Những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

00:00 12/10/2020

Tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ buôn lậu thuốc lá; Tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời"; Giải pháp chống tội phạm công nghệ cao Khẩn trương xử lý đơn thư kiến nghị về tai nạn giao thông tại Ninh Bình;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ buôn lậu thuốc lá

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là tình trạng buôn lậu thuốc lá.

Theo phản ánh của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, giai đoạn 2013-2018, ngành thuốc lá chịu nhiều thách thức từ thuốc lá nhập lậu và bình quân tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lên đến trên 700 triệu bao mỗi năm, có năm chiếm tới 25% thị trường.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan kiểm tra thông tin nêu trên; đồng thời, chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là tình trạng buôn lậu thuốc lá thời gian qua; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2019.

Tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời"

Về tinh giản biên chế, các Nghị quyết Trung ương 6, 7 Khóa XII, Nghị quyết 39/NQ-TW và Kết luận 17-KL/TW của Bộ Chính trị đều khẳng định: thực hiện tinh giản biên chế trong cả hệ thống chính trị đến năm 2021 phải đạt 10%; đồng thời thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đối với viên chức phải đạt tối thiểu 65% làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Chính phủ luôn chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.

Tại khối Chính phủ quản lý, tính đến năm 2019, biên chế công chức đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015; biên chế viên chức giảm 3,87% so với năm 2015. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng 68 đã thực hiện tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP từ năm 2015 đến 31/12/2018 là 41.268 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; 10 tháng đầu năm 2018: 10.907 người). Tuy nhiên, thực tế mới thực hiện giảm số lượng đơn thuần (số lượng giảm hầu hết là nghỉ hưu trước tuổi), chưa gắn việc giảm số lượng với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Biên chế sự nghiệp y tế và giáo dục thừa, thiếu cục bộ.

Trước những tồn tại như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp:

Quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đã được phân công, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương tinh giản biên chế, chính sách tinh giản biên chế đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, trong đó chú trọng công tác hoàn thiện thể chế;

Rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trước mắt, Chính phủ sẽ bổ sung biên chế sự nghiệp y tế, giáo dục cho một số địa phương tăng dân số cơ học để bảo đảm nguyên tắc có học sinh có giáo viên đứng lớp, có người bệnh có cán bộ y tế theo Kết luận của Bộ Chính trị.

Có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời". Kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khoẻ, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

Chú trọng công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thực chất; tăng cường tự thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm. Thực hiện nghiêm túc việc phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Giải pháp chống tội phạm công nghệ cao

Về tình hình tội phạm công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian vừa qua tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại đặc biệt lớn về tài sản, nhất là thất thoát số lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài, có vụ thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Cùng với sự gia tăng của tội phạm sử dụng công nghệ cao trên thế giới, tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam phát hiện ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn. Năm 2018 và Quý I/2019, đã khởi tố 449 vụ án hình sự, 867 bị can; xử lý hành chính 187 vụ việc liên quan đến lĩnh vực sử dụng công nghệ cao. Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng hết sức tinh vi như: lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, các ứng dụng thoại trên nền Internet (OTT); thực hiện hành vi thanh toán “khống” hàng hóa - dịch vụ qua thiết bị thanh toán cầm tay kết nối mạng (POS), trộm cắp thông tin thẻ hoặc lợi dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến để chiếm đoạt tài sản... Đáng chú ý, xuất hiện ngày càng nhiều các đối tượng là người nước ngoài (đặc biệt là số đối tượng có quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan (TQ), Hàn Quốc và một số quốc gia ở Đông Âu), lợi dụng mục đích nhập cảnh du lịch vào Việt Nam, các đối tượng lưu trú tại các khách sạn, khu nhà ở dành cho người nước ngoài, móc nối với số đối tượng người Việt để thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, tình trạng đánh bạc trực tuyến và cá độ bóng đá qua mạng Internet tiếp tục gia tăng đáng kể trên toàn quốc dưới hình thức đánh bạc tín chấp (trả tiền sau) và đánh bạc thế chấp (trả tiền trước) gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội cho đất nước.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao còn diễn biến phức tạp, để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm sau đây:

Rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 Các Bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm minh với tội phạm sử dụng công nghệ cao.

 Đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao để nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân và các cơ quan, đơn vị, không để các đối tượng lợi dụng để hoạt động phạm tội.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đây là tội phạm không biên giới nên việc hợp tác quốc tế là đặc biệt quan trọng. Cần tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra, tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực và trang bị phương tiện chuyên dụng hiện đại của các nước tiên tiến nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

 Tăng cường đầu tư trang thiết bị phương tiện; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về pháp luật, nghiệp vụ, công nghệ thông tin cho cán bộ chiến sỹ trong lực lượng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu công tác.

Sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật, thông tin lừa đảo trên mạng Internet, chặn lọc việc truy cập, chia sẻ, tạm ngừng hiển thị nội dung trên mạng Internet khi phát hiện thông tin vi phạm.

Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet và mạng xã hội để tránh bị lợi dung, trở thành nạn nhân của tội phạm mạng.

Bên cạnh đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về những thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, đánh cắp thông tin, tài khoản cá nhân, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, kiểm soát việc cấp, bán tên miền quốc gia ".vn", việc cấp giấy xác nhận đối với các trang mạng xã hội, các trang Web có tên miền trong nước, xử lý nghiêm đối với chủ sở hữu các trang mạng có sai phạm. Đồng thời, tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng trong tình hình mới.

Khẩn trương xử lý đơn thư kiến nghị về tai nạn giao thông tại Ninh Bình

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có ý kiến về đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất giải quyết đơn thư đề ngày 21/5/2019 của ông Vũ Thanh Hoa (địa chỉ: Đường Lý Nhân Tông, phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) liên quan đến vụ tai nạn giao thông làm chết người xảy ra vào lúc 19 giờ ngày 20/4/2019.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Ninh Bình khẩn trương xem xét, xử lý đơn thư nêu trên của ông Vũ Thanh Hoa, nếu đúng phải có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bảo đảm khách quan, công bằng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 31/7/2019./.

GP