Những huyền thoại trên đỉnh cao nguyên đá

00:00 12/10/2020

Cao nguyên đá Đồng Văn là tên gọi chung của bốn huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn có diện tích khoảng 2356 km2. Bốn huyện ở vùng cao nguyên đá này đều tiếp giáp với nước láng giềng Trung Quốc, nổi tiếng trong và ngoài nước với những thắng cảnh hùng vĩ, thơ mộng như dinh nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng và dòng sông Nho Quế; trong đó đèo Mã Pì Lèng và dòng sông Nho Quế cùng song hành làm nên những "huyền thoại" đẹp nhất trên miền hoa đá, tạo thành đệ nhất hùng quan ở vùng biên ải cực bắc.

        dong-song

Từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên đá Đồng Văn là một con đường duy nhất uốn lượn quanh co men theo các sườn núi đá tai mèo xám xịt, lởm chởm và sắc lẹm. Trên con đường ấy thì đoạn đèo Mã Pì Lèng là một cung đường hiểm trở vào loại bậc nhất ở Việt Nam. Đèo Mã Pì Lèng nói riêng và cao nguyên đá Đồng Văn nói chung được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra. Chưa cần kể về con đèo này, mới nghe tên gọi thôi, ai biết tiếng Hán thì hẳn sẽ phải rợn tóc gáy mà sợ. Mã Pì Lèng có nghĩa là sống mũi con ngựa. Đây là cách đặt tên địa danh theo cách phát âm của tiếng Quan Hỏa (Trung Quốc). Sở dĩ con đèo này được gọi là sống mũi con ngựa là vì núi đá ở đây dựng đứng, hiểm trở có hình dáng y như sống mũi con ngựa. Người ta bảo rằng ngựa đi qua đỉnh đèo này có khi phải tắt thở, nếu ngựa đang chửa có khi bị trụy thai mà chết. Ngoài tên gọi phổ biến này ra, đèo còn có một tên gọi khác của những người Mông bản địa là Máo Pì Lèng, có nghĩa là sống mũi con mèo. Đèo Mã Pì Lèng nằm trên đoạn đường có tên là Hạnh Phúc, nối thành phố Hà Giang với huyện Đồng Văn và Thị trấn Mèo Vạc. Đèo nằm trên độ cao hơn 2000m so với mặt nước biển. Đèo không dài, chỉ khoảng chừng trên 20 km nhưng uốn lượn quanh co chín khúc theo các sườn núi như một dải lụa với một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Người ta kể lại rằng, xưa kia khi chưa mở được con đường Hạnh Phúc lên cao nguyên đá Đồng Văn, mỗi khi vượt đèo người đi phải đóng cọc, treo dây để leo qua chín khoanh đèo dựng đứng với lởm chởm những mỏm đá sắc lẹm. Bởi thế, tuy chỉ có hơn hai mươi cây số thôi nhưng Mã Pì Lèng được người đời ghi danh và xếp hạng, vào loại tứ đại đỉnh đèo nổi tiếng ở vùng núi cao phía bắc: đèo Pha Đin, đèo Ô Qui Hồ, đèo Khau Phạ, đèo Mã Pì Lèng.

