Những startup tỷ USD do nữ doanh nhân đứng đầu hoạt động ra sao trong đại dịch Covid-19?

00:00 12/10/2020

Dù cắt giảm lương của các lãnh đạo để lấy tiền trả cho nhân viên, nhiều startup kỳ lân vẫn phải cho một số người lao động nghỉ việc hoặc tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Dịch bệnh gây ra bởi virus corona chủng mới tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Tại Mỹ, có đến 22 triệu người đã phải điền vào đơn xin trợ cấp thất nghiệp chỉ trong vòng một tháng, theo những thông tin mới nhất công bố bởi bộ Lao động nước này.

Trong một vài tuần trở lại đây, nhiều lãnh đạo nữ tại các startup phải đưa ra những quyết định hết sức khó khăn khi phải cho các nhân viên “mẫn cán” của mình thôi việc hoặc nghỉ phép tạm thời. Những startup của họ đã huy động được hàng trăm triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và được định giá rất cao. Nhưng giờ đây, họ lại đang phải “vật lộn” để có thể trụ lại trên thị trường khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của công ty.

Trong số đó có cả những lãnh đạo nữ hết sức “quyền lực”, những nhà sáng lập startup kỳ lân, nắm quyền điều hành những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa ít nhất 1 tỷ USD như ClassPass, Away và Rent the Runway. Những công ty kể trên chỉ là một vài cái tên điển hình trong một bộ phận “khiêm tốn” các công ty tỷ USD được sáng lập bởi “phái đẹp”. Theo thông tin công bố bởi công ty nghiên cứu thị trường CB Insights và Crunchbase, chỉ 44 trong tổng số 464 kỳ lân trên toàn thế giới có ít nhất một nhà sáng lập là nữ.

Ở thời điểm hiện tại, Jesse Draper, Giám đốc quản lý đối tác của quỹ đầu tư Halogen Ventures – chuyên đầu tư vào các startup được thành lập bởi các nhà sáng lâp nữ, đang tràn đầy hy vọng. “Tất cả 63 nhà sáng lập nữ của các công ty mà chúng tôi đang đầu tư đã truyền cảm hứng cho tôi bằng việc chỉ trong ngày một ngày hai, họ có thể chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh lên nền tảng số trực tuyến, cho ra mắt các dòng sản phẩm mới hoặc thay đổi chỉ trong một thời gian ngắn”, Draper cho biết. “Tôi hiện lạc quan hơn bao giờ hết vào những “khoản đặt cược” vào hệ sinh thái các nhà lãnh đạo nữ, đó sẽ là các khoản đầu tư sinh lời tốt nhất”.

ClassPass

Tháng 1 năm nay, ClassPass huy động thành công 285 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E, qua đó giúp nhà sáng lập kiêm chủ tịch của công ty – Payal Kadakia lọt vào danh sách những lãnh đạo nữ đang điều hành các doanh nghiệp tỷ USD. Chỉ chưa đầy 3 tháng sau, công ty đã cho nghỉ việc tới 53% tổng số nhân viên của mình. Nguyên nhân là dịch bệnh Covid-19 khiến cho các phòng tập, các studio thuộc quyền quản lý của công ty buộc phải đóng cửa, qua đó kéo sụt doanh thu của ClassPass.

“ClassPass đang chuẩn bị cho một giai đoạn tăng trưởng và phát triển mới thì dịch bệnh bắt đầu nổ ra. Chúng tôi đã lên kế hoạch tuyển thêm khoảng 100 nhân viên trong năm 2020 này. Nhưng những tác động của Covid-19 đối với công ty rất nghiêm trọng và doanh thu của chúng tôi giảm đến 95% chỉ trong vòng 10 ngày”, người đại diện của công ty gửi email đến Forbes.

Để giảm thiểu số lượng nhân viên phải nghỉ việc, hoặc nghỉ phép bắt buộc, các lãnh đạo của công ty đã quyết định cắt giảm một phần hoặc toàn bộ lương thưởng của mình. Người đại diện của công ty cho biết ClassPass cũng đưa ra những gói giải pháp tình thế bao gồm việc chi trả cho các nhân viên nghỉ việc khoản phí đền bù hợp đồng, các khoản bảo hiểm y tế và chi phí hỗ trợ tìm việc làm. Các nhân viên đó sẽ nhận được những hỗ trợ từ phía công ty trong vòng 3 tháng tới. “Đây là cuộc chơi không hề có luật lệ. Chúng tôi đang làm hết sức có thể để giảm thiểu đến mức tối đa những tác động tiêu cực đến nhân viên từ những quyết định “khó khăn” của công ty”.

