Một thương vụ mua bán có thể coi là điển hình trong thời gian vừa qua là việc Masan đã “mạnh tay” mua lại Vĩnh Hảo.

Từ vài chục năm trước, nguồn nước Vĩnh Hảo đã được biết đến với chất lượng nước khoáng được so sánh với nguồn nước khoáng Vichy rất nổi tiếng tại Pháp. Tuy vậy, Vĩnh Hảo đã dần chìm vào quên lãng cho đến khi có sự xuất hiện của Masan.

Giới chuyên gia từng thừa nhận chính sức mạnh thương hiệu của Vĩnh Hảo đã khiến công ty này trở thành mục tiêu hấp dẫn trong kế hoạch mua bán, sáp nhập của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Coca Cola, Pepsi thời điểm đó.

Thương hiệu khác là Bia Larue thuộc BGI (Brasseries, Glacières d’Indochine) từng nổi danh khắp miền Nam và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia đã gần như biến mất khỏi thị trường kể từ năm 1975. Tuy nhiên, sản phẩm này đã được CTCP Nhà máy bia Việt Nam (VBL), đơn vị sản xuất một số dòng bia như Tiger, Heineken… “hồi sinh” trở lại.

Bia Trúc Bạch tái sinh sau nửa thế kỷ. Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam

Bia Trúc Bạch, một hình ảnh Hà Nội thời bao cấp nhưng vì nhiều lý do, bia Trúc Bạch đã âm thầm rời khỏi thị trường. Năm 2008, CTCP Bia rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) mới khôi phục lại thương hiệu này.

Cơ sở để Habeco kỳ vọng vào sự trở lại của bia Trúc Bạch là do sản phẩm vẫn đang được nhiều người dân Hà Nội nhắc nhớ. Đặc biệt, sản phẩm được kết hợp giữa bí quyết sản xuất bia hơn 120 năm nay và sử dụng các nguyên liệu nhập khẩu từ Czech và Pháp.

Với những gì đã diễn ra với Vĩnh Hảo, Bia Larue, Bia Trúc Bạch người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng rằng những sản phẩm vang bóng một thời còn lại sẽ được “hoàn sinh” bởi quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp sau khi mua lại những thương hiệu này sẽ tiếp tục gìn giữ và tạo dựng thương hiệu bền vững hơn.

Vũ Đậu