Những ngôi nhà đá ong - Tản văn của Lam Thi (Tp. Hồ Chí Minh)

00:00 12/10/2020

  nha-xay-bang-gach-vun Những ngôi nhà, những bức tường rào xây bằng đá ong ở quê nội đã quá quen thuộc suốt thời thơ ấu. Mỗi lần đạp xe về ông nội qua thung đá, lại ngước mắt nhìn những người thợ đá treo mình chon von trên vách núi, cần mẫn, nhễ nhại dùng xà beng thuổng từng viên đá. Cho đến bây giờ vẫn một câu hỏi mà không muốn tìm câu trả lời (vì cứ nghe một dòng đắng nghẹn trong ngực) : một ngày người thợ đá đục được bao nhiêu viên đá? Và bao nhiêu viên đá đủ để xây được một ngôi nhà? Những người thợ đá năm xưa đã nằm xuống dưới chân núi. Con cháu họ không ai còn làm thợ đá. Ai ở lại bám làng thì đói khổ, thất học; người tha hương thì vất vưởng, khó khăn. Không ít thanh niên trai tráng làm phu hồ ở Lào Cai, Yên Bái trở về, gối đầu vào vách núi gửi tấm thân bị tàn phá vì HIV... Làng quá nhiều người già, đàn bà, con trẻ... Những bà cụ lưng còng gập, ngoài 80 tuổi vẫn bỏm bẻm nhai trầu, tha thẩn ngoài vườn với luống cải, gốc cau... Nghe tin con cháu ở xa về, chống gậy lụi cụi tới mang theo chục trứng gà lẫn cả rơm và dấu vết sinh nở của bầy gà mẹ... Mắt mờ, chân yếu, tay run run lần mở cái kim băng cài mấy lần túi áo dúi vào tay mình vài chục tiền lẻ "Để đi đường uống nước nha con"... Rồi cười, rồi sờ nắn chân tay mình, rồi nhắc lại chuyện "Hồi ông nội mày còn sống...". Tình quê mặn mòi, da diết như những đốm đồi mồi nâu sẫm trên gương mặt in hằn vết đời nhọc nhằn, lam lũ... Những người thím, người cô, người chị già hơn tuổi thật hàng chục tuổi. Hết mùa vụ họ lại theo nhau lên Hà Nội, sống tạm bợ chen chúc trong những khu nhà trọ chật chội. Bốn giờ sáng đội thúng bánh mì, thúng khoai sắn lên đầu đi khắp hang cùng ngõ hẻm với tiếng rao đặc vị quê "Bánh mì lóng đơi...". Đứa em mình cùng đám bạn sà vào thúng ngô luộc trong góc công viên; ăn hết nửa bắp ngô ngẩng lên nhận ra thím... Oà khóc, thím cháu ôm lấy nhau tủi hờn. Thúng ngô nghi ngút khói còn mùa đông tái tê cả dòng nước mắt ấm... Những người đàn bà quê mình chẳng bao giờ nhận được quà từ chồng... Gánh vác một năm hàng chục cái giỗ lớn nhỏ; lăn lóc việc đồng áng chẳng thua đàn ông sức dài vai rộng.  Chồng gọi "Mẹ thằng cu..." là đủ để mắt long lanh, ngay cả chuyện yêu chiều khi đêm về có khi cũng chỉ là việc kéo chân lôi sang giường hay xuống đất... Nhưng họ vẫn ở đó, hồn nhiên sinh con đẻ cái, hồn hậu sống đời giản đơn và yên lòng với cọc tiền chắt chiu giấu trong bồ thóc, với đàn lợn ủn ỉn khi năm hết tết về... Mỗi lần có dịp về quê đúng dịp giỗ tết, họ ùa ra nắm lấy tay mình. Nụ cười héo hắt vẫn ko khuất lấp được vẻ hiền hậu, nhân từ... Thương quá những phận đời đàn bà quê mình. Bỗng thấy những nhọc nhằn của đời mình chỉ như gió thoảng, mưa bay... Quê nội vẫn lam lũ, nghèo khó như xưa. Đi dọc đường làng đã được trải bê tông sạch sẽ vẫn thấy những bức tường đá ong nguyên vẹn sự lầm lũi, dãi dầu như vài chục năm trước... Nhiều nơi ở đất nước này, người ta đang gắng gỏi bảo tồn những gì xưa cũ: một phố cổ, một di tích, một lễ hội, một gốc thị, một điệu hò.... Còn nơi đây, xưa cũ là dấu vết, là trầm tích của đói nghèo, lạc hậu; là hiện thân của những kiếp người cả đời luẩn quẩn quanh gốc rạ, luống rau... Làm gì cho quê hương?  Làm gì để mỗi lần trở về không cảm thấy xót đau? Làm gì để mỗi lần ra đi không trĩu nặng ngậm ngùi?... Có lẽ ko ít người con quê mình cứ nghẹn ngào thế. Để rồi ngước mặt nhìn trời và thấy hai bàn tay nhỏ bé... Như mình ... Hà Nam. 02/2015