Rent the Runway

Trong tháng 3/2019, công ty chuyên cho thuê đồ thời trang Rent the Runway được định giá ở mốc 1 tỷ USD sau khi nhận được 125 triệu USD tiền đầu tư từ vòng gọi vốn Series F, dẫn đầu bởi Franklin Templeton Investments và Bain Capital Ventures. Sau vòng gọi vốn đó, tổng số vốn mà công ty kêu gọi được tính đến thời điểm hiện tại là 541,2 triệu USD, theo Crunchbase.

Thế nhưng trong tháng 3 năm nay, startup được chèo lái bởi CEO Jennifer Hyman, phải cho toàn bộ nhân viên làm việc tại các cửa hàng bán lẻ của mình nghỉ việc sau khi các cửa hàng này buộc phải đóng cửa do tình hình dịch bệnh phức tạp, theo the Verge. Người phát ngôn của công ty cũng đã xác nhận thông tin trên với Forbes.

Các nhân viên buộc phải nghỉ việc của công ty vẫn nhận được các khoản đền bù hợp đồng, 2 tháng bảo hiểm y tế. Các nhân viên làm việc theo giờ sẽ vẫn nhận được số tiền lương tương ứng với những ca làm việc của họ trước ngày 31/3, theo The Verge.

The Wing

Audrey Gelman và Lauren Kassan đã xây dựng không gian làm việc chung đầu tiên của mình tại khu vực Ladies Mile, quận Manhattan (Mỹ) vào năm 2016. Sau đó, họ mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ra nhiều địa điểm khác trên khắp các thành phố như New York, Boston, Chicago, London, Los Angeles, San Francisco và Washington. Cặp đôi đã kêu gọi được số vốn đầu tư lên đến 117,5 triệu USD, theo thông tin từ Crunchbase.

Trong đầu tháng 3 vừa qua, The Wing cho đóng cửa toàn bộ không gian làm việc chung của mình do dịch bệnh lan rộng. Không lâu sau đó, vào ngày 3/4, Kassan và Gelman chia sẻ trong một bài viết trên trang Medium rằng họ đang cho nghỉ việc hoặc nghỉ phép bắt buộc đối với phần lớn nhân viên của công ty. Doanh thu của công ty đã có sự sụt giảm mạnh lên tới 95%.

“Chỉ vài tuần trước, chúng tôi còn bàn bạc với nhau để tìm ra những địa điểm mới mà công ty có thể mở rộng hoạt động của mình. Nhưng giờ thì bản thân chúng tôi còn không thể biết được khi nào chúng tôi mới có thể mở cửa trở lại”, họ viết. “Để có thể bảo toàn nguồn lực xây dựng lại công ty sau khi khủng hoảng qua đi, chúng tôi đã buộc phải đưa ra những quyết định hết sức khó khăn”.

Họ cho biết công ty vẫn sẽ thanh toán 2 tháng tiền lương đền bù hợp đồng cho những nhân viên bị buộc phải nghỉ việc, bên cạnh đó là cung cấp chi phí bảo hiểm y tế đến hết tháng 6/2020. Nhằm giúp nhân viên của mình có thể nhanh chóng tìm được công việc mới, họ cũng sẽ chi trả khoản phí tư vấn việc làm, hoặc giúp các nhân viên của mình hoàn thành các thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Các nhà sáng lập của công ty cũng đã thành lập nên một quỹ hỗ trợ, qua đó, các nhà sáng lập, các nhà đầu tư cũng như các nhân viên còn lại của công ty có thể đóng góp phần nào nhằm trợ giúp những người kém may mắn hơn.

“Chúng tôi đã tìm đến nhiều phương án khác nhau để có thể trụ vững qua thời điểm khó khăn này. Chúng tôi không nhận lương của chính mình, cắt giảm lương của nhiều nhân viên khác, thậm chí tìm đến sự trợ giúp từ phía chính quyền liên bang. Nếu như không áp dụng những biện pháp “mạnh” kể trên, công ty sẽ không thể trụ được đến hết năm nay. Chúng tôi sẽ quay trở lại mạnh mẽ hơn. Chúng tôi thực sự rất buồn khi phải đưa ra những quyết định trên, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”, họ viết.

Away

Trong tháng 5/2019, công ty chuyên sản xuất các dòng sản phẩm chứa hành lý, đồ đạc, được định giá ở mốc 1,4 tỷ USD sau khi công ty này nhận được 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series D, dẫn đầu bởi Wellington Capital Management. Sau vòng gọi vốn này, tổng số vốn đầu tư mà công ty nhận được tăng lên mức 156 triệu USD.