Trước kia cao nguyên đá sống khá biệt lập. Sau khi giải phóng miền Bắc, kể từ ngày mở được con đường từ thành phố Hà Giang lên Đồng Văn thì đời sống của đồng bào xứ đá đã không còn biệt lập nữa. Giao thông thuận tiện, dễ dàng đi lại hơn đã thực sự đem lại hạnh phúc cho con người xứ đá, không còn cực khổ như cái thời thuộc Pháp và trước đó. Và hành trình mở đường ấy cũng là một huyền thoại không kém với những cảnh quan hùng vĩ của cái xứ sở huyền diệu này. Theo tiếng gọi của Đảng, ngày 10 tháng 9 năm 1959, hơn 1300 thanh niên xung phong của 8 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Nam Định, Hải Dương đã cùng hơn 1.000 dân công của 16 dân tộc trên vùng cao nguyên đá đã tiến hành phá núi mở đường bằng những cụ lao động hết sức thô sơ, thủ công như cuốc, xẻng, búa tạ, xà beng ... Họ mở đường trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn với những khí hậu khắc nghiệt và thiếu lương thực, thiếu thực phẩm ..., đặc biệt là còn vấp phải sự chống phá điên cuồng, dã man của bọn phản cách mạng ... Tuy nhiên với quyết tâm mở đường để đem lại hạnh phúc cho đồng bào, dòng dã trong suốt gần 6 năm trời, với 2,4 triệu ngày công cùng biết bao xương máu, con đường đã thành công. Ngày 15 tháng 6 năm 1965 chiến dịch mở đường đã hoàn toàn thắng lợi. Trong hành trình gian khổ ấy, quá trình mở đường ở Mã Pì Lèng là vất vả nhất. Chỉ có hơn 20 km nhưng cung đèo này "tiêu" tốn mất gần hai năm. Để phá núi thành đường đi qua đèo, hàng trăm thanh niên xung phong đã thay nhau buộc dây ngang người, treo mình trên các vách đá dựng đứng để đục từng thớ đá bằng xà beng tám cạnh, rồi nhét thuốc cho nổ. Hồi ấy, công trường như chiến trường. Những con người nhỏ bé đã đem sức mình để đánh bại những biển đá hàng ngàn năm. Người ta kể rằng, mỗi một đợt thanh niên xung phong (khoảng hơn chục người) xách xà beng, cầm búa cùng thuốc nổ leo lên vách đá thì đồng đội phải làm truy điệu sống cho những cảm tử quân này. Và trong buổi lễ truy điệu ấy những chiến sĩ cảm tử quân đã hô to hai tiếng "quyết thắng". Dứt tiếng hô họ đu mình lên vách núi, dùng sức mình mà đục mà nhét thuốc vào đá rồi cho nổ. Và rồi, sau mỗi tiếng mìn nổ thì một vỉa đá bé nhỏ lại vỡ ra. Cứ thế ... cứ thế ... mà làm nên con đường huyền thoại. Con đường ấy sau này đã được ví như "Vạn lý trường thành của Việt Nam" hay là một "Kim Tự Tháp" của người Mèo; rồi sau này đã trở thành một di sản của dân tộc.

Đỉnh cao Mã Pì Lèng chỉ dành cho những người mạo hiểm. Vượt qua chín khúc cua tay áo, dừng chân trên đỉnh đèo, đặc biệt là đứng trên mỏm đá nhô ra chúng ta ngỡ ngàng nhận ra một dải núi sông hùng vĩ, hoang sơ, tráng lệ ... Từ cái đỉnh cao hơn 2000 m ta tận mắt thấy núi tiếp núi, trùng trùng, điệp điệp, nhấp nhô, nhấp nhô ...; thấy được cái trắng xóa huyền ảo của biển mây, cũng có khi thấy mây luồn dưới chân, quấn vào từng mỏm đá; thấy được vực sâu hun hút. Đặc biệt trước mắt là dòng Nho Quế mềm mại như một dải lụa màu ngọc bích quyến rũ đến ma mị. Người dân bản địa ở xứ đá này kể rằng: Ngày xưa, núi Mã Pì Lèng và dãy Săm Pun (nghĩa là sấm sét và gió) là một. Nước chạy từ trên núi xuống bị ứ lại bên kia quả núi, nước ứ lại nhiều lắm. Bên này quả núi, đất đá không có nước nên nứt nẻ, khô cằn; cây cối trơ trụi. Một hôm thần Sông bảo thần Núi nằm dịch sang một bên để cho dòng nước chảy qua bên này tưới mát cho cây cối và dãy núi khô hạn. Thần Núi giả vờ không nghe thấy, cứ nằm ì một chỗ. Thần Sông bèn tâu lên Ngọc Hoàng ý định của mình. Ngọc Hoàng ra lệnh cho thần Núi nằm dịch sang một bên. Thần Núi vẫn giả vờ ngủ, không nghe thấy lệnh của Ngọc Hoàng. Từ mùa đông đến mùa hè thần Núi vẫn ngủ, từ mùa hè đến mùa đông thần Núi vẫn nằm … Ngọc Hoàng thấy vậy bèn sai thần Sét đi mở lối cho dòng nước chảy. Thế là, vào một đêm mưa gió, mưa rất to, trời tối đen như mực, sấm sét thi nhau rạch cắt màn đêm, bỗng có một tiếng nổ làm rung chuyển đất trời, ánh sáng phát ra chói loà, bầu trời đêm như bị băm nát. Khi thần Sét rút lưỡi gươm lên tức thì quả núi vỡ ra làm đôi. Dòng nước bị ứ lại lâu ngày chảy qua cuồn cuộn. Nước chảy thành dòng lớn. Nước đi đến đâu cây cỏ xanh tốt đến đấy, những sườn núi cháy khô héo úa qua một đêm đã mướt xanh màu ngọc, từng búp non mơn mởn vươn lên trời. Nước cứ đi, đi mãi, đi mãi…rồi thành dòng sông như ngày nay. Đó là dòng Nho Quế. Người ta bảo rằng, quả núi ngày xưa ấy bây giờ bị chia thành hai. Bên này là Mã Pí Lèng, bên kia là dãy Săm Pun, giữa là dòng sông Nho Quế thơ mộng.

Câu chuyện kể trên chỉ là những huyền thoại thơ mộng về những đỉnh núi dòng sông. Nó là sự lí giải thế giới thự nhiên theo cách của người xưa. Thực tế, theo khoa học, dòng sông Nho Quế được hình thành cách đây khoảng 5,3 triệu năm. Nó khởi nguyên từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, trên độ cao 1.500 m so với mặt nước biển. Con sông chảy trên đất Trung Quốc có tên là Phổ Mai với chiều dài 146 km. Sông Phổ Mai ấy nhập quốc tịch vào đất Việt tại thôn Sẻo Lủng xã Lũng Cú huyện Đồng Văn thì được khai sinh là Nho Quế. Trước khi chia tay với mảnh đất sinh thành để đến với vùng đất mới, sông buông mình đi giữa hai lãnh thổ làm thành một đoạn đường biên giới tự nhiên giữa hai nước. Trên đất Đồng Văn, sông Nho Quế Sông chảy qua địa phận các xã Lũng Cú, Ma Lé, Thị trấn Đồng Văn. Đến hẻm núi Tu Sản thì chạy dọc theo Mã Pì Lèng. Ở đất Mèo Vạc, sông chuyển hướng đi về phía đông - đông nam, rồi đi qua các xã Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ để nhập vào sông Gâm tại Na Nát thuộc xã Lý Bôn huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng, là chi lưu phía tả ngạn của sông Gâm. Theo các nhà khoa học, sông Nho Quế thuộc hệ thống đứt gãy Tây Bắc - Đông Nam, đứt gãy này kéo dài từ Chù Sá đến Si Ka, khoảng 40 km. Đây là vùng núi đá vôi có cấu trúc sơn văn khá đặc sắc, các núi đá vôi này có sườn dốc lớn cùng đan xen với các loại đá khác, cùng với những núi đất bị chia cắt mạnh tạo nên một địa hình gồ ghề, hiểm trở. Đoạn chảy trên đất Việt, sông Nho Quế có chiều dài khoảng 46 km, diện tích lưu vực 2010 km2, ở độ cao trung bình 1255 m, độ dốc trung bình 18,7%, có lượng nước bình quân hàng năm khoảng 2,69 km³ tương ứng với lưu lượng nước bình quân hàng năm là 85 m³/s và mô đun dòng chảy năm là 15,8 l/s/km². Đoạn chảy qua  hẻm vực Mã Pì Lèng có màu ngọc bích, dài khoảng 1,7 km, dưới vực sâu khoảng từ 700 – 800 m, vách dốc dựng đứng nên tạo thành một danh thắng kì vĩ bậc nhất trên Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, đây cũng được coi là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á. Hẻm vực Nho Quế có hai bên vách đá cao vút tạo thành một khe núi vừa sâu vừa hẹp, giữa dòng có những ghềnh đá tai mèo lởm chởm, sắc nhọn như bãi chông nên đã tạo thành vô số ghềnh thác trắng xóa giữa thung lũng. Ở những khúc ôm cua, bãi đá hiện ra lố nhố trên mặt nước, dòng nước cuộn xoáy, ầm vang như một bầy ngựa vừa phi vừa hí. Khi đi qua những bãi đá thác ghềnh con sông lại trở nên hiền hòa, dòng nước êm ả, buông trôi, mơ màng như mái tóc buông dài bất tận của