Trong ngày 7/4, 2 nhà sáng lập của công ty – Steph Korey và Jen Rubio – chia sẻ trong một bài viết trên Medium rằng doanh số của Away đã giảm đến 90%. Cho dù họ đã vận dụng những biện pháp tốt nhất có thể như giảm hoặc nợ lương đối với các vị trí lãnh đạo và tạm dừng quá trình tuyển dụng, nhưng họ vẫn buộc phải cho nghỉ việc một bộ phân nhân viên của mình.

“Chỉ trong vòng một vài tuần lễ, chúng tôi nhận ra rằng sẽ thật khó khăn để có thể duy trì đội ngũ nhân viên hiện tại qua mùa dịch bệnh này. Chỉ một tháng trước, chúng tôi vẫn nhận được rất nhiều đơn hàng. Nhưng hiện tại, chi phí trả lương cho nhân viên đã cao hơn gấp nhiều lần so với doanh thu của công ty. Khả năng tài chính của chúng tôi, vốn rất triển vọng trong quá khứ, giờ đây là không đủ để có thể giữ mọi thứ ổn định. Các quyết định khó khăn buộc phải được đưa ra”.

Công ty đã quyết định rằng công ty sẽ cho một nửa số nhân viên của mình nghỉ phép bắt buộc và cho thôi việc khoảng 10% tổng số nhân viên. “Đây là một quyết định hết sức khó khăn, nhưng đó là lựa chọn cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi luôn tự hào vì đã tạo ra công ăn, việc làm cho rất nhiều người. Nhưng giờ đây là nỗi sợ hãi, sự tức giận khi buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn như vậy. Họ không hề đáng bị như thế. Họ là những người bạn của chúng tôi”.

Những nhân viên được cho nghỉ việc sẽ nhận được số tiền đền bù tương ứng với 2 tuần làm việc. Công ty sẽ chi trả chi phí bảo hiểm y tế cho họ đến cuối tháng 6 năm nay, Korey và Rubio cho biết. Công ty cũng sẽ chi trả các khoản phí tư vấn việc làm và giúp nhân viên hoàn thành các thủ tục cần thiết để nhận các khoản trợ cấp thất nghiệp. Phần lớn các nhân viên được yêu cầu nghỉ phép bắt buộc là thành viên của các bộ phận bán lẻ và chăm sóc khách hàng. Với sự hỗ trợ từ phía chính phủ, họ sẽ vẫn được nhận 100%  lương và các khoản phụ cấp cho đến khi họ quay trở lại làm việc như trước kia.

Minted

Mariam Naficy, nhà sáng lập kiêm CEO của Minted, giúp công ty thu về gần 300 triệu USD tiền đầu tư. Trong tháng 12/2018, công ty đã nhận được 208 triệu USD tiền đầu tư trong vòng gọi vốn Series E, dẫn đầu bởi Permira Funds và T. Rowe Price.

Trong đầu tháng 4 vừa qua, công ty buộc phải cho nhân viên của mình nghỉ việc do doanh thu của công ty đã sụt giảm nghiêm trọng. Nacify chia sẻ thông tin này trên Medium vào ngày 3/4, sau khi đã có những trao đổi với toàn bộ nhân viên của mình trong các cuộc họp riêng với từng người. Naficy cho biết, trước khi đi đến quyết định cho nhân viên của mình nghỉ việc, họ đã thử rất nhiều các biện pháp khác nhau như cắt giảm chi phí marketing và một loạt chi phí khác. Cô cũng cho dừng quá trình tuyển dụng và yêu cầu tất cả mọi người, bao gồm cả các lãnh đạo cấp cao, tạm thời giảm thời gian làm việc và qua đó là giảm tiền lương của họ.

“Cho dù đã áp dụng các biện pháp cắt giảm lương và chi phí, Minted vẫn không thể nào duy trì đội ngũ nhân viên hiện tại của mình, trong bối cảnh triển vọng doanh thu của công ty khá ảm đạm. Sau khi làm tất cả những gì có thể, chúng tôi buộc phải đưa ra những quyết định vô cùng khó khăn, qua đó, cắt giảm 147 vị trí công việc tại công ty”, cô viết. “Khi mà các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ, và tình hình kinh doanh của Minted có những bước tiến triển, công ty hy vọng có thể lại một lần nữa chào đón những thành viên cũ”.

Những nhân viên cũ của công ty sẽ nhận được một tháng lương đền bù hợp đồng và 3 tháng chi phí bảo hiểm y tế. Công ty cũng sẽ trợ giúp họ trong quá trình tìm kiếm một công việc mới.

Trọng Đại