người thiếu nữ. Đứng bên bờ sông, nhất là ở đoạn chảy qua khe núi Tu Sản và đèo Mã Pì Lèng, nghe tiếng rì rầm của dòng nước, hòa trong không gian bao la của đá núi mây trời, ta sẽ có cái cảm giác thích thú, sảng khoái, vui sướng khi được đắm mình trong một thế giới tự nhiên kì diệu. Dòng nước xanh biếc như màu ngọc sẽ làm cho bất cứ ai đến đều phải mê mẩm, đắm say. Chính cái màu xanh ngọc ấy hòa với màu xanh của cây trên đá làm thành một bức tranh đẹp đến lạ kì. Chẳng thế, cái không gian huyền diệu ấy đã được người đời gọi là “Đệ nhất hùng quan” và được thế giới xếp vào Tổ hợp di sản cấp quốc tế. Và, ngày 16 tháng 11 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận khu vực Mã Pí Lèng và hẻm vực Nho Quế là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Để có được mảnh đất huyền thoại này đến ngày hôm nay, đã có biết bao thế hệ cư dân sinh sống trên cái cao nguyên này phải đổ không chỉ là mồ hôi mà còn là cả xương máu nữa. Chỉ tính riêng từ năm 1979 đến năm 2004, phía bên kia biên giới đã biết bao lần cho người sang đất Sẻo Lủng đốt nhà cướp đất, đuổi người. Nhưng cứ mỗi lần như thế, hơn chục gia đình người Mông nơi đây lại đoàn kết để đấu tranh với kẻ gian. Họ đã cùng với bộ đội biên phòng nâng niu, giữ gìn từng tấc đất của tổ tiên để lại. Đồng bào gắn bó và giữ gìn mảnh đất biên cương với phương châm "nó đốt nhà ta lại dựng; nó bắc cầu mở đường sang, ta lại phá". Cứ thế, cứ thế ... cùng với núi đá những con người anh dũng, kiên cường, bất khuất nơi đây đã trở thành những cột mốc chủ quyền thiêng liêng của dân tộc nơi tuyến đầu tổ quốc thân yêu. Và dòng sông Nho Quế yêu thương vẫn ngày đêm miệt mài xuôi chảy qua biển đá như một lằn ranh chủ quyền phân chia cương vực phương Bắc với phương Nam.

Cao nguyên đã đầy thơ mộng nhưng cũng nhiều gian khó. Chẳng thế khi đến với xứ đá yêu thương, thấu hiểu và chia sẻ với đồng bào, chiến sĩ nơi biên cương cực bắc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xúc động, khẳng định: Đồng bào nơi đây, họ chỉ cần dựng nhà, sinh sống trên vùng khí hậu khắc nghiệt này, khẳng định chủ quyền biên cương đất nước cũng đủ tiêu chuẩn để phong anh hùng rồi, chứ chưa nói gì đến họ phải làm ra của cải để nuôi chính họ và đóng góp cho xã hội…

Đỉnh Mã Pì Lèng huyền thoại! Dòng sông Nho Quế huyền thoại! Con đường Hạnh phúc huyền thoại! Con người nơi biên cương xứ đá huyền thoại! Đúng là một mảnh đất đầy huyền thoại nơi biên ải địa đầu "tột bắc".

 Giang Hiền Sơn

                         Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, Hà